Theo trang CNN Business, giới đầu tư quốc tế đã rút vốn khỏi Trung Quốc từ đầu năm nay, khi nhiều thành phố lớn ở nước này phong toả để chống dịch bùng phát. Hôm thứ Sáu tuần trước, tỷ giá Nhân dân tệ so với USD có lúc giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng 9/2020 tại cả thị trường trong và ngoài Trung Quốc đại lục. Sau đó, tỷ giá này hồi phục về mức 6,78 Nhân dân tệ đổi 1 USD.
Trong vòng 3 tháng qua, Nhân dân tệ đã giảm giá khoảng 7% so với đồng bạc xanh. Quý 1, Nhân dân tệ giảm 6,5%, trở thành đồng tiền mất giá mạnh nhất tại khu vực châu Á. Tháng 4 là tháng giảm giá mạnh kỷ lục của Nhân dân tệ, khi tỷ giá đồng tiền này trượt 4% so với USD.
Cũng trong tháng 4, dự trữ ngoại hối của Trung Quốc giảm mạnh nhất kể từ cuối năm 2016, với mức giảm 68 tỷ USD, còn 3,12 nghìn tỷ USD. Dự trữ ngoại hối của nước này đã giảm 130 tỷ USD trong 3 tháng đầu năm, sau khi tăng 33,6 tỷ USD trong cả năm 2021.
Xu hướng giảm giá gần đây của Nhân dân tệ là một sự đối lập so với những gì đã diễn ra trong năm ngoái, khi Nhân dân tệ là một trong những đồng tiền tăng giá mạnh nhất thế giới.
Các nhà phân tích nói rằng sự kết hợp giữa chiến lược chống dịch hà khắc mang tên zero Covid của Trung Quốc và việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) nâng lãi suất đã khiến giới đầu tư lo lắng về khoản đầu tư của họ ở Trung Quốc. Trong tháng 2 và tháng 3, lượng vốn rút khỏi trái phiếu Trung Quốc lớn kỷ lục.
“Đồng USD mạnh lên, mối lo về triển vọng tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc, và chênh lệch lãi suất thu hẹp giữa Trung Quốc và Mỹ, tất cả đều góp phần khiến đồng Nhân dân tệ mất giá nhanh”, một báo cáo của ngân hàng Goldman Sachs nhận định.
Đến hiện tại, vẫn còn khoảng 30 thành phố Trung Quốc đang bị phong toả và chưa có dấu hiệu nào cho thấy Bắc Kinh sẽ sớm từ bỏ zero Covid – phương pháp chống dịch gây tổn thất cho hầu như tất cả mọi lĩnh vực trong nền kinh tế và kéo tụt tăng trưởng.
“Mối lo rằng Trung Quốc sẽ còn đóng cửa trong tương lai gần” đã khiến USD mất giá so với Nhân dân tệ - nhà quản lý quỹ Stephen Innes của SPI Asset Management nhận định trong một báo cáo.
Về phần mình, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) đã triển khai nhiều biện pháp để hạn chế ảnh hưởng bất lợi mà zero Covid đặt ra cho nền kinh tế nói chung và tỷ giá đồng nội tệ nói riêng.
Trong một động thái chưa từng có tiền lệ, vào cuối tháng 4 vừa qua, PBOC giảm tỷ lệ dự trữ ngoại hối bắt buộc tại các ngân hàng thương mại về 8% từ 9% trước đó. Động thái này giúp cho Nhân dân tệ ngừng giảm giá trong vài ngày, nhưng xu hướng giảm đã nhanh chóng được nối lại sau đó.
Đồng nội tệ yếu cũng mang lại một số lợi ích cho quốc gia. Khi Nhân dân tệ giảm giá, hàng hoá Trung Quốc tăng sức cạnh tranh về giá ở nước ngoài. Điều này có thể giúp ích cho nền kinh tế đang giảm tốc của Trung Quốc. Trong tháng 4, xuất khẩu của Trung Quốc tăng trưởng yếu nhất trong 2 năm.
Chừng nào tốc độ mất giá của Nhân dân tệ còn chừng mực, “các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc có thể vẫn hoan nghênh đồng nội tệ giảm giá”, một báo cáo của ngân hàng Goldman Sachs nhận định.
Tuy nhiên, nếu Nhân dân tệ rớt giá nhanh, nhà đầu tư có thể hoảng loạn và các dòng vốn có thể tháo chạy khỏi Trung Quốc, gây mất ổn định kinh tế nước này và dẫn tới phản ứng dây chuyền trên thị trường tài chính toàn cầu.
Các chuyên gia của ngân hàng UBS dự báo Nhân dân tệ có thể tiếp tục mất giá trong những tháng tới, có thể thủng ngưỡng 7 Nhân dân tệ đổi 1 USD tại một thời điểm nào đó. Lần gần đây nhất Nhân dân tệ giảm giá dưới mốc này là vào tháng 7/2020, và sau đó, Nhân dân tệ bắt đầu tăng giá khi Fed duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng và nền kinh tế Trung Quốc phục hồi mạnh từ đáy sâu gây ra bởi đại dịch.
Mức tỷ giá thấp kỷ lục của Nhân dân tệ so với 1 USD là 8,28 Nhân dân tệ đổi 1 USD thiết lập vào tháng 7/2005. Đó là thời điểm Bắc Kinh chấm dứt chính sách đã duy trì nhiều năm là neo buộc tỷ giá Nhân dân tệ và USD, và thay vào đó cho phép đồng nội tệ tăng giá.
Nhiều nhà phân tích cho rằng Trung Quốc có thể siết chặt việc kiểm soát các dòng vốn nếu sự mất giá của đồng nội tệ vượt quá tầm kiểm soát. “Vài ngày tới đây sẽ là khoảng thời gian quan trọng cần theo dõi”, báo cáo của Goldman Sachs nhận định.