October 31, 2023 | 08:10 GMT+7

Chứng khoán Mỹ xanh rực phiên đầu tuần, giá dầu “bốc hơi” hơn 3%

Bình Minh -

Đây là phiên tăng mạnh nhất của Dow Jones kể từ hôm 2/6 và phiên tăng mạnh nhất của S&P 500 kể từ hôm 2/6...

Ảnh minh hoạ - Ảnh: Reuters.
Ảnh minh hoạ - Ảnh: Reuters.

Thị trường chứng khoán Mỹ phục hồi mạnh trong phiên giao dịch ngày thứ Hai (30/10), với chỉ số Dow Jones tăng hơn 500 điểm, khi tâm trạng của nhà đầu tư được cải thiện trước thềm một loạt sự kiện quan trọng trong tuần, gồm cuộc họp của Cục Dự trữ Liên bang (Fed), báo cáo việc làm, và báo cáo tài chính của Apple. Trong khi đó, giá dầu lao dốc mạnh vì mối lo về sự gián đoạn nguồn cung dầu từ Trung Đông dịu bớt, bất chấp Israel mở cuộc tấn công đổ bộ vào dải Gaza.

Lúc đóng cửa, Dow Jones tăng 511,37 điểm, tương đương tăng 1,58%, chốt ở mức 32.928,96 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 1,2%, đạt 4.166,82 điểm. Chỉ số Nasdaq tăng 1,16%, đạt 12.789,48 điểm.

Đây là phiên tăng mạnh nhất của Dow Jones kể từ hôm 2/6 và phiên tăng mạnh nhất của S&P 500 kể từ hôm 2/6.

Với phiên tăng này, S&P 500 thoát khỏi tình trạng điều chỉnh (correction) mà chỉ số rơi vào tuần trước - khi thước đo này giảm 2,5% cả tuần và đóng cửa ở mức thấp hơn 10% so với mức đỉnh của năm 2022. Nếu tính từ đầu tháng tới nay, S&P 500 đã giảm 2,8%, trên đà hoàn tất tháng giảm thứ ba liên tiếp, chuỗi giảm ba tháng đầu tiên của chỉ số kể từ năm 2020 - thời điểm Covid-19 trở thành đại dịch toàn cầu.

Dịch vụ truyền thông là nhóm cổ phiếu tăng mạnh nhất trong S&P 500 phiên này, với mức tăng hơn 2%, mạnh nhất kể từ cuối tháng 8. Các cổ phiếu công nghệ vốn hoá lớn Amazon và Meta Platforms tăng tương ứng 3,9% và 2%.

“Tuần trước, thị trường đã đóng cửa ở đáy. Thông thường, khi thị trường kết thúc một tuần trong sự bi quan như vậy, mà sang tuần mới không xuất hiện điều gì mới tệ hơn, giá cổ phiếu sẽ phục hồi trong phiên ngày thứ Hai”, chiến lược gia Art Hogan của công ty B. Riley Financial nhận định.

“Nhà đầu tư cuối cùng cũng đã cảm thấy tự tin hơn rằng có vẻ như thị trường đã phản ánh hết tin xấu và giá tài sản. Đó là lý do đẩy giá cổ phiếu tăng mạnh hơn trong ngày hôm nay”, ông Hogan nói thêm.

Fed sẽ kết thúc cuộc họp chính sách tiền tệ định kỳ kéo dài 2 ngày vào ngày thứ Tư (1/11). Thị trường kỳ vọng Fed sẽ giữ nguyên lãi suất quỹ liên bang trong cuộc họp này. Trong bối cảnh lãi suất tăng cao là “thủ phạm” chính khiến chứng khoán Mỹ sụt giảm thời gian qua, nhà đầu tư cũng đang hy vọng Fed sẽ phát tín hiệu đã hoàn tất việc tăng lãi suất. Họ cho rằng ít nhất Fed cũng đã làm xong công việc thắt chặt của năm 2023.

“Chưa bao giờ trên thị trường lại có một sự đồng thuận rõ ràng như hiện nay rằng Fed sẽ không có động thái nào trong cuộc họp này. Như vậy, đây sẽ là cuộc họp thứ hai liên tiếp họ không tăng lãi suất. Tôi cho rằng việc đó có thể là một tín hiệu rằng chu kỳ tăng lãi suất này đã hoàn tất, và sẽ giúp dừng xu hướng tăng chóng mặt mà chúng ta đã chứng kiến ở lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ”, ông Hogan nói thêm. “Nếu lãi suất đi ngang ở đây trong một thời gian, chắc chắn những tin tức tốt lành sẽ xuất hiện”.

Tuần trước, lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm vượt mốc 5% lần đầu tiên kể từ năm 2007. Phiên ngày thứ Hai, lợi suất giao dịch ở ngưỡng 4,89%.

Vào ngày thứ Sáu tuần này, thị trường sẽ đón nhận báo cáo việc làm tháng 10. Nhà đầu tư đang kỳ vọng bản báo cáo sẽ cho thấy thị trường lao động bớt thắt chặt, cho phép Fed thoải mái giữ nguyên lãi suất cho đến hết năm.

Một sự kiện quan trọng khác của tuần này là Apple công bố báo cáo tài chính quý 3 sau khi kết thúc phiên giao dịch chính thứ ngày thứ Năm. Cổ phiếu Apple, thành viên lớn nhất của S&P 500, đang trong trạng thái điều chỉnh, với mức giảm 14% từ đỉnh của 52 tuần.

Giá dầu thô Brent giao sau tại London giảm 3,03 USD/thùng, tương đương giảm 3,35%, còn 87,45 USD/thùng. Giá dầu WTI giảm 3,23 USD/thùng, tương đương giảm 3,78%, còn 82,31 USD/thùng.

Phiên này, thị trường năng lượng không còn lo ngại nhiều về sự gián đoạn nguồn cung dầu từ Trung Đông do chiến tranh Israel-Hamas. Thay vào đó, nhà đầu tư trở nên thận trọng hơn trước cuộc họp của Fed.

“Gần đây, thị trường bị chi phối nhiều bởi các diễn biến ở Gaza. Nhưng các yếu tố kinh tế vĩ mô có thể nổi lên trong tuần này. Thị trường đang chờ xem Fed sẽ phát tín hiệu như thế nào”, Chủ tịch Jim Ritterbusch của công ty Ritterbusch & Associates nhận định.

Hôm thứ Sáu, giá dầu tăng 3% sau khi Israel đẩy mạnh việc tấn công trên bộ vào Gaza - diễn biến làm dấy lên mói lo rằng xung đột có thể lan rộng ra Trung Đông, khu vực chiếm 1/3 sản lượng dầu toàn cầu. Nhưng trong phiên ngày thứ Hai, mối lo này dịu đi.

“Phần bù rủi ro chiến tranh đã được phản ánh vào thị trường. Các diễn biến căng thẳng hơn vào cuối tuần, nhưng có vẻ như sẽ không có sự gián đoạn nguồn cung nào xảy ra”, nhà phân tích Phil Flynn của công ty Price Futures Group phát biểu.

Trong một báo cáo ra ngày thứ Hai, Ngân hàng Thế giới (WB) dự báo giá dầu toàn cầu đạt bình quân 90 USD/thùng trong quý 4 năm nay và 81 USD/thùng trong năm 2024, trong bối cảnh tăng trưởng toàn cầu giảm tốc gây suy yếu nhu cầu tiêu thụ dầu. Tuy nhiên, WB cũng cảnh báo rằng xung đột leo thang ở Trung Đông có thể đẩy giá dầu lên cao hơn nhiều.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate