August 29, 2022 | 12:07 GMT+7

Chứng khoán toàn cầu tháo chạy, VN-Index bốc hơi hơn 30 điểm, cổ phiếu phân bón ngược sóng

Kim Phong -

VN-Index mất 30,3 điểm tương đương 2,36% trong phiên sáng nay là mức giảm mạnh kỷ lục kể phiên ngày 6/7 vừa qua và cũng chỉ là phiên tạo đáy. Áp lực quá lớn từ chứng khoán toàn cầu cũng như mức lợi nhuận quá tốt trong ngắn hạn đang thúc đẩy nhà đầu tư bán ra để vớt vát lợi nhuận. Nhóm cổ phiếu phân bón như DCM, DPM, BFC bất ngờ tăng ngược...

Căng mắt cũng không nhìn thấy màu xanh trên bảng giá sáng nay.
Căng mắt cũng không nhìn thấy màu xanh trên bảng giá sáng nay.

VN-Index mất 30,3 điểm tương đương 2,36% trong phiên sáng nay là mức giảm mạnh kỷ lục kể phiên ngày 6/7 vừa qua và cũng chỉ là phiên tạo đáy. Áp lực quá lớn từ chứng khoán toàn cầu cũng như mức lợi nhuận quá tốt trong ngắn hạn đang thúc đẩy nhà đầu tư bán ra để vớt vát lợi nhuận. Nhóm cổ phiếu phân bón như DCM, DPM, BFC bất ngờ tăng ngược.

Cả sàn HoSE kết phiên sáng chỉ còn 31 mã tăng nhưng có tới 430 mã giảm. Tuy mới chỉ có 7 mã giảm chạm sàn, nhưng số giảm trên 3% tới 170 mã, 109 mã khác giảm trong biên độ 1%-2%.

Thiệt hại nhìn trong riêng phiên hôm nay là rất lớn, nhưng nhìn dài hơn thì những nhà đầu tư mua sớm vẫn có thể còn có lãi. Vấn đề là ở chỗ tốc độ giảm ở nhiều cổ phiếu 2-3 phiên trở lại đây gia tăng nhanh chóng, đồng nghĩa với lợi nhuận cũng sẽ “bốc hơi”. Vì thế thị trường đang xuất hiện tâm lý bán “vớt lãi”.

Bên cạnh đó, thị trường có tới 2 tuần đi ngang và cổ phiếu giăng co kéo dài và thanh khoản duy trì trung bình khá cao, riêng khớp lệnh hai sàn niêm yết cũng đã trên 15 ngàn tỷ đồng/ngày. Những nhà đầu tư mua ở giai đoạn đi ngang này hiếm khi có lãi, nên lúc này mức lỗ cũng sẽ tăng rất nhanh.

Áp lực bán sáng nay là rất rõ ràng. Ngay khi mở cửa số cổ phiếu giảm giá đã gấp cả chục lần số tăng giá. Tuy nhiên biên độ giảm thì gia tăng theo thời gian, nghĩa là số cổ phiếu giảm sâu hơn trong phiên gia tăng dần. Đây là tín hiệu rõ nhất về áp lực bán tháo gia tăng. Chẳng hạn, dù đã có hàng trăm cổ phiếu giảm sốc so với mức tham chiếu như mới chỉ ra phía trên, HSX vẫn ghi nhận trên 270 cổ phiếu bị đánh tụt giá từ 1% tới 5% so với giá đỉnh đầu ngày.

Mặt khác, thanh khoản gia tăng đột biến trên hai sàn cũng xác nhận lượng cổ phiếu bị bán đổ ra: Tổng giá trị khớp lệnh HoSE và HNX đạt 13.036 tỷ đồng, tăng 37% so với sáng phiên trước và đạt ngưỡng kỷ lục kể từ cuối tháng 4/2022.

VN-Index rơi tự do ngay từ khi mở cửa.
VN-Index rơi tự do ngay từ khi mở cửa.

Trong tình cảnh cả thị trường giảm dữ dội, đáng chú ý có lẽ là những cổ phiếu đi ngược dòng. 31 mã trên HoSE đang tăng và HNX cũng có 35 mã. Đại đa số các mã tăng này có thanh khoản quá ít để có thể chắc chắn rằng giá đang hiện lên đó thật sự là phản ánh quan điểm của cung cầu. Tuy vậy cũng có một số mã đáng chú ý như DPM tăng 1,94% thanh khoản 232,6 tỷ đồng; DCM tăng 1,55% thanh khoản 246,9 tỷ; PVD tăng 1% giao dịch 170,9 tỷ; BFC tăng 3,68% với 19,5 tỷ.

Nhóm cổ phiếu phân bón tăng giá riêng biệt, thậm chí còn tách khỏi nhóm hóa chất nói chung. Áp lực thiếu hụt phân bón do nhiều nhà sản xuất châu Âu điêu đứng vì giá khí đốt cao là yếu tố hỗ trợ cho giá cổ phiếu. Thanh khoản vẫn đang duy trì rất cao ở các mã này cho thấy có sự ưu tiên của nhà đầu tư. Chẳng hạn BFC sáng nay đã khớp gần gấp đôi cả phiên trước, DPM, DCM cũng đang xấp xỉ giao dịch cả phiên cuối tuần.

Thị trường đang rơi vào thời điểm khá bất lợi khi thông tin trong nước không có gì đặc sắc, thậm chí rơi vào vùng trũng tháng ngâu. Trong khi đó thế giới rất bất ổn, đặc biệt là quan điểm cứng rắn của FED về lạm phát. Các thị trường, trong đó có Việt Nam, cũng vừa có một nhịp tăng rất tích cực, cổ phiếu đem lại lợi nhuận phổ biến 20-30%. Vì vậy nhu cầu chốt lời bảo toàn lợi nhuận là điều hết sức bình thường. Ít nhất thị trường cũng phải thể hiện sự cân bằng chiết khấu với những rủi ro đang có trước khi xuất hiện diễn biến mới.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate