April 09, 2025 | 14:05 GMT+7

Chứng khoán Vietcap: Việt Nam vẫn có lợi thế trong thu hút vốn FDI ngay cả khi chênh lệch thuế 10% so với các địa bàn khác

Tuệ Lâm -

Theo đánh giá của Vietcap, trong trường hợp đàm phán diễn ra thuận lợi, Việt Nam có thể đưa mức thuế quan về mức ~20% và các quốc gia cạnh tranh FDI với Việt Nam cũng được đưa mức thuế quan xuống mức 10-15% thì Việt Nam vẫn sẽ không bị mất đi vị thế thu hút FDI...

Nguồn: Vietcap.
Nguồn: Vietcap.

Chứng khoán Vietcap vừa đưa ra nhận định về dòng vốn FDI sau khi chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump bất ngờ áp thuế đối ứng 46% lên hàng hóa Việt Nam kể từ ngày 9/4. Theo các chuyên gia phân tích của Vietcap, Việt Nam có thể tiếp tục là cứ điểm sản xuất hàng điện tử của các doanh nghiệp FDI nếu mức chênh lêch thuế quan với các đối thủ cạnh tranh FDI chính được đưa về mức khoảng 5% đến 10%

Trong năm 2024, mặt hàng xuất khẩu hàng đầu của Việt Nam sang Mỹ là Đồ điện tử và máy móc thiết bị, chiếm khoảng 47% tổng giá trị xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ.

Thống kê của Vietcap cho thấy, Việt Nam có lợi thế đáng kể về chi phí để thu hút các doanh nghiệp FDI trong ngành điện tử nếu so sánh với các quốc gia khác như Trung Quốc, Thái Lan, Indonesia, Ấn Độ, Malaysia.

Theo đó, về cụm công nghiệp điện tử, Việt Nam có vị trí địa lý gần Trung Quốc và Đài Loan, đã thành lập các trung tâm công nghiệp điện tử quy mô lớn trong khi Thái Lan, Indonesia, Ấn Độ chưa có vị thế đáng kể trong chuỗi cung ứng điện tử. Đối thủ cạnh tranh của Việt Nam là Malaysia có trung tâm công nghiệp điện tử tương đối phát triển, trình độ lao động tốt.

Tuy nhiên, chi phí lao động của Malaysia lại cao hơn Việt Nam. Trung bình thu nhập phải trả cho một lao động ở Việt Nam là 5.052 USD/năm thì ở Malaysia là 8.387 USd/năm. Con số này ở Thái Lan và Indonesia cũng cao lần lượt 7.728 USD/năm và 6.431 USD/năm. Tại Ấn độ là 5.015 USD/năm tương đương Việt Nam trong khi Trung Quốc chi phí vượt trội 12.068 USD/năm.

Chi phí điện của Việt Nam cũng tương đối rẻ, ngang bằng với Trung Quốc và Ấn Độ 0,08 USD/kWh trong khi ở Thái Lan là 0,13 USD, Indonesia và Malaysia là 0,10 USD.

Chi phí đất của Việt Nam cũng rẻ hơn Trung quốc và Indonesia, từ 50-300 USD/m2.

Lợi thế chi phí của Việt Nam tính theo tỷ lệ phần trăm trên tổng chi phí sản xuất là: Nguyên vật liệu 3 điểm phần trăm, chi phí lao động 4 điểm phần trăm, chi phí điện 1 điểm phần trăm, chi phí hiệp định thương mại 2 điểm phần trăm. Tuy nhiên, với mức thuế quan hiện tại, Việt Nam cao hơn mức trung vị của các nước trong nhóm so sánh là 17 điểm phần trăm.

Nguồn: Vietcap.
Nguồn: Vietcap.

Theo những số liệu được trình bày phía trên, Vietcap ước tính Việt Nam có thể giữ được một phần lợi thế cạnh tranh, trong trường hợp mức thuế quan cao hơn khoảng 5-10 điểm phần trăm so với các nước cạnh tranh thu hút FDI, do Việt Nam có các cụm công nghiệp điện tử đã được thiết lập và chi phí sản xuất tương đối thấp.

Lưu ý rằng ngoài các chi phí kể trên, cũng tồn tại nhiều rào cản phi kinh tế mà các doanh nghiệp FDI cân nhắc khi đầu tư như tương đồng văn hóa, ổn định chính trị và đây là các mặt mà Việt Nam đã và đang duy trì lợi thế tốt so với các quốc gia cạnh tranh về thu hút FDI.

Trong trường hợp đàm phán diễn ra thuận lợi và Việt Nam có thể đưa mức thuế quan về mức ~20% và các quốc gia cạnh tranh FDI với Việt Nam cũng được đưa mức thuế quan xuống mức ~10-15% thì Việt Nam vẫn sẽ không bị mất đi vị thế thu hút FDI trong ngành lắp ráp đồ điện tử đặc biệt trong bối cảnh các đầu tư cơ sở sản xuất cần xem xét yếu tố dài hạn.

Việt Nam đã có một loạt các động thái cho thấy thiện chí cân bằng thương mại giữa hai quốc gia. Vào giữa tháng 3/2025, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đã dẫn đầu đoàn công tác sang Mỹ và chứng kiến việc ký kết các thỏa thuận hợp tác trị giá 4,15 tỷ USD giữa doanh nghiệp Việt Nam và Mỹ trong các lĩnh vực như khí hóa lỏng LNG, ethanol, thiết bị nhà máy điện và tài trợ khai thác khoáng sản.

Các thỏa thuận này là một phần trong tổng giá trị hợp tác kinh tế thương mại khoảng 90,3 tỷ USD dự kiến triển khai từ năm 2025 giữa hai nước. Các cam kết kể trên và cam kết ngăn chặn gian lận xuất xứ đã tạo nền tảng đàm phán tích cực. Bên cạnh đó, Nghị định 73/2025/NĐ-CP ngày 31/3/2025 đã giảm thuế tối huệ quốc (MFN) cho một danh sách các mặt hàng bao gồm nông sản, năng lượng..., là một trong những nỗ lực của Việt Nam nhằm tạo điều kiện cho hàng hóa Mỹ vào thị trường Việt Nam.

Sau khi Mỹ công bố kế hoạch áp thuế đối ứng, Việt Nam đã có nhiều hành động mạnh mẽ và kịp thời, bao gồm họp khẩn, gửi công hàm, và thành lập Tổ công tác chuyên trách. Phía Việt Nam cũng có động thái đề nghị tạm hoãn áp dụng mức thuế suất 46% vào ngày 9/4/2025 để đàm phán.

Nổi bật trong chuỗi hành động nhằm ứng phó với kế hoạch áp thuế đối ứng của Mỹ là cuộc điện đàm cấp cao giữa Tổng Bí thư Tô Lâm và Tổng thống Trump ngày 4/4, với đề xuất đưa thuế hai chiều về 0%. Ngay sau đó, Việt Nam đã cử Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc sang Mỹ để tiếp tục cụ thể hóa các thỏa thuận trong điện đàm.

Trong khi đó, giảm mức thuế quan là kết quả khả thi khi hai bên cùng có lợi. Theo bộ trưởng Tài chính Mỹ, Scott Bessent, từ khi công bố mức thuế quan tới ngày 7/4/2025, đang có hơn 50 quốc gia bắt đầu đàm phán với Mỹ.

Mặc dù không chắc chắn về khả năng Mỹ đồng ý tạm hoãn việc áp thuế quan vào ngày 9/4 tới đây, Vietcap cho rằng với các bước đi chủ động cùng thông điệp thiện chí đàm phán và sẵn sàng mở cửa hơn cho hàng hóa Mỹ vào Việt Nam, khả năng đạt được một mức thuế quan hợp lý là khả thi.

Việc giảm thuế quan về mức hợp lý không chỉ có lợi cho Việt Nam mà còn mang lại lợi ích thiết thực cho phía Mỹ, bởi mức thuế quá cao cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro đối với chính nền kinh tế Mỹ.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate