Là một trong những quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi biến đổi khí hậu và thuộc nhóm các nền kinh tế phát thải nhiều carbon nhất ở châu Á, chính phủ Việt Nam đặt mục tiêu giảm phát thải carbon của toàn bộ nền kinh tế và đạt trạng thái trung hòa carbon vào năm 2050 theo cam kết tại Hội nghị Thượng đỉnh về Biến đổi Khí hậu của Liên Hợp quốc năm 2021 (COP26). Để đạt mục tiêu này đòi hỏi những khoản đầu tư khổng lồ trong 30 năm tới, trong khi nguồn lực của nhà nước chỉ đáp ứng được một phần nhu cầu vốn này.
Để ứng phó với biến đổi khí hậu cần có sự chung tay của nhiều tập đoàn, doanh nghiệp lớn trong việc triển khai xây dựng chuỗi giá trị không phát thải khí nhà kính.
NỖ LỰC TĂNG TRƯỞNG KINH TẾ CARBON THẤP
Khi nền kinh tế Việt Nam chuyển dịch dần sang lộ trình tăng trưởng xanh phát thải carbon thấp và nỗ lực đạt mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, tập đoàn IFC đẩy mạnh hỗ trợ chính phủ Việt Nam để tăng cường tài chính bền vững và thúc đẩy sự tham gia của khu vực kinh tế tư nhân, hỗ trợ các mục tiêu khí hậu của quốc gia, và thúc đẩy tăng trưởng bền vững.
Với hai Biên bản Ghi nhớ vừa được ký kết với Bộ Tài nguyên và Môi trường và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, IFC sẽ hỗ trợ thúc đẩy đổi mới sáng tạo và tài chính của khu vực kinh tế tư nhân đối với quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế xanh, bền vững, và phát thải carbon thấp. Các biên bản ghi nhớ này được các bên ký kết tại Washington DC với sự chứng kiến của Thủ tướng Phạm Minh Chính trong chuyến công tác tại Hoa Kỳ để tham dự Hội nghị Cấp cao Đặc biệt Hoa Kỳ-ASEAN mới đây.
Trên cơ sở hợp tác sẵn có trong việc phát triển bộ tiêu chí cho các dự án xanh, IFC sẽ tiếp tục hỗ trợ Bộ Tài nguyên và Môi trường xây dựng và thực hiện khung chính sách và pháp luật với trọng tâm ban đầu bao gồm các lĩnh vực mua sắm xanh, hệ thống phân loại xanh, và quản lý chất thải, đặc biệt là tái chế nhựa và chất thải điện tử, cũng một số lĩnh vực khác.
Bà Stephanie von Friedeburg, Phó Chủ tịch Điều hành Cấp cao của IFC, cho biết: “Đối với Việt Nam, để đạt được mục tiêu kép trở thành nền kinh tế thu nhập cao và trung hòa carbon trong 30 năm tới, vai trò của đầu tư tư nhân càng trở nên quan trọng. IFC sẽ tiếp tục hợp tác chặt chẽ với chính phủ Việt Nam để đảm bảo rằng các chính sách và cơ chế khuyến khích phù hợp sẽ kịp thời được ban hành để khơi thông nguồn tài chính này.”
Đặc biệt quan tâm và đang nỗ lực thực hiện hành động vì khí hậu, Unilever Việt Nam vẫn đang thực hiện các mục tiêu giảm phát thải, bao gồm kiểm soát các hoạt động trong chuỗi vận hành, trong toàn bộ chuỗi giá trị và hoạt động của các nhãn hàng.
Bà Nguyễn Thị Bích Vân - Chủ tịch Unilever Việt Nam cho rằng, chúng ta cũng cần cam kết và hành động để giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu, bởi sức khỏe của hành tinh cũng đóng vai trò quan trọng tương tự như sự ổn định và phát triển của nền kinh tế trong nước và toàn cầu.
CHUNG TAY ỨNG PHÓ VỚI BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU
Tại hội thảo “Chuỗi giá trị không phát thải khí nhà kính” được tổ chức mới đây, Unilever Việt Nam khẳng định cam kết hành động vì khí hậu thông qua xây dựng chuỗi giá trị không phát thải khí CO2; đồng thời kêu gọi sự chung tay hợp tác từ các đối tác trong toàn chuỗi giá trị để cùng hướng tới mục tiêu toàn bộ chuỗi giá trị đạt lượng phát thải bằng “0” đến năm 2039.
Cụ thể, Unilever Việt Nam đã ký kết chương trình hành động cụ thể cùng các đối tác Crown, Dynaplast, Green Yellow, Linfox, Lix và VinFast, cùng với sự đồng hành và cam kết của gần 100 đối tác khác nhằm đẩy nhanh quá trình chuyển đổi sang hướng bền vững, hướng đến đạt mục tiêu phát thải ròng bằng “0” đến năm 2039.
"Phát triển kinh tế carbon thấp sẽ là xu thế của Việt Nam. Nhằm phát triển nền kinh tế xanh hơn, thực hiện hiệu quả các chính sách, cam kết về phát thải khí nhà kính, cần có sự triển khai đồng bộ các giải pháp và phối hợp chặt chẽ của các cơ quan, doanh nghiệp, các tổ chức trong nước và quốc tế".
Ông Tăng Thế Hùng.
Theo ông Tăng Thế Hùng, Phó Vụ trưởng Vụ Tiết kiệm Năng lượng và Phát triển Bền vững, Bộ Công Thương, một số nhóm giải pháp Việt Nam cần ưu tiên chú trọng triển khai tới đây như: Hoàn thiện chính sách pháp luật về biến đổi khí hậu và phát triển bền vững; Thúc đẩy áp dụng các mô hình bền vững nhằm giảm phát thải khí nhà kính trong lĩnh vực Công Thương; Tăng cường hợp tác liên kết.
"Chúng tôi kỳ vọng với sự quan tâm, tham gia và gắn kết chặt chẽ hơn nữa giữa Unilever và các đơn vị cùng các bên liên quan trong các hoạt động sản xuất kinh doanh theo hướng bền vững sẽ góp phần tạo ra lợi ích thiết thực về kinh tế, môi trường và xã hội, góp phần thực hiện các chính sách quốc gia về phát triển bền vững và cam kết của Việt Nam về giảm phát thải tại COP26", ông Tăng Thế Hùng nhấn mạnh.
Không chỉ có các doanh nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng, mà nhiều doanh nghiệp trong các lĩnh vực tài chính, bất động sản, nông nghiệp, công nghiệp, dệt may, công nghệ, xe điện… cũng đang nỗ lực hướng đến mục tiêu không phát thải khí nhà kính để ứng phó với biến đổi khí hậu. Tất cả đang đi đúng với chủ trương của Chính phủ Việt Nam đã được Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu ra tại Hội nghị Liên Hợp Quốc về Biến đổi Khí hậu lần thứ 26 (COP26) diễn ra vào tháng 11/2021 tại Scotland: “Ứng phó với Biến đổi Khí hậu, phục hồi tự nhiên phải trở thành ưu tiên cao nhất trong mọi quyết sách phát triển” đồng thời cam kết “Việt Nam là một nước có lợi thế về năng lượng tái tạo, sẽ xây dựng và triển khai các biện pháp giảm phát thải khí nhà kính mạnh mẽ bằng nguồn lực của mình, cùng với sự hợp tác và hỗ trợ của cộng đồng quốc tế… để đạt mức phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050”.
Tuy việc triển khai năng lượng tái tạo vẫn ở mức hạn chế so với tiềm năng, nhưng với cam kết này của Chính phủ, sự chung tay của nhiều doanh nghiệp trong việc xây dựng chuỗi giá trị không phát thải khí nhà kính nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu và sự chuyển đổi sang lĩnh vực năng lượng bền vững đã và đang trở nên cấp thiết, cần được nhân rộng.