Hội thảo Tổng kết dự án hỗ trợ kỹ thuật “Hợp tác Nam – Nam nhằm nhân rộng các sáng kiến chuỗi giá trị thích ứng với biến đổi khỉ hậu” đã diễn ra vào chiều 22/12/2021, với sự phối hợp của các bên tham gia tại các quốc gia Trung Quốc, Lào, Campuchia và Việt Nam.
THU HÚT SỰ THAM GIA CỦA NÔNG HỘ VÀ DOANH NGHIỆP CHẾ BIẾN
PGS. TS Đào Thế Anh, Phó Giám đốc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam (VAAS), cho biết diễn biến ngày càng phức tạp của biến đổi khí hậu với các hiện tượng cực đoan: mưa lũ thất thường, hạn hán và xâm nhập mặn đã gây ra nhiều tác động tiêu cực đối với sản xuất nông nghiệp.
Vì vậy, một dự án quốc tế với tên gọi “Hợp tác Nam – Nam nhằm nhân rộng các sáng kiến chuỗi giá trị thích ứng với biến đổi khí hậu” đã được triển khai ký kết giữa Quỹ Phát triển Nông nghiệp quốc tế (IFAD) và Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển hệ thống nông nghiệp (thuộc Viện VAAS).
Theo đó, Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển hệ thống nông nghiệp liên kết cùng các đơn vị nghiên cứu tại Việt Nam, Trung Quốc, Lào và Campuchia để triển khai các hoạt động của dự án tại các nước.
“Mục tiêu của Dự án là nhằm tạo ra diễn đàn chia sẻ kinh nghiệm giữa các quốc gia dựa trên cách tiếp cận nhất quán với các chuỗi giá trị thích ứng với biến đổi khí hậu. Dự án thu hút sự tham gia của các nhóm nông dân quy mô nhỏ, cơ sở chế biến và doanh nghiệp”, PGS. TS Đào Thế Anh chia sẻ.
Ông Francisco Pichon, Giám đốc quốc gia IFAD tại Việt Nam cho hay, IFAD là cơ quan thuộc Liên Hiệp quốc chuyên hỗ trợ phát triển nông nghiệp tại các nước trên thế giới.
Tại Việt Nam, IFAD cung cấp hỗ trợ tài chính và chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm toàn cầu, giúp cho phát triên nông nghiệp một cách có hiệu quả. Đối với vùng Đồng bằng sông Cửu Long và vùng núi phía Bắc Việt Nam – những nơi dự án đang triển khai, IFAD hỗ trợ công cụ lập kế hoạch để phát triển các chuỗi giá trị từ cấp tỉnh, cấp huyện đến cấp xã.
Dự án ưu tiên những chuỗi giá trị có ít nhất hai tác nhân liên kết thông qua hình thức hợp đồng, thu hút sự tham gia của nhiều nông hộ, nhất là hộ nghèo, cận nghèo và hộ có phụ nữ làm chủ. Các tác nhân trong chuỗi giá trị có áp dụng các tiêu chuẩn như: VietGAP, GlobalGAP, hữu cơ, ISO…
TS Hoàng Xuân Trường, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển hệ thống nông nghiệp.
"Cùng với đó, IFAD hỗ trợ người dân những khoản đầu tư nhỏ, hỗ trợ về cơ sở hạ tầng, đảm bảo sự tham gia nhiều nhất của những nhóm người dễ bị tổn thương. IFAD không thực hiện trực tiếp, mà thông qua các cơ quan ở địa phương để thực hiện những hoạt động này”, ông Francisco Pichon chia sẻ.
TS Hoàng Xuân Trường, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển hệ thống nông nghiệp, cho biết những bài học kinh nghiệm từ những dự án quốc tế, cùng các đề tài khoa học cấp nhà nước, Dự án đã tổng hợp thành các tài liệu nhằm quảng bá và nhân rộng các kiến thức, kinh nghiệm này đến với người dân và các doanh nghiệp, cũng như hợp tác xã trên địa bàn trong và ngoài nước.
Theo ông Trường, trong hai năm 2020, 2021, cả 4 quốc gia thực hiện chung Dự án đã lựa chọn được 60 mô hình, trong đó tại Việt Nam là 42 mô hình thực hành nông nghiệp tốt để triển khai nhân rộng.
NHIỀU MÔ HÌNH ĐẠT HIỆU QUẢ CAO, DỄ NHÂN RỘNG
Tại tỉnh Hà Giang, Hợp tác xã chè Phìn Hồ (ở xã Thông Nguyên, huyện Hoàng Su Phù) đã sản xuất chè hữu cơ đi đôi với chế biến sâu để cho ra sản phẩm cao cấp, thương hạng.
Hợp tác xã chè Phìn Hồ cũng mở rộng liên kết chế biến với hơn 1.000 hộ thông qua các nhóm sở thích theo phương thức tuân thủ nghiêm ngặt các quy trình sản xuất, chế biến theo tiêu chuẩn hữu cơ của Việt Nam, tiêu chuẩn hữu cơ của châu Âu.
“Chúng tôi đã đầu tư một dây chuyền chế biến chè hiện đại. Từ 2 năm qua, hợp tác xã đã xuất khẩu chè hữu cơ sang Đài Loan và châu Âu. Mô hình sản xuất chè hữu cơ của hợp tác xã chè Phìn Hồ là một trong 6 mô hình chuỗi giá trị được lựa chọn tham gia dự án, đạt được điểm đánh giá cao 90/100 điểm”, bà Triệu Mùi Khế, hợp tác xã Chè Phìn Hồ chia sẻ.
Tại Hà Giang còn có một số mô hình khác được lựa chọn nhân rộng như: mô hình nuôi cá chép trong ruộng bậc thang tại huyện Hoàng Su Phì; mô hình trồng và chế biến chè Shan Tuyết tại xã Cao Bồ, huyện Vị Xuyên; mô hình thu mua và chế biến dầu lạc tại huyện Bắc Quang; mô hình liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ các sản phẩm từ khổ qua rừng tại huyện Xín Mần; mô hình nuôi ong và sơ chế đóng gói mật ong bạc hà.
Tại Cao Bằng, để đối phó với thời tiết khắc nghiệt vào mùa Đông, chủ động nguồn thức ăn cho trâu bò và các gia súc khác, nhiều nông dân ở huyện Hà Quảng đã chuyển đổi từ chăn nuôi theo kiểu thả rông sang chăn nuôi thích ứng với biến đổi khí hậu. Trâu bò được nhốt hoàn toàn, kết hợp trồng cỏ đảm bảo thức ăn thô và thức ăn tinh, không để gia súc thiếu thức ăn trong mùa lạnh.
Đến nay, mô hình này đã được nhân rộng ra 30 xã trên địa bàn 3 huyện vùng cao của Cao Bằng. Ngoài ra, Cao Bằng còn có nhiều mô hình khác: chế biến lạp sườn hun khói, trồng và sản xuất thạch đen, sản xuất chè hữu cơ gắn với du lịch sinh thái, sản xuất các sản phẩm từ cây trúc sào…
Đến nay trên địa bàn tỉnh Bến Tre đã có hơn 48.000 lượt hộ gia đình tham gia các hoạt động tập huấn nâng cao năng lực, đã góp sức cho công cuộc giảm nghèo ở tỉnh thông qua liên kết chuỗi giá trị phát triển các hệ thống nông nghiệp thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu.
Ông Nguyễn Khắc Hân, Giám đốc Dự án tại tỉnh Bến Tre.
Tại tỉnh Bến Tre, với khả năng chịu mặn tới 4-5 độ mặn, cây dừa là loại cây ít bị ảnh hưởng bởi xâm nhập mặn so với các loại cây trồng lâu năm khác. Mô hình liên kết sản xuất, chế biến dừa hữu cơ của Công ty Beinco là một trong số 9 mô hình chuỗi giá trị nông sản của tỉnh Bến Tre được Dự án chọn lựa.
Công ty Beinco thực hiện đầu tư theo mô hình hợp tác công – tư vào năm 2019 với để xây dựng nhà máy chế biến dừa trái, đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại để mở rộng thị trường lớn hơn. Các hoạt động đào tạo kỹ thuật canh tác dừa theo hướng hữu cơ cho nông dân và xây dựng liên kết với các tổ hợp tác, hợp tác xã tại huyện Mỏ Cày Bắc và huyện Giồng Trôm.
Ngoài mô hình liên kết trồng dừa hữu cơ, Bến Tre có nhiều mô hình khác được Dự án lựa chọn để nhân rộng, như: làm ao phủ bạt tích trữ nước ngọt cho cây ăn trái; nuôi tôm càng xanh trong ruộng lúa; nuôi vịt biển; chuỗi liên kết nghêu bền vững…