UBND tỉnh Thanh Hóa vừa họp thường kỳ tháng 11 năm 2023 nhằm đánh giá về một số lĩnh vực kinh tế - xã hội trong gần 1 năm vừa qua.
Theo báo cáo thống kê, năm 2023, sản xuất nông nghiệp của Thanh Hóa ổn định, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng 4,87%, có 15/25 sản phẩm công nghiệp chủ yếu có sản lượng tăng so với cùng kỳ; trong lĩnh vực dịch vụ: Tổng lượng khách du lịch tăng 11,9%, tổng thu du lịch tăng 20,9%, vận chuyển hàng hóa tăng 10,6%, vận chuyển hành khách tăng 31,0%, doanh thu vận tải tăng 23,2%; thu ngân sách nhà nước vượt 7,6% so với dự toán được giao.
Tuy nhiên, vẫn còn nhiều "chướng ngại vật" trong sự phát triển kinh tế của tỉnh này trong năm 2023, như tiến độ lập, trình phê duyệt một số quy hoạch phân khu chức năng trong Khu Kinh tế Nghi Sơn; điều chỉnh Quy hoạch sử dụng đất thời kỳ 2021-2030 và Kế hoạch sử dụng đất năm 2023 cấp huyện, Kế hoạch sử dụng đất 5 năm 2021-2025 tỉnh Thanh Hóa còn chậm.
Chất lượng các đồ án quy hoạch xây dựng đã được cải thiện nhưng còn hạn chế, nhất là quy hoạch xây dựng xã. Một số đồ án quy hoạch chung, quy hoạch phân khu chậm được rà soát, điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp với thực tế.
Sau hơn hai năm chống dịch Covid-19, khả năng chống chịu của doanh nghiệp bị bào mòn, lãi suất duy trì ở mức cao trong phần lớn thời gian của năm tạo áp lực lớn về huy động vốn, tăng chi phí sản xuất cho doanh nghiệp.
Tiếp đến, nhu cầu nguồn vốn lớn để giải phóng mặt bằng, đầu tư các dự án hạ tầng khu kinh tế, khu công nghiệp, cụm công nghiệp của tỉnh này, trong khi năng lực của các nhà đầu tư còn hạn chế, thiếu các quỹ đất sạch để thu hút đầu tư. Ảnh hưởng tiêu cực từ thị trường vốn, tài chính, bất động sản và việc áp dụng chính sách miễn, giảm, giãn, hoãn, gia hạn thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất, tiền sử dụng đất, giảm thuế giá trị gia tăng áp dụng cho năm 2023 được Chính phủ, Quốc hội thông qua, tác động đến kết quả thu ngân sách của tỉnh.
Thu ngân sách năm 2023 của Thanh Hóa tuy vượt 7,6% so với dự toán được giao nhưng giảm mạnh so với cùng kỳ. Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội tuy đã được quan tâm đầu tư nhưng vẫn còn thiếu và chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển, nhất là hạ tầng khu vực miền núi.
Tình trạng khai thác khoáng sản trái phép, khai thác sai so với thiết kế, ngoài vị trí mốc giới nhất là cát, sỏi lòng sông, đất san lấp tại tỉnh này vẫn chưa được giải quyết triệt để.
Công tác dự báo, nắm bắt tình hình, tổ chức thực hiện nhiệm vụ của một số sở, ngành, địa phương, đơn vị của Thanh Hóa còn hạn chế, chưa chủ động giải quyết, khắc phục kịp thời những khó khăn, vướng mắc, các vấn đề phức tạp phát sinh ở ngành, địa phương, đơn vị.
Công tác phối hợp giải quyết công việc giữa một số sở, ngành, địa phương, chủ đầu tư, nhà thầu, đơn vị thi công trong giải quyết khó khăn, vướng mắc có lúc, có việc còn lúng túng, chưa quyết liệt, có tình trạng đùn đẩy trách nhiệm. Nhiều chủ đầu tư trách nhiệm chưa cao trong công tác chuẩn bị các thủ tục đầu tư; thiếu quyết liệt, chủ động, linh hoạt trong chỉ đạo, tổ chức thực hiện giải ngân vốn đầu tư công.
Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Đỗ Minh Tuấn nhấn mạnh, bước vào thực hiện nhiệm vụ năm 2023 Thanh Hóa với nhiều thuận lợi và không ít khó khăn, thách thức, trong đó khó khăn, thách thức nhiều hơn. Có thời điểm khó khăn tưởng như không vượt qua, nhưng nhìn lại kết quả đạt được trên các lĩnh vực cho thấy sự đoàn kết, đồng lòng, nỗ lực rất lớn của các cấp, các ngành, các địa phương và cả hệ thống chính trị; sự ủng hộ, chia sẻ, tin tưởng của cộng đồng doanh nghiệp và các tầng lớp Nhân dân.
Ông Tuấn cũng nhấn mạnh vai trò quan trọng của những tháng cuối năm 2023 đối với việc hoàn thành các mục tiêu, kế hoạch, và yêu cầu các cấp, các ngành, các địa phương tiếp tục nỗ lực, phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu đã đề ra. Trong đó đặc biệt chú ý đến những chỉ tiêu liên quan đến thu ngân sách Nhà nước, giải ngân vốn đầu tư công.
Tại phiên họp trên, ông Nguyễn Trọng Trang, Chánh Văn phòng UBND tỉnhThanh Hóa đã trình bày báo cáo về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024. Theo đó, Thanh Hóa tiếp tục phát triển kinh tế nhanh và bền vững trên cơ sở phát triển công nghiệp nặng, nông nghiệp quy mô lớn, giá trị gia tăng cao là nền tảng; công nghiệp năng lượng, công nghiệp chế biến, chế tạo và dịch vụ logistics là đột phá; du lịch là mũi nhọn; tập trung phát triển 4 trung tâm kinh tế động lực, 3 trụ cột tăng trưởng, 06 hành lang kinh tế.
Năm 2024, Thanh Hóa tập trung tháo gỡ các điểm nghẽn về thể chế, chính sách, đất đai, đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, tăng cường thu hút đầu tư toàn xã hội. Thúc đẩy đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội.