December 13, 2012 | 15:23 GMT+7

Chương trình mục tiêu quốc gia: “Cầm lòng vậy, đành lòng vậy”

Nguyên Vũ

Ủy ban Thường vụ Quốc hội vẫn còn nhiều quan ngại về các chương trình mục tiêu quốc gia

Theo báo cáo của Chính phủ tại phiên họp sáng 13/12, năm 2013, chương 
trình khắc phục ô nhiễm và cải thiện môi trường được giao tổng kinh phí 
là 131 tỷ đồng.
Theo báo cáo của Chính phủ tại phiên họp sáng 13/12, năm 2013, chương trình khắc phục ô nhiễm và cải thiện môi trường được giao tổng kinh phí là 131 tỷ đồng.
Mặc dù đã “khen” Chính phủ đã tiếp thu tương đối nghiêm túc, song Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng vẫn than thở rằng “Thường vụ cầm lòng vậy, đành lòng vậy” với phương án về hai chương trình mục tiêu quốc gia mà Chính phủ “trả nợ”.

Số tiền không nhiều, song phân bổ thế nào để tránh lãng phí vẫn là vấn đề được tranh luận với nhiều ý kiến trái chiều tại phiên thảo luận sáng 13/12 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về hai chương trình mục tiêu quốc gia về ứng phó với biến đổi khí hậu và Khắc phục ô nhiễm và cải thiện môi trường.

Tại phiên họp tháng 10/2012, khi xem xét phương án phân bổ chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2013-2015 do Chính phủ trình, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã phê phán khá gay gắt về sự chậm trễ và tính dàn trải, đồng thời yêu cầu rà soát lại từng chương trình cụ thể. Đặc biệt, Chủ tịch Quốc hội đã tỏ ra rất ngạc nhiên khi số tiền dành cho chương trình ứng phó biến đổi khí hậu lên đến trên 260 tỷ đồng và “ông Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, rồi cả ông Bộ Giáo dục và đào tạo cũng đưa được vào chương trình này”.

Ngay sau đó, ở kỳ họp thứ tư của Quốc hội vừa qua, Chính phủ đã trình phương án phân bổ vốn ngân sách Trung ương cho 16 chương trình mục tiêu quốc gia. Tuy nhiên, do chưa kịp rà soát theo yêu cầu của Ủy ban thường vụ Quốc hội như đã nói trên, Chính phủ chưa có phương án phân bổ vốn chi tiết hai chương trình: ứng phó với biến đổi khí hậu, khắc phục ô nhiễm và cải thiện môi trường. Quốc hội đã giao lại cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định phân bổ vốn cho hai chương trình này.

Theo báo cáo của Chính phủ tại phiên họp sáng 13/12, năm 2013, chương trình khắc phục ô nhiễm và cải thiện môi trường được giao tổng kinh phí là 131 tỷ đồng. Và thay vì bố trí 50 tỷ đồng cho các dự án tại duy nhất một tỉnh Bắc Giang thì đã phân cho 4 địa phương là Bắc Giang, Hà Nam, Thái Bình và Ninh Bình (3 làng nghề được phân bổ 10 tỷ đồng và một làng nghề được 20 tỷ đồng).

Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho rằng ô nhiễm môi trường ở nhiều làng nghề đã rất bức thiết và đáng báo động, tuy nhiên số tiền phân bổ như trên là quá nhỏ, chỉ đủ làm cống rãnh. Như thế chỉ đi vào tiểu tiết, xử lý ngọn mà không làm từ gốc thì rất lãng phí, ông Phúc phát biểu.

Cũng ở chương trình thứ nhất, dự án thu gom, xử lý nước thải từ các đô thị loại II trở lên thuộc ba lưu vực sông Nhuệ - sông Đáy, sông Cầu và hệ thống sông Đồng Nai được bố trí 33 tỷ đồng.

Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội đề nghị chỉ bố trí vốn tập trung cho việc xử lý ô nhiễm hệ thống sông Đồng Nai hoặc chuyển toàn bộ số kinh phí này sang bố trí vốn cho xử lý ô nhiễm môi trường làng nghề.

Với chương trình ứng phó với biến đổi khí hậu (được giao tổng kinh phí là 248,3 tỷ đồng) Chính phủ cho biết đã rà soát cắt giảm 60,8 tỷ đồng từ nguồn vốn sự nghiệp để bố trí 30,8 tỷ đồng Xây dựng và nâng cấp đê biển Tây tỉnh Cà Mau (tổng mức đầu tư là 922 tỷ đồng); 30 tỷ đồng cho dự án kè bảo vệ đoạn xung yếu bờ biển ấp Cồn Trứng, xã Trường Long Hòa, huyện Duyên Hải của tỉnh Trà Vinh (tổng mức đầu tư là 153 tỷ đồng).

Cơ quan thẩm tra đề nghị bố trí số vốn này cho dự án khác vì tỷ lệ vốn quá thấp so với tổng đầu tư là không phù hợp, có thể dẫn tới đầu tư dàn trải, kéo dài, thiếu tính khả thi.

Phó chủ tịch Uông Chu Lưu cũng ủng hộ đề xuất phân bổ số tiền này cho việc trồng rừng chắn sóng của Bộ Tài nguyên và Môi trường để tránh dàn trải.

Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng lưu ý ứng phó biến đổi khí hậu là chương trình dài hạn, gồm rất nhiều công việc ở nhiều bộ ngành, nếu cứ nghĩ có vốn chương trình mục tiêu mà không cần vốn đầu tư nữa thì “chết”.

Ông cũng cho rằng Quốc hội và Chính phủ cần tính toán lại cách làm các chương trình mục tiêu theo hướng chỉ bỏ tiền xây dựng chương trình và làm mô hình thí điểm, còn lại khi bố trí ngân sách cho các bộ ngành thì phân bổ luôn kinh phí để thực hiện phần việc cần thực hiện ở các chương trình. Còn nếu sản phẩm là các công trình thì sẽ bố trí vốn đầu tư.

Theo Chủ tịch, nếu cứ làm như bây giờ thì “ông nào cũng tranh thủ thôi” và mỗi bộ một tí là dẫn đến phân tán. Song, bây giờ trình độ của ta mới đến thế thì chắc là “Thường vụ cầm lòng vậy, đành lòng vậy chấp nhận thế này đã”.

Kết lại phiên thảo luận, Phó chủ tịch Nguyễn Thị Kim Ngân nói: “Thường vụ đành chấp nhận thống nhất với đề nghị của Chính phủ chứ phân tích kỹ thì còn nhiều vấn đề”. Bà cũng đề nghị Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Minh Quang báo cáo Chính phủ để có thể chuyển từ làm đê sang trồng rừng và cân nhắc tiếp thu ý kiến của Thường vụ để điều chỉnh một số nội dung cụ thể tại hai chương trình.
Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate