) Chuyển dịch theo hướng kinh tế tuần hoàn là xu thế tất yếu - VnEconomy Emagazine
Chuyển dịch theo hướng kinh tế tuần hoàn là xu thế tất yếu - Ảnh 1
Chuyển dịch theo hướng kinh tế tuần hoàn là xu thế tất yếu - Ảnh 2

Thưa Thứ trưởng, ông đánh giá thế nào về xu thế, tình hình phát triển kinh tế tuần hoàn trên thế giới hiện nay?

Từ giữa thế kỷ XX, gia tăng nhanh dân số, sức ép của tăng trưởng, quá trình đô thị hóa, công nghiệp hóa, nhu cầu tiêu thụ các loại nhiên liệu và năng lượng đã làm gia tăng mạnh khai thác tài nguyên thiên nhiên, gây ô nhiễm môi trường và biến đổi khí hậu.

Theo ước tính của Liên hợp quốc, đến năm 2050 nếu tiếp tục phát triển với mô hình kinh tế tuyến tính (dựa trên quá trình khai thác, sản xuất, tiêu dùng và cuối cùng thải loại ra môi trường), nhu cầu sử dụng tài nguyên sẽ gấp 3 lần khả năng cung ứng của trái đất, lượng chất thải sẽ vượt giới hạn sức chịu tải của môi trường.

Phát triển các mô hình kinh tế xanh, ít chất thải, carbon thấp và tuần hoàn đang nhận được sự hưởng ứng của nhiều quốc gia, cộng đồng doanh nghiệp trên toàn thế giới. Trong đó, kinh tế tuần hoàn đang được xem là xu thế tất yếu của thời đại, được đồng thuận toàn cầu và được các nước trên thế giới coi là cuộc cách mạng công nghiệp xanh của thế kỷ XXI.

Đây là cơ hội để cộng đồng toàn cầu chung tay thực hiện cam kết quốc tế trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu nhằm mục tiêu phát triển bền vững vì sức khỏe của người dân, môi trường thiên nhiên và trái đất.

Đến nay, trên thế giới có hơn 30 quốc gia/vùng lãnh thổ đã, đang và dự kiến sẽ xây dựng các lộ trình thực hiện kinh tế tuần hoàn.

Hầu hết các quốc gia trên thế giới đều xác định việc thực hiện kinh tế tuần hoàn là một lộ trình dài hạn với những định hướng và hành động chiến lược hướng đến các khía cạnh như: nhận thức, hành vi và văn hóa; hoàn thiện thể chế, huy động nguồn lực, thay đổi hành vi sản xuất và tiêu dùng của các chủ thể trong nền kinh tế theo hướng bền vững, chuyển đổi từ mô hình kinh tế tuyến tính sang kinh tế tuần hoàn.

Cùng với đó thúc đẩy quản lý chất thải theo các nguyên tắc, biện pháp của kinh tế tuần hoàn; hỗ trợ phát triển thị trường các hàng hóa, dịch vụ hỗ trợ cho kinh tế tuần hoàn.

Việc lựa chọn các ngành, lĩnh vực, sản phẩm, vật liệu, chất thải ưu tiên cho thực hiện kinh tế tuần hoàn của các quốc gia, khu vực mặc dù khác nhau nhưng nhìn chung đều hướng đến chuyển dịch toàn diện, bao trùm để giải quyết đồng thời 3 mục tiêu quan trọng là: giảm chất thải, bảo tồn vốn tự nhiên, đa dạng sinh học và góp phần giảm nhẹ phát thải khí nhà kính.

Chuyển dịch theo hướng kinh tế tuần hoàn là xu thế tất yếu - Ảnh 3

Trước xu thế tất yếu này, ở Việt Nam, chủ trương phát triển kinh tế tuần hoàn đã và đang được đặt ra và triển khai thực hiện trong thực tiễn như thế nào, thưa ông?

Tại Việt Nam, Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, ban hành kèm theo Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2045 đã khẳng định “khuyến khích phát triển mô hình kinh tế tuần hoàn để sử dụng tổng hợp và hiệu quả đầu ra của quá trình sản xuất”.

Các Nghị quyết của Đảng về phát triển năng lượng quốc gia; nông nghiệp, nông thôn và nông dân, công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phát triển các vùng, miền và địa phương… gần đây cũng đề cập trực tiếp đến việc cụ thể hóa kinh tế tuần hoàn vào các ngành, lĩnh vực hoặc vùng cụ thể của đất nước.

Nhiều chiến lược, chương trình, đề án, quy hoạch, kế hoạch được Thủ tướng Chính phủ ban hành gần đây như chăn nuôi, xuất nhập khẩu, hóa chất, bảo vệ môi trường, tăng trưởng xanh… đều xem kinh tế tuần hoàn là cách tiếp cận, giải pháp để đạt được các mục tiêu của ngành, lĩnh vực.

Về quy định pháp luật, Việt Nam là một trong những quốc gia đầu tiên ở khu vực ASEAN đưa kinh tế tuần hoàn vào Luật Bảo vệ môi trường và văn bản hướng dẫn dưới luật. Ngoài ra, nhiều công cụ chính sách quan trọng có vai trò điều chỉnh hành vi của người sản xuất, tiêu dùng trong nền kinh tế theo hướng thân thiện môi trường sẽ góp phần thúc đẩy thực hiện kinh tế tuần hoàn một cách toàn diện, hiệu lực và hiệu quả.

Thực tiễn đã xuất hiện những tín hiệu tích cực về áp dụng kinh tế tuần hoàn của doanh nghiệp, các Hiệp hội nghề nghiệp, các trường đại học, viện nghiên cứu, chính quyền địa phương, cộng đồng dân cư đã có tín hiệu vào cuộc để hiện thực hóa chủ trương phát triển kinh tế tuần hoàn.

Chuyển dịch theo hướng kinh tế tuần hoàn là xu thế tất yếu - Ảnh 4

Thưa Thứ trưởng, với những gì đang diễn ra thì việc thực hiện và phát triển kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam hiện nay có những cơ hội thuận lợi nào?

Theo tôi, việc triển khai thực hiện kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam đang có nhiều cơ sở nền tảng thuận lợi. Phát triển kinh tế tuần hoàn đã được khẳng định trong các văn kiện quan trọng của Đại hội 13 của Đảng, đặc biệt là trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2030. Nhiều Nghị quyết, chiến lược, chương trình, đề án của Đảng và Nhà nước, các bộ, ngành và địa phương đã sớm đưa ra định hướng phát triển kinh tế tuần hoàn. Pháp luật về bảo vệ môi trường cũng dựa trên cách tiếp cận kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh là chủ đạo. Sự phát triển mạnh mẽ của khoa học và công nghệ, đặc biệt là Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đã góp phần hình thành các giải pháp, mô hình kinh doanh mới, khai thác hiệu quả hơn các nguồn lực. Sự chuyển dịch của dòng vốn tài chính theo hướng “xanh”, trái phiếu xanh, tín dụng xanh ngày càng diễn ra mạnh mẽ, có tiềm năng lớn để thu hút các nhà đầu tư trong nước và quốc tế về năng lượng tái tạo, quản lý chất thải, nông nghiệp xanh, giao thông carbon thấp...

Ngoài ra, nhận thức và nhu cầu của người tiêu dùng trong nước tạo động lực mới cho đổi mới trong lĩnh vực sản xuất và dịch vụ. Theo đó, đòi hỏi sản xuất sạch hơn và cung cấp hàng hóa, dịch vụ thân thiện với môi trường hơn.

Việc hội nhập quốc tế và thực thi các cam kết thương mại trong các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới (FTA) đã tạo áp lực chuyển đổi đối với khu vực sản xuất, kinh doanh. Theo đó các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật đối với sản phẩm, hàng hóa gắn với thúc đẩy tái chế, tái sử dụng và tuân thủ các quy định về môi trường ngày càng chặt chẽ.

Tại Việt Nam, nhiều thị trường mới đã có những tín hiệu được hình thành như hàng hóa và dịch vụ môi trường, nguyên vật liệu thứ cấp, sản phẩm thân thiện với môi trường, trái phiếu xanh và tín dụng xanh.

Quá trình chuyển đổi sang mô hình kinh tế tuần hoàn đã và đang diễn ra ở nhiều quốc gia, bao gồm cả các nước phát triển và đang phát triển. Tôi cho rằng các bài học từ quá trình chuyển đổi đó sẽ cung cấp các bài học kinh nghiệm cho Việt Nam trong xây dựng và triển khai mô hình kinh tế tuần hoàn.

Chuyển dịch theo hướng kinh tế tuần hoàn là xu thế tất yếu - Ảnh 5

Vậy, đâu là những thách thức mà Việt Nam cần phải tháo gỡ để thúc đẩy thực hiện phát triển kinh tế tuần hoàn như mục tiêu đề ra?

Việt Nam vẫn còn nhiều tồn tại và hạn chế trong thực hiện kinh tế tuần hoàn cần được tiếp tục nghiên cứu, giải quyết. Thực tiễn cho thấy nhận thức, kiến thức về kinh tế tuần hoàn còn nhiều hạn chế, chưa thống nhất giữa các cấp, các ngành, địa phương, doanh nghiệp và người dân, đòi hỏi cần có cách tiếp cận hệ thống, cần một cơ quan đóng vai trò đầu mối, điều phối các hoạt động tổng thể liên quan đến kinh tế tuần hoàn, và có hệ thống thông tin, dữ liệu, cơ chế giám sát việc thực hiện kinh tế tuần hoàn.

Việt Nam cần tiếp tục thể chế hóa, xây dựng hệ thống pháp luật, các công cụ chính sách toàn diện, hiện đại để thúc đẩy quá trình chuyển đổi sang mô hình kinh tế tuần hoàn, xây dựng các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về nguyên liệu, vật liệu thứ cấp, về công nghệ, thiết bị và sản phẩm liên quan khác.

Bộ, cơ quan ngang Bộ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh cần thực hiện lồng ghép kinh tế tuần hoàn ngay từ giai đoạn xây dựng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chương trình, đề án phát triển; quản lý, tái sử dụng, tái chế chất thải. Các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có trách nhiệm thiết lập hệ thống quản lý và thực hiện biện pháp để giảm khai thác tài nguyên, giảm chất thải, nâng cao mức độ tái sử dụng và tái chế chất thải ngay từ giai đoạn xây dựng dự án, thiết kế sản phẩm, hàng hóa đến giai đoạn sản xuất, phân phối.

Cần phổ biến việc sản xuất và tiêu dùng các sản phẩm, dịch vụ thân thiện với môi trường và nâng cao nhận thức và trách nhiệm về khai thác, sử dụng và quản lý hiệu quả tài nguyên; thu gom, phân loại, tái chế, tái sử dụng chất thải trong các hoạt động sản xuất và sinh hoạt.

Nguồn lực tài chính để thực hiện quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế tuần hoàn được ước tính là rất lớn. Tuy nhiên, việc huy động, phân bổ và sử dụng nguồn lực còn phân tán, chưa hiệu quả. Hoạt động hợp tác quốc tế, liên kết, hợp tác vùng, địa phương, doanh nghiệp và các tổ chức có liên quan chưa được chú trọng, thiếu cơ chế liên kết, hợp tác có tính chiến lược và bền vững…

Trên cơ sở cân nhắc, tính toán những thuận lợi và thách thức nêu trên, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã nghiên cứu, tham mưu về chính sách, pháp luật thực hiện kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam và hiện nay đang chuẩn bị tổ chức Diễn đàn Kinh tế tuần hoàn Việt Nam năm 2023 và sau đó trình Thủ tướng ban hành Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện kinh tế tuần hoàn với những nội dung cụ thể để các bộ, ngành địa phương triển khai thực hiện, biến những chủ trương chính sách của Đảng, Quốc hội, Chính phủ thành hiện thực trong thời gian sớm nhất.

Chuyển dịch theo hướng kinh tế tuần hoàn là xu thế tất yếu - Ảnh 6

VnEconomy 15/11/2023 07:00

 

Nội dung đầy đủ của bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 46 - 2023 phát hành ngày 13 - 11 - 2023. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây:

https://postenp.phaha.vn/chi-tiet-toa-soan/tap-chi-kinh-te-viet-nam

Chuyển dịch theo hướng kinh tế tuần hoàn là xu thế tất yếu - Ảnh 7