Chia sẻ về những vướng mắc trong thực hiện chuyển đổi số cho doanh nghiệp nhỏ và vừa do Cục Phát triển doanh nghiệp (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) tổ chức mới đây, ông Văn Ngọc An, Chuyên gia Chương trình hỗ trợ Doanh nghiệp Chuyển đổi số (Dự án USAID LinkSME) cho biết hiện nay có tình trạng “nở rộ” giải pháp chuyển đổi số cho các doanh nghiệp.
“Giải pháp chuyển đổi số cho doanh nghiệp đã bao phủ nhiều lĩnh vực, gồm cả những lĩnh vực đặc thù. Điều này cho thấy giải pháp chuyển đổi số đã len lỏi vào nhiều hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp”, ông An nói và cho rằng sự nở rộ này một mặt giúp nhiều doanh nghiệp có nhiều thông tin để lựa chọn giải pháp phù hợp, mặt khác cũng gây khó khăn cho các doanh nghiệp khi không có khả năng đánh giá hiệu quả của giải pháp đối với doanh nghiệp mình cũng như năng lực của đơn vị cung ứng giải pháp.
DOANH NGHIỆP SẴN SÀNG NHƯNG CHUYỂN ĐỔI SỐ CÒN THỬ THÁCH
Báo cáo “Mức độ sẵn sàng chuyển đổi số của doanh nghiệp Việt Nam” phát hành mới đây cho thấy 12/16 ngành kinh tế được khảo sát có mức độ sẵn sàng chuyển đổi số trên mức trung bình (2,5 điểm). Nghĩa là, hầu hết các ngành nghề được khảo sát đã/đang phát triển được các mục tiêu số hóa trong hoạch định chiến lược, song hành với đó là thiết lập các vị trí quản lý cần thiết hay các dự án chuyển đổi số riêng biệt.
“Đây là một tín hiệu tích cực cho thấy doanh nghiệp trong hầu hết các ngành đã sẵn sàng cho sự dịch chuyển mang tính chất đột phá và toàn diện này”, báo cáo khẳng định.
Tuy vậy, việc đo lường và quản lý thực hiện chuyển đổi số ở quy mô toàn doanh nghiệp, theo báo cáo, vẫn còn nhiều thử thách cần được giải quyết, đặc biệt ở những lĩnh vực, ngành hoạt động liên quan chặt chẽ tới sản xuất, lưu chuyển hàng hóa hay dịch vụ tới trực tiếp khách hàng như nông, lâm nghiệp, thủy sản; công nghệ chế biến, chế tạo; bán buôn và bán lẻ, sửa chữa xe có động cơ; dịch vụ lưu trú và ăn uống hay xây dựng.
Nói về những thách thức doanh nghiệp từng gặp phải trong quá trình chuyển đổi số, ông Lê Thanh Tâm, Giám đốc Công ty TNHH Thời trang Myone cho biết, Myone phải “mất hàng năm trời” trong việc tìm kiếm đối tác cung ứng phần mềm IAP (nhà cung cấp dịch vụ và đường truyền kết nối internet) do các đơn vị cung ứng không hiểu hết về quy trình sản xuất của ngành may mặc nên giải pháp chuyển đổi số bị “lệch pha” với doanh nghiệp, rất khó ứng dụng.
Hay thậm chí, như chia sẻ của ông Lê Hữu Nghĩa, Giám đốc Công ty TNHH Xây dựng-Thương mại Lê Thành, doanh nghiệp đã từng phải dừng hợp đồng viết phần mềm với một đơn vị cung cấp giải pháp chuyển đổi số cho doanh nghiệp.
“Công ty chúng tôi từng làm việc với những đối tác lớn nhưng cuối cùng vẫn phải chọn các đơn vị tư vấn hỗ trợ chuyển đổi số nhỏ vì họ cung cấp dịch vụ phù hợp cho doanh nghiệp”, ông Nghĩa cho biết.
Thậm chí, theo ông Văn Ngọc An, trong một số trường hợp, nhiều doanh nghiệp buộc phải “bỏ dở” giữa chừng vì giải pháp chuyển đổi số được đưa ra không phù hợp với quy trình sản xuất, kinh doanh, cung cấp dịch vụ và văn hóa của doanh nghiệp và không có tiền đầu tư tiếp cho các kế hoạch chuyển đổi số thay đổi.
CHỦ ĐỘNG LỰA CHỌN GIẢI PHÁP PHÙ HỢP
Theo ông Đinh Đức Thụ, Giám đốc Ban Khách hàng Tổ chức - Doanh nghiệp, Tổng Công ty dịch vụ viễn thông VNPT (Vinaphone), để chuyển đổi số mang lại hiệu quả, tránh tình trạng phải “bỏ dỡ” giữa chừng và tốn chi phí, chủ doanh nghiệp cần hiểu rõ bản chất, nhu cầu chuyển đổi số cho ngành của mình là gì?, từ đó, lãnh đạo doanh nghiệp phải lên kế hoạch, chọn đúng đối tác, nhà tư vấn, triển khai vận hành cho hiệu quả.
Ông Thụ lưu ý, doanh nghiệp nên có sự chuẩn bị rất kỹ trước khi đưa ra yêu cầu, nếu không đưa ra được yêu cầu thì phải thuê công ty tư vấn, lượng hóa được yêu cầu, chỉ tiêu đối với nhà cung cấp, có như vậy quá trình chuyển đổi số mới sát với thực tế nhu cầu.
Vì vậy, để hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số thành công, VNPT đã xây dựng từng gói giải pháp phù hợp với quy mô, mô hình kinh doanh, giá trị mục tiêu mà doanh nghiệp muốn hướng tới. Đặc biệt, các giải pháp phải đưa ra được lộ trình chuyển đổi số để doanh nghiệp hình dung được nguồn lực đầu tư cho chuyển đổi số từng giai đoạn là bao nhiêu? Doanh nghiệp phải chuẩn bị những gì?
“VNPT đã xây dựng hệ sinh thái các giải pháp chuyển đổi số phù hợp cho từng loại hình doanh nghiệp như hệ sinh thái hộ kinh doanh, giải pháp Hóa đơn điện tử, chữ ký số từ xa VNPT smartCA, hay nền tảng hỗ trợ chuyển đổi số cho doanh nghiệp onesme.vn… Các giải pháp này nhìn chung dễ sử dụng và vận hành, rất phù hợp với các doanh nghiệp có quy mô nhỏ và siêu nhỏ”, ông Thụ cho biết.
Ngoài ra, cũng theo đại diện VNPT, chuyển đổi số phải xuất phát từ người đứng đầu doanh nghiệp và cần sự thống nhất cao trong ban lãnh đạo và bộ máy. Theo đó, doanh nghiệp cần làm từ dễ đến khó, từ trong ra ngoài (từ chuyển đổi số trong nội bộ) để tránh tình trạng thay đổi đột ngột trong doanh nghiệp, làm nản lòng cán bộ công nhân viên...
Nội dung bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 19-2023 phát hành ngày 08-05-2023. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây:
https://postenp.phaha.vn/chi-tiet-toa-soan/tap-chi-kinh-te-viet-nam