Chia sẻ về hành trình và những chuyển biến từ khi chuyển đổi số tại sự kiện AWS Cloud Day tại Hà Nội tuần trước, ông Nguyễn Đoàn Kết, Phó chủ tịch HĐQT kiêm Phó Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Bóng đèn Phích nước Rạng Đông thông tin, trong nhiều năm, tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm từ năm 2015 đến năm 2018 của doanh nghiệp chỉ khoảng 8-10 %. Thế những sau khi thực hiện chuyển đổi số, đến năm 2022, Rạng Đông đã có mức tăng trưởng gấp đôi là 21%. Và dự kiến mục tiêu trong giai đoạn 2023-2025 sẽ lập mốc mới, với tốc độ tăng trưởng 25-30%.
CÁCH TẠO MẶT BẰNG TĂNG TRƯỞNG MỚI
Ông Kết cho biết, hiện nay Rạng Đông đang thực hiện Chiến lược chuyển đổi số công ty với 4 yếu tố dẫn dắt hành trình và 6 trụ cột chính. Theo đó, các yếu tố dẫn dắt chuyển đổi số chính là nâng cao năng lực thích ứng của doanh nghiệp; mở rộng không gian tăng trưởng; triển khai mô hình kinh doanh trong thời đại số DBM (mô hình của trường đại học Massachusetts) và phát huy thế mạnh của công nghệ số.
Trong khung chiến lược này, Rạng Đông xác định chuyển đổi số trong 6 lĩnh vực trụ cột tập trung gồm hoàn thiện phát triển hệ sinh thái sản phẩm và dịch vụ; xây dựng các nhà máy sản xuất thông minh; chuẩn hóa và tối ưu hóa quy trình tổ chức; triển khai Marketing 4.0; phát triển mô hình DBM- O2O (Online to Offline và Offline to Online); dữ liệu và kết nối.
Sáu trụ cột này dựa trên nền tảng của Rạng Đông bao gồm các nền tảng về hạ tầng (trong đó có cả AWS), dữ liệu, thông tin, kết nối, và đặc biệt là nền tảng văn hóa của Rạng Đông.
Rạng Đông đã chia quá trình chuyển đổi số ra thành từng giai đoạn. Đầu tiên là giai đoạn “dò đá tìm đường”, số hóa từng quy trình riêng lẻ. Tiếp đến là đồng bộ hóa các quy trình này trên một nền tảng chung. Ở giai đoạn thứ 3, Rạng Đông tiến tới xây dựng nền sản xuất thông minh, linh hoạt, rồi từ đó quay trở lại tối ưu hoá và hoàn thiện quy trình vận hành.
Theo ông Kết, quá trình chuyển đổi số theo nguyên lý là các hệ thống, quy trình phải được chuẩn hóa sau đó mới chuyển đổi số. Hệ thống quản trị là một hệ thống rất lớn, trong đó bao gồm nhiều hệ thống vừa, trong hệ thống vừa là gồm nhiều hệ thống nhỏ, trong các hệ thống nhỏ có các quy trình. Do đó, việc đầu tiên là phải chuẩn hóa quy trình, tối ưu hóa quy trình từ đó ứng dụng công nghệ số để tối ưu hóa từng quy trình, từ đó tạo ra 1 phiên bản số.
Khi vòng lặp của chuyển đổi số được vận hành sẽ tạo ra “bánh đà” tăng trưởng. Chính vì thế, sau hơn 2 năm chuyển đổi số, Rạng Đông đạt được mặt bằng tăng trưởng mới gấp đôi so với trước khi chuyển đổi số, ông Kết nói.
Không chỉ tạo đà tăng trưởng mới, chuyển đổi số đã giúp doanh nghiệp nâng cao khả năng tự động hoá, năng suất lao động, rút ngắn khoảng thời gian điều hành, đưa sản phẩm từ khâu sản xuất ra thị trường. Đặc biệt quá trình chuyển đổi số của Rạng Đông đã gắn liền với các nền tảng dịch vụ điện toán đám mây của AWS. Hiện hàng trăm ngàn gia đình đang dùng những hệ sinh thái của Rạng Đông dựa trên nền tảng đám mây ổn định, linh hoạt và tin cậy của AWS.
GIÚP DOANH NGHIỆP VỪA VÀ NHỎ XÓA BỎ RÀO CẢN CHI PHÍ "LÊN MÂY"
Để có được kết quả tăng trưởng gấp đôi, theo tính toán trong 3 năm qua, chi phí bình quân Rạng Đông dành cho chuyển đổi số chiếm 2,7% tổng chi phí hoạt động hàng năm.
Chia sẻ kinh nghiệm chuyển đổi số và “lên mây”, ông Kết khẳng định, điều đầu tiên doanh nghiệp phải xác định được lộ trình sử dụng Cloud như thế nào, phải hiểu rõ năng lực, điều kiện về công nghệ và tài chính của mình để có thể từng bước chuyển lên cloud có hiệu quả…
Đặc biệt, “số hóa, chuyển đổi số, lên cloud phải gắn với mục đích kinh doanh của doanh nghiệp. Ngoài ra, doanh nghiệp phải xác định khối lượng công việc từng bước phù hợp, từng bước di chuyển lên đám mây. Doanh nghiệp nên đi từng bước phù hợp với năng lực tài chính, hiểu biết của mình và nâng dần mức độ lên. Và điều quan trọng là phải chọn nhà cung cấp phù hợp điều kiện kỹ thuật và nhu cầu kinh doanh môi trường mạng,” ông Kết nói.
Ông Gunish Chawla, Giám đốc điều hành Bộ phận doanh nghiệp thị trường tầm trung và doanh nghiệp vừa và nhỏ, AWS khu vực ASEAN, các doanh nghiệp vừa và nhỏ rất đa dạng và kinh doanh trong nhiều lĩnh vực khác nhau. Từ nghiên cứu của AWS cho thấy, hành trình ứng dụng công nghệ của các doanh nghiệp bắt đầu từ việc chuyển đổi môi trường làm việc trực tiếp lên online, ứng dụng điện toán đám mây, tạo ra sự hiện diện trên không gian mạng.
Tiếp đó, các doanh nghiệp có thể tính đến việc ứng dụng các giải pháp công nghệ vào quản trị doanh nghiệp như nhân sự, kế toán, kiểm kê… để nâng cao hiệu suất hoạt động. Tiếp đến, các doanh nghiệp sẽ dùng các công nghệ mới như AI, máy học để phân tích các dữ liệu đang có, từ đó tối ưu hóa, nâng cao trải nghiệm khách hàng.
Đến nay, tại Việt Nam, AWS đã giúp hàng nghìn doanh nghiệp vừa và nhỏ các lĩnh vực khác nhau thực hiện chuyển đổi số hoạt động kinh doanh nhờ tận dụng sức mạnh của đám mây…
Mặc dù chuyển đổi số, công nghệ đám mây sẽ tạo động lực tăng trưởng mới cho doanh nghiệp nhưng để triển khai, các doanh nghiệp đang phải đối mặt với các rào cản về chi phí giá thành phù hợp và năng lực tiếp cận công nghệ của nhân viên.
Ông Gunish Chawla khẳng định, việc doanh nghiệp ứng dụng các giải pháp công nghệ đám mây không đòi hỏi chi phí đầu tư ban đầu quá lớn mà dùng đến đâu trả tiền đến đó. Đặc biệt, AWS còn có thể tối ưu hóa, linh hoạt, tiết kiệm chi phí, thậm chí đạt mức 70%, hỗ trợ trải nghiệm các dịch vụ công nghệ mới...
Để xóa bỏ rào cản áp dụng đám mây, hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam “lên mây”, bắt đầu hành trình số hóa và tiết kiệm chi phí hoạt động, AWS công bố triển khai chương trình AWS Lift, cung cấp gói hỗ trợ lên tới 83.500 USD dành cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ tại Việt Nam. Chương trình này sẽ giúp các doanh nghiệp vừa và nhỏ đủ điều kiện có thể trải nghiệm những lợi ích của đám mây AWS mà không phải lo lắng về các chi phí liên quan, ông Gunish Chawla thông tin.