Tại Diễn đàn “Chuyển đổi số trong doanh nghiệp: Tư duy và hành động mới”, ngày 28/12, ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), cho rằng trong những năm qua cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam đã đẩy mạnh chuyển đổi số và đạt được nhiều thành công.
CHƯA QUAN TÂM ĐẾN CHIỀU SÂU CHUYỂN ĐỔI SỐ
Tuy nhiên, thực tế một số lượng lớn các doanh nghiệp chưa thực sự quan tâm đến chiều sâu trong chuyển đổi số. Theo ông Phòng, chiều sâu của chuyển đổi số là đánh giá mức độ chuyển đổi số của doanh nghiệp chi tiết theo tiêu chí khoa học, rõ ràng từ đó có những thay đổi, chiến lược, kế hoạch phát triển phù hợp.
Ông Nguyễn Trọng Đường, Chuyên gia chuyển đổi số, Bộ Thông tin và Truyền thông, cũng thừa nhận rằng trên thực tế việc tiến hành chuyển đổi số mới chỉ ở phần nhận thức, thực chất đi vào sử dụng vẫn chưa nhiều.
Cụ thể, số liệu tính riêng trên Cổng thông tin của Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa chuyển đổi số (SMEdx) của Bộ Thông tin và Truyền thông cho thấy, có trên 600.000 doanh nghiệp tiếp cận, tham khảo thông tin về các nền tảng được đăng tải trên đó; khoảng 70.000 doanh nghiệp sử dụng một trong số các nền tảng của Chương trình để chuyển đổi số, chiếm 1/10 số lượng doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, để chuyển đổi số đi vào thực chất, cuối 2021 Bộ đã ban hành bộ chỉ số đo lường mức độ chuyển đổi số của doanh nghiệp. Tuy nhiên, sau 1 năm, chỉ có 500 doanh nghiệp tham gia và đăng ký tài khoản trên trang Cổng www.dbi.gov.vn.
Trong số những doanh nghiệp đăng ký tài khoản, vẫn còn nhiều doanh nghiệp còn chưa quan tâm đến việc đo lường mức độ chuyển đổi số. Cụ thể, chỉ có khoảng 400 doanh nghiệp tự đánh giá mức độ chuyển đổi số của mình và có một số nhỏ, khoảng vài chục doanh nghiệp thực hiện tư vấn đánh giá.
Trong khi đó, về mặt chính sách, vẫn còn tồn tại những vướng mắc khi áp dụng trong thực tế. Theo ông Đường, trong việc triển khai hỗ trợ ứng dụng công nghệ số, hỗ trợ chuyển đổi số cho doanh nghiệp theo Nghị định 80 vẫn còn khó khăn trong việc phân định rõ nguồn vốn doanh nghiệp phải đóng góp và nguồn vốn Nhà nước hỗ trợ trong thủ tục lập và thanh quyết toán kinh phí hỗ trợ.
Ngoài ra, các doanh nghiệp vẫn phải thực hiện rất nhiều thủ tục, chứng từ rườm rà, phức tạp để nhận được phần kinh phí hỗ trợ của nhà nước, trong khi số kinh phí hỗ trợ này cũng không nhiều.
Kinh phí từ ngân sách nhà nước cho các chương trình, kế hoạch hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số vẫn còn khá hạn chế. Trong khi việc huy động nguồn lực từ các tổ chức trong và ngoài nước hỗ trợ chuyển đổi số cho doanh nghiệp nhỏ và vừa đang triển khai phân tán, manh mún…
CẦN THAY ĐỔI TƯ DUY VÀ NHẬN THỨC
Để đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số, bà Bùi Thanh Hằng, đại diện Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp khoa học công nghệ, Bộ Khoa học công nghệ, cho rằng hiện nay ở các bộ ngành khác đều có những đề án chuyển đổi số… nên cần liên kết lại với nhau để thúc đẩy chuyển đổi số.
Chuyển đổi số không phải chỉ là nền tảng đưa lên để doanh nghiệp truy cập vào đó, mà cần đi từ vấn đề hạ tầng, thay đổi tư duy và nhận thức. Nhà nước hay các hiệp hội không thể nỗ lực làm thay cho doanh nghiệp, mà chính bản thân doanh nghiệp phải thấy được tác động của chuyển đổi số tới khả năng cạnh tranh của chính mình trên thị trường.
Còn theo ông Đường, điều quan trọng nhất doanh nghiệp quan tâm là chuyển đổi số để phát triển thị trường, mở rộng thị phần, thêm khách hàng, tăng doanh thu và lợi nhuận.
Vì thế, “chuyển đổi số của doanh nghiệp nên đi vào thực chất giải quyết bài toán trên hơn là trăn trở hay quan tâm đến các thuật ngữ khoa học. Bộ Thông tin Truyền thông cũng đang thực hiện theo định hướng này, hỗ trợ trực tiếp cho doanh nghiệp về chính sách”, ông Đường cho biết.
Bà Nguyễn Thị Thu Giang, Phó Chủ tịch Hiệp hội phần mềm và dịch vụ công nghệ thông tin (VINASA), khuyến nghị việc chuyển đổi số cần được tổ chức thực hiện trong doanh nghiệp, từ hoạt động chỉ đạo của các lãnh đạo doanh nghiệp đến việc thay đổi của các bộ phận chuyên môn.
Khi chuyển đổi số, văn hoá kinh doanh, quy trình hoạt động của doanh nghiệp thay đổi nên doanh nghiệp cần có kế hoạch đào tạo nâng cao trình độ cho nhân sự, bố trí hoặc luân chuyển nhân sự phù hợp…
Hơn nữa, chuyển đổi số không chỉ riêng Bộ Thông tin & Thông tin hay các doanh nghiệp công nghệ thông tin mà cần sự vào cuộc của các bên cùng tham gia. Muốn chuyển đổi số thành công cần đẩy mạnh hợp tác cùng nhau.
Ở góc độ khác, ông Nguyễn Ngọc Khiêm, Phó Viện trưởng Viện tin học Doanh nghiệp, VCCI, nhấn mạnh tới vai trò quan trọng của dữ liệu với doanh nghiệp khi phân tích và đưa ra chiến lược, kế hoạch kinh doanh.
Do đó, Chính phủ cần chia sẻ dữ liệu quốc gia. Ông Liêm nhấn mạnh không chỉ chia sẻ dữ liệu doanh nghiệp mà cần phải chia sẻ dữ liệu quốc gia như “tài sản chung” chứ không riêng của ngành lĩnh vực nào.
Vấn đề nữa là liên quan bảo mật thông tin, theo ông Khiêm, nếu không đảm bảo an toàn thông tin, chính là nguy cơ lớn với doanh nghiệp khi thực hiện chuyển đổi số. Vấn đề bảo mật thông tin cần được đặt lên hàng đầu.
Đặc biệt, theo ông Khiêm, Chính phủ và các Bộ ngành cũng cần có chính sách khuyến khích, có chương trình đào tạo cho doanh nghiệp về bảo mật thông tin, dữ liệu, giúp họ yên tâm đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số.