Đây là những vấn đề cụ thể được nêu lên tại Hội thảo "Chuyển đổi số ngành nông nghiệp và Phát triển nông thôn" do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức, chiều 27/12/2021 theo hình thức trực tuyến.
NHIỀU ỨNG DỤNG THIẾT THỰC
Trình bày kết quả bước đầu của Mô hình thí điểm ứng dụng công nghệ số vào trồng cà phê, thanh long, hồ tiêu, đại diện Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam, cho biết các nhà khoa học đã ứng dụng Flycam máy quay đa phổ, máy đo diệp lục, máy đo bức xạ quang hợp và máy đo tinh thể nước để theo dõi diễn biến sắc tố của lá cây, nồng độ diệp lục, bức xạ quang hợp, độ ẩm, độ PH trong đất…
Ứng dụng hệ thống IOT quản lý trang trại và điều khiển tự động hệ thống tưới, bón phân chiếu sáng cho thanh long, ứng dụng AI để nhận diện sâu bệnh, ứng dụng Block chain để truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Từ đó xây dựng chuỗi cung ứng bao gồm: nông dân trồng trọt, các nhà cung cấp dịch vụ thiết bị, công ty chế chế biến, các tổ chức chứng nhận, các tổ chức tín dụng, các nhà xuất khẩu, các nhà nhập khẩu.
Đến nay, đã xây dựng Bộ cơ sở dữ liệu (bản đồ vùng trồng, mã số vùng trồng, dữ liệu địa lý, khí hậu, thổ nhưỡng, cây trồng, thị trường) bằng ứng dụng công nghệ viễn thám, Google Earth Engine, IoT, big data (postgre, cassandra.) kết hợp với cơ sở dữ liệu cục bộ cho cây cà phê, hồ tiêu tại khu vực Tây Nguyên.
Ông Trần Hùng, Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam.
Đề cập về chuyển đổi số nông nghiệp cấp tỉnh, ông Trần Hùng, Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam cho rằng, cơ quan quản lý cần quản lý vùng trồng; quản lý sản xuất; dự bảo khí hậu, sản lượng, thi trường, thiên tai, sâu bệnh…; lập kế hoạch, chiến lược, quy hoạch; cấp phép, chứng nhận sản phẩm; chỉ đạo, hỗ trợ sản xuất tiêu thụ sản phẩm. Doanh nghiệp thu mua, tiêu thụ sản phẩm cần dự báo sản lượng, chất lượng, giá cả; nguồn gốc, chứng nhận chất lượng sản phẩm; mua bao nhiêu, mua ở đâu, mua của ai; thông tin hạ tầng logistics.
“Chuyển đổi số nông nghiệp cấp tỉnh cần xây dựng hạ tầng số như: hệ thống kết nối, trang thiết bị, trung tâm điều hành; xây dựng hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu chuyên ngành: trồng trọt, chăn nuôi, thủy lợi, đề điều… Các cơ quan chuyên môn rà soát, bổ sung hoàn chỉnh và số hóa các quy trình kỹ thuật, các hướng dẫn cấp mã vùng trồng; cấp giấy phép và chứng nhận chất lượng nông sản”, ông Trần Hùng khuyến cáo.
Chia sẻ về định hướng chuyển đổi số trong lĩnh vực lâm nghiệp, ông Phạm Văn Điển, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp cho hay, đến nay ngành lâm nghiệp đã xây dựng được hệ thông tin quản lý rừng theo từng lô rừng, mỗi lô rừng có 52 trường dữ liệu khác nhau.
Tuy nhiên, đây mới chỉ là bước ban đầu, hành trình sắp tới là cần làm cho hệ thống “sống” và đến được người dùng, hệ thống có tính ứng dụng. Làm sao khi khai thác rừng hay rừng đạt độ che phủ thì sẽ cập nhật kịp thời trên hệ thống.
Ông Trần Đình Luân, Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản, thông tin Tổng cục đang thực hiện thí điểm cấp giấy chứng nhận khai thác điện tử cho các tàu khai thác. Thông qua việc cấp này sẽ tiến tới thông suốt việc quản lý cơ sở dữ liệu từ khai thác đến chế biến và cấp chứng nhận sản phẩm cho xuất khẩu.
“Riêng với nuôi trồng thủy sản, việc số hóa dữ liệu còn gặp nhiều khó khăn. Ngành đang tích cực làm việc với các đơn vị để làm sao số hóa đến được từng hộ nuôi chứ không chỉ đến vùng nuôi. Qua đó có được số liệu về tình hình sản xuất, sản lượng, chất lượng… phục vụ cho việc quản lý điều hành sản xuất, ông Trần Đình Luân cho hay”, ông Trần Đình Luân chia sẻ.
PHÁT ĐỘNG LÀN SÓNG DOANH NGHIỆP CÔNG NGHỆ SỐ
Ông Nguyễn Huy Dũng, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, Ủy viên Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số bày tỏ mong muốn có sự hợp tác chặt chẽ giữa Bộ Thông tin và truyền thông với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong chuyển đổi số.
Ông Dũng đề xuất nhiều công việc nên hợp tác trong năm 2022 giữa hai Bộ. Cụ thế, phối hợp tổ chức tập huấn kỹ năng số cho 11.000 nông dân theo hướng mỗi xã có ít nhất một nông dân thành thạo kỹ năng số để làm hạt nhân lan tỏa ra cộng đồng. Bộ Thông tin và truyền thông cần tiếp nhận những khúc mắc, những “nỗi đau”, những “bài toán” lớn trong ngành nông nghiệp, từ đó chuyển cho các doanh nghiệp số để nghiên cứu đưa ra lời giải bằng công nghệ số.
“Chúng tôi cũng mong muốn từ năm 2022 phát động một làn sóng doanh nghiệp công nghệ số trong ngành nông nghiệp, tham gia vào nghiên cứu phát triển, triển khai các giải pháp phục vụ ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và đặc biệt là thúc đẩy mỗi hộ nông dân trở thành một doanh nghiệp ứng dụng công nghệ số”, ông Dũng nhấn mạnh, đồng thời cho rằng, cần triển khai sáng kiến hạ tầng công nghệ số, hướng tới mỗi hộ nông dân có ít nhất một người có điện thoại thông mình và mỗi hộ có một đường cáp quang phổ cập danh tính số và địa chỉ số.
“Năm 2022, hai Bộ cùng chung sức xây dựng nền tảng dữ liệu số nông nghiệp, nền tảng truy xuất nguồn gốc, nền tảng số chẩn đoán sâu bệnh cho cây trồng để thực hiện ước mơ đưa công nghệ só thấm đẫm vào từng bông lúa, củ khoai”.
Ông Nguyễn Huy Dũng, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông.
Theo ông Phùng Đức Tiến, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, chuyển đổi số không phải là cải tiến, mà là sự sáng tạo mang tính “xóa bỏ” cách làm cũ. Vì vậy, mỗi bước đi chuyển đổi số trong nông nghiệp cần thận trọng. Với điểm xuất phát thấp, nguồn lực hạn chế, chuyển đổi số trong nông nghiệp không được phép sai lầm. Cần triển khai ngay, nhưng phải từng bước chắc chắn và làm không ngừng.
“Không phải tất cả mọi khâu, mọi việc cần phải chuyển đổi số ngay lập tức. Bài học thực tiễn từ nhiều cái đã làm nhưng không sử dụng được. Nếu khâu nào cũng triển khai ngay, cũng như xuống ao thấy nhiều cá to quá, con nào cũng muốn bắt, nhưng lúc lên bờ lại chả bắt được con nào. Vì vậy, phải xây dựng được kế hoạch chuyển đổi số cụ thể trong ngành trồng trọt, ngành chăn nuôi cho từng năm và dài hạn”, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến bày tỏ.
Theo thứ trưởng Phùng Đức Tiến, giá trị của chuyển đổi số trong nông nghiệp không chỉ là câu chuyện ứng dụng công nghệ tạo thêm những giá trị thặng dư cho nền kinh tế mà là giúp hàng chục triệu hộ nông dân tiếp cận, cập nhật tri thức mới, mở ra cách nghĩ mới, cách làm mới, sẵn lòng thay đổi, để hoà nhịp xu thế phát triển của đất nước.
“Để chuyển đổi số trong nông nghiệp thành công phải làm cùng nhau và tất cả cùng làm và tiếp cận cùng nhau đó là yêu cầu bắt buộc. Theo đó, cần dựa trên sự phát triển liên kết theo chuỗi ngang và dọc, hình thành phương thức mới và các mạng lưới hợp tác, kết nối giữa các đơn vị trong ngành và ngoài ngành, tạo ra nông nghiệp kết nối và chia sẻ, gắn chặt với thương mại số”, ông Tiến nhấn mạnh.