Hội thảo với chủ đề: "Doanh nghiệp chuyển đổi xanh, tài chính xanh hướng đến mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050” diễn ra ngày 11/4, thu hút được nhiều sự quan tâm từ phía các doanh nghiệp và các cơ quan làm chính sách. Hội thảo do Bộ Tài nguyên và Môi trường (MONRE), Hội đồng Doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững Việt Nam thuộc Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VBCSD-VCCI) và Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA), thông qua Dự án hỗ trợ kỹ thuật “Hỗ trợ lên kế hoạch và thực hiện Đóng góp do quốc gia tự quyết định tại Việt Nam (Dự án SPI-NDC)” tổ chức,
NHIỀU CƠ HỘI, THÁCH THỨC CHO DOANH NGHIỆP
Thông tin tại hội thảo, ông Lương Quang Huy, Trưởng phòng Giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và Bảo vệ tầng ôzôn, Cục Biến đổi khí hậu, Bộ Tài nguyên và Môi trường, cho biết Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách cho phát triển xanh. Đến nay, một số bộ ngành đã xây dựng kế hoạch giảm phát thải khí nhà kính.
Việt Nam đặt mục tiêu đến năm 2030, xây dựng và thực hiện kế hoạch hành động giảm phát thải khí mê-tan đến năm 2030 giảm 30% mức phát thải khí mê-tan so với năm 2020.
Xây dựng tổng hạn ngạch phát thải khí nhà kính và tổ chức phân bổ hạn ngạch phát thải khí nhà kính cho các cơ sở phát thải khí nhà kính phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính từ năm 2026. Các cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội, doanh nghiệp đều phải thực hiện các biện pháp giảm phát thải khí nhà kính.
Đến năm 2050, xây dựng và thực hiện kế hoạch hành động giảm phát thải khí mê-tan giảm 40% mức phát thải khí mê-tan so với năm 2030. Đồng thời thực hiện kiểm kê khí nhà kính và giảm phát thải khí nhà kính đối với các cơ sở phát thải hàng năm từ 2.000 tấn CO2tđ trở lên từ năm 2030; 500 tấn CO2tđ trở lên từ năm 2040; 200 tấn CO2tđ trở lên từ năm 2050. Mọi cơ sở thuộc khu vực công phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính và giảm phát thải khí nhà kính.
Chính phủ yêu cầu thực hiện giảm phát thải khí nhà kính trong các hoạt động hằng ngày trở thành vấn đề đạo đức kinh doanh, trách nhiệm xã hội của các tổ chức, doanh nghiệp.
Ông Nguyễn Tuấn Quang, Phó cục trưởng Cục biến đổi khí hậu, Bộ Tài nguyên và Môi trường, bổ sung thêm về việc thực hiện chiến lược trên, giảm khí thải carbon mang lại cơ hội lớn cho doanh nghiệp nhưng cũng buộc doanh nghiệp phải đối mặt với nhiều thách thức.
Dẫn số liệu khảo sát mới nhất của VCCI, ông Quang chỉ ra cơ hội đó là các doanh nghiệp tiếp nhận được mô hình tài chính mới, tài chính xanh, có cơ hội tham gia thị trường carbon, đổi mới về công nghệ sản xuất, kinh doanh phát thải thấp, tăng tính cạnh tranh, huy động được nguồn vốn, tạo ra các lợi thế mới…
Doanh nghiệp cũng có nhiều thuận lợi triển khai chiến lược xanh bởi nhận thức và nhu cầu của khách hàng có xu hướng tích cực; tiến trình hội nhập quốc tế, thực hiện các cam kết thương mại trong các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới (FTA) đã và đang tạo ra các áp lực phải chuyển đổi.
Hơn nữa, một số thị trường mới đang hình thành yêu cầu sản phẩm thân thiện môi trường, phát thải thấp. Việc chuyển đổi công nghệ hiện đại, hiệu quả dẫn tới tiết kiệm chi phí sản xuất và tăng tính cạnh tranh khi tham gia thị trường quốc tế. Và thuận lợi khi có sự vào cuộc của cộng đồng quốc tế, bao gồm cả quốc gia phát triển, đang phát triển và trong khu vực.
Ngược lại, thách thức với doanh nghiệp là gián đoạn sản xuất kinh doanh, giảm năng suất lao động và doanh thu giai đoạn đầu, tăng chi phí sản xuất để tuân thủ các quy định về giảm nhẹ, đình trệ mạng lưới phân phối… Nếu doanh nghiệp không có sự hỗ trợ, hướng dẫn nhiệt tình có trách nhiệm của các cơ quan nhà nước thì không được tiếp cận tài chính và công nghệ…
Thách thức khi trong tư duy hệ thống trong chính sách, pháp luật và thực tiễn sản xuất, kinh doanh chưa đồng bộ, hiệu quả. Tính hiệu lực, hiệu quả của các quy định pháp luật còn hạn chế, môi trường chưa là trung tâm của các quyết định phát triển.
Doanh nghiệp vẫn lấy mục tiêu ngắn hạn về lợi nhuận mà chưa cân nhắc đến các lợi ích lâu dài, bền vững. Thị trường các lĩnh vực hàng hóa và dịch vụ môi trường, sản phẩm thân thiện với môi trường, sản phẩm tái chế chưa thực sự được quan tâm, hỗ trợ.
Trong khi hiện nay nhiều quốc gia trên thế giới như EU, Hoa Kỳ, Nhật Bản… bắt đầu thực hiện Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM). Do đó, nếu Việt Nam không chuẩn bị tốt thì 6 loại hàng hoá quy định trong CBAM sẽ gặp nhiều khó khăn khi đi vào thị trường châu Âu.
Mặt khác nhận thức, kiến thức về các quy định, yêu cầu kỹ thuật về kiểm kê khí nhà kính, giảm phát thải còn hạn chế.
TÌM DÒNG VỐN XANH Ở ĐÂU?
Lãnh đạo Cục biến đổi khí hậu cũng đặc biệt nhấn mạnh đến nguồn lực cho thực hiện việc chuyển đổi sang kinh tế tuần hoàn đòi hỏi rất lớn nhưng thực tiễn lại chưa đáp ứng yêu cầu.
Theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới, Việt Nam cần tới 368 tỷ USD trong giai đoạn 2022 - 2040 (hoặc khoảng 6,8% GDP/năm) để xây dựng khả năng chống chịu và khử carbon, hướng giảm phát thải ròng bằng 0.
“Con số này gần bằng với GDP một năm của chúng ta. Với nguồn lực khổng lồ như vậy rất cần có sự chung tay của cả hệ thống chính trị, các bộ ngành và định chế tài chính quốc tế, đặc biệt của các doanh nghiệp”, ông Quang nhấn mạnh.
Theo ông Nguyễn Tiến Huy, Giám đốc Văn phòng doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững thuộc VCCI, chuyển đổi xanh không còn thời gian để chậm trễ, cần phải hành động sớm nhất có thể để ngăn chặn sự biến đổi khí hậu.
Báo cáo phát triển bền vững từ kết quả khảo sát dành cho hơn 2.000 nhà lãnh đạo toàn cầu ở 24 quốc gia và vùng lãnh thổ năm 2023 của Deloitte cho thấy, biến đổi khí hậu là ưu tiên hàng đầu của các doanh nghiệp trong bối cảnh nhiều biến động xảy ra liên tiếp trên toàn cầu.
Đồng thời, có tới 61% các lãnh đạo được khảo sát nhận định biến đổi khí hậu sẽ có tác động lớn và rất lớn đến chiến lược, cũng như các hoạt động của công ty trong vòng 3 năm tới.
Do đó “Chuyển đổi sang mô hình kinh doanh bền vững đã không còn là một chiếc áo thời trang để làm đẹp cho doanh nghiệp nữa, mà nó đã trở thành điều kiện cần và đủ để chính mỗi doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh, khả năng chống chịu và có thể đáp ứng các yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế đang ngày một quan tâm hơn đến các vấn đề môi trường, xã hội, quản trị bền vững”, ông Huy nhấn mạnh.
Tuy nhiên, ông Huy thừa nhận, chuyển đổi xanh, phát triển bền vững và thực hiện các mô hình sản xuất, kinh doanh phát thải thấp đòi hỏi rất nhiều cam kết, nỗ lực và đầu tư nguồn lực. Ngay cả việc thực hiện kiểm đếm phát thải carbon theo quy định hiện hành cũng là một bài toán thách thức đối với nhiều doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Vì vậy, doanh nghiệp rất cần sự chung tay, đồng hành của các tổ chức tài chính, ngân hàng, quỹ đầu tư… nhằm khai thông, dẫn dòng tài chính xanh, hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp chuyển đổi xanh mạnh mẽ hơn.
Ông Fukuda Koji, Cố vấn trưởng, Dự án JICA SPI-NDC, cho rằng bất kỳ sản phẩm, dịch vụ tài chính nào cũng có thể giúp các lĩnh vực khó giảm phát thải thực hiện các biện pháp dài hạn hơn để trung hòa carbon theo thời gian (như cải tiến những tài sản hiện có, công nghệ mới).
Do đó, các tổ chức tài chính có vai trò quan trọng trong việc mở rộng danh mục đầu tư xanh và giảm phát thải khí nhà kính của doanh nghiệp thông qua các khoản đầu tư- tài trợ vốn, ở cả quy mô toàn cầu và trong nước nhằm đạt được sự bền vững và tài chính chuyển đổi tại Việt Nam.