Cách đây mới vài tuần, giới chuyên gia cho rằng nước Mỹ đang trên đà kết thúc đại dịch trong năm 2022. Những rồi biến chủng mới Omicron xuất hiện, và dự báo đó đã bị đảo lộn.
Với tốc độ lây nhanh, Omicron hiện đang chiếm 73% số ca nhiễm mới ở Mỹ - một tốc độ mà trưởng cố vấn y tế của Nhà Trắng, tiến sỹ Anthony Fauci, vào hôm thứ Ba tuần này gọi là “chưa từng có tiền lệ”.
Nhưng giờ đây, một số nhà nghiên cứu nói rằng biến chủng mới thực ra có thể đẩy nhanh sự kết thúc của đại dịch, theo đó đưa Covid-19 trở thành một bệnh đặc hữu (endemic). Dù vậy, quá trình này có thể đồng nghĩa với một số lượng lớn ca bệnh và tử vong.
Lý thuyết ở đây là: do tốc độ lây nhiễm nhanh của Omicron và nguy cơ mà biến chủng này đặt ra với những người chưa tiêm vaccine hoặc chưa tiêm mũi nhắc lại, số ca nhập viện và và tử vong có thể tăng mạnh trong những tuần và tháng tới, nhưng những người khỏi bệnh có thể đạt được một mức độ “miễn dịch tự nhiên” giúp chống lại biến chủng đáng lo ngại tiếp theo của Covid trong tương lai.
“Như các y bác sỹ đang nói, làn sóng dịch bệnh này sẽ xé toạc nước Mỹ. Nhưng đôi khi, một đám cháy lan nhanh có thể tự dập tắt chính nó”, tiến sỹ David Ho, một nhà virus học nổi tiếng thế giới và một giáo sư Đại học Columbia, nói với hãng tin CNBC.
Tuy nhiên, miễn dịch tự nhiên không đáng tin cậy như miễn dịch do vaccine tạo ra. Khoảng 62% dân số Mỹ đã tiêm đủ vaccine, theo dữ liên từ Trung tâm Kiểm soát và ngăn ngừa dịch bệnh (CDC) Mỹ. Trong số những người đã tiêm đủ, mới chỉ có khoảng 30% tiêm mũi nhắc lại – mũi tiêm giữ vai trò then chốt trong việc chống lại Omicron.
Lý thuyết cho rằng Omicron sẽ đẩy nhanh sự kết thúc của đại dịch mới chỉ là “đồn đoán”, ông Ho nhấn mạnh. Đó là bởi lý thuyết này được đưa ra trên cơ sở cơ chế thường gặp của hầu hết các loại virus, trong khi Covid đã có nhiều bước ngoặt khó lường trong 2 năm qua. Nhưng dù sao, khả năng như vậy đã được một số chuyên gia về bệnh truyền nhiễm tính đến.
Tiến sỹ Bruce Farber, trưởng khoa bệnh truyền nhiễm thuộc mạng lưới bệnh viện Northwell Health ở New York, nói “kịch bản khả quan nhất” là có một biến chủng Covid lây nhanh nhưng không gây bệnh nặng ở đa số mọi người, từ đó tạo ra một ngưỡng miễn dịch căn bản ở Mỹ.
“Nhờ đó, sẽ không còn những đợt bùng dịch Covid-19 nghiêm trọng với số ca nhập viện lớn nữa”, ông Farber nói.
Omicron đúng là một biến chủng lây lan nhanh, nhưng khả năng gây nhập viện và tử vong của biến chủng này chưa được các nhà khoa học xác định cụ thể. Ở Nam Phi, nơi Omicron mới được phát hiện lần đầu vào tháng trước, số ca nhập viện và tử vong còn ở mức tương đối thấp cho dù số ca nhiễm mới tăng mạnh. Dù vậy, giới chuyên gia cảnh báo rằng tình hình tiêm chủng ở Nam Phi và thời tiết tháng 12 ấm ở nước này có thể ảnh hưởng đến xu hướng bệnh dịch.
Ông Farberg nhấn mạnh rằng chừng nào một tỷ lệ lớn dân số thế giới vẫn chưa tiêm vaccine, thì Covid sẽ tiếp tục lây lan và đột biến. Điều đó có nghĩa là đường đi của đại dịch trong tương lai vẫn còn rất khó lường, ngay cả khi đa số các nhà phân tích nhất trí rằng Covid-19 sẽ rốt cục trở thành một bệnh thường gặp, có thể là một bệnh theo mùa như cúm.
Tiến sỹ Timothy Brewer - giáo sư ý khoa thuộc khoa bệnh truyền nhiễm, Trường Y David Geffen, Đại học California, Los Angeles – là một trong những chuyên gia có quan điểm như vậy. Ông nói rằng Covid-19 sẽ không bao giờ biến mất hoàn toàn.
Thay vào đó, mọi người sẽ phải học cách sống chung với Covid-19. Tiêm vaccine định kỳ và các phương pháp điều trị bằng thuốc kháng virus dùng đường uống có thể kết hợp với miễn dịch do từng mắc và khỏi bệnh để khiến các đợt bùng dịch Covid-19 trở nên bớt nghiêm trọng hơn trong những năm tới. Điều này tương tự như cách thế giới quản lý bệnh cúm, một bệnh đặc hữu theo mùa đã từng gây ra nhiều trận đại dịch trong thế kỷ qua.
“Virus này đã rất thích nghi với sự lây nhiễm từ người sang người, đến nỗi sẽ không bao giờ biến mất”, ông Brewer phát biểu. “Sẽ có những giai đoạn có nhiều ca bệnh hơn, và có những giai đoạn có ít ca bệnh hơn, tương tự như với bệnh cúm hàng năm”.