May 27, 2025 | 09:48 GMT+7

Chuyên gia: Còn 154 mã tăng dưới 10% kém xa hiệu suất VN-Index, cơ hội ở nhóm vốn hóa trung bình

Tuệ Lâm -

Tính trên HoSE, có 42 mã tăng trên 30%, 215 tăng trên 10% đến dưới 30% và phần còn lại là 154 mã tăng thấp hơn 10%. Trên 2/3 thị trường có mức tăng dưới 30%, một nửa số mã trên HoSE có mức tăng thấp hơn VN-Index.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Thị trường tiếp tục tăng vượt xa khỏi kỳ vọng của nhà đầu tư khi chỉ số đóng cửa phiên 26/5 tăng 18 điểm tiến về vùng 1.333 nhưng danh mục nhiều nhà đầu tư vẫn đi ngang hoặc thậm chí là lỗ.

Nhận định về tình trạng này, ông Đào Hồng Dương, Giám đốc phân tích Ngành và cổ phiếu, Công ty Cổ phần Chứng khoán VPBank (VPBankS), nhấn mạnh rằng: Với hầu hết các ngành đều chưa đạt mức hiệu suất của VN-Index và có thể chưa "về bờ" theo ngôn ngữ của nhà đầu tư. Điều này cũng có nghĩa triển vọng cho những danh mục này vẫn còn khá đáng kể.

Thị trường đang ở vùng 1.300 điểm nhưng danh mục nhiều nhà đầu tư vẫn đi ngang hoặc thậm chí là lỗ, ông đánh giá thế nào về vấn đề này?

Thực ra chúng ta thấy rằng, chỉ chưa tới 10 mã có mức tăng trên 50% trong danh mục VN50, chủ yếu là họ Gelex (tăng bình quân 100%), HAH, nhóm Vingroup, hay NVL. Nếu nhà đầu tư không cầm cổ phiếu trong nhóm này, hiệu suất danh mục sẽ khó đạt được mức tăng như thị trường.

Trở lại thời điểm cùng kỳ năm 2024, nếu danh mục của nhà đầu tư khi đó không có FPT thì khó tiệm cận mức độ tăng của VN-Index. Do đó, diễn biến trong nửa đầu năm nay cũng không phải quá bất thường.

Chúng ta không nên chạy theo bệnh thành tích. Với một quỹ đầu tư, áp lực đảm bảo hiệu suất đạt được như thị trường là điều rất nặng nề, nhưng với nhà đầu tư cá nhân thì chúng ta nên chú trọng vào tính cân bằng, mức độ an toàn, quản trị rủi ro tổng thể. Việc đi theo trend của thị trường không khó khi chúng ta lao vào những mã này, nhưng đó là cách đầu tư có rủi ro ngắn hạn tương đối cao.

Khi nhóm cổ phiếu Midcap đang ở vùng đáy thì thị trường khó "sập", theo ông, giờ có nên mua vào cổ phiếu vốn hoá vừa?

Dễ thấy là cổ phiếu vốn hoá lớn có tác động tương đối đáng kể đến nhịp hồi của VN-Index từ giai đoạn sau khủng hoảng thuế quan (vùng đáy 9/4). Từ 9/4 đến nay thị trường có sự phân hoá rất lớn giữa mức tăng của các nhóm cổ phiếu. Nhiều cổ phiếu tăng hơn 100%, trong khi nhiều nhóm cổ phiếu còn lại, thậm chí nhiều mã large-cap chỉ tăng dưới 10%.

Chúng tôi đã có thống kê, tính trên HoSE, có 42 mã tăng trên 30%, 215 tăng trên 10% đến dưới 30% và phần còn lại là 154 mã tăng thấp hơn 10%. Trên 2/3 thị trường có mức tăng dưới 30%, một nửa số mã trên HoSE có mức tăng thấp hơn VN-Index. Đây là lý do dễ hiểu danh mục của nhiều nhà đầu tư thậm chí chưa "về bờ".

Trong đấy, nếu chúng ta chỉ tính VN30 hoặc VN50, 27 mã có mức tăng vượt trội hơn VN-Index, như nhóm cảng biển, nhóm Vingroup, NVL, MWG. Nếu so sánh mức giá của nhóm này với trước nhịp giảm đầu năm 2024 thì đạt mức tăng khoảng 10-15%.

Quay trở lại nhóm vốn hoá mid-cap, thống kê cho thấy hầu hết nhóm VN50 chỉ có mức tăng ngang VN-Index hoặc thấp hơn (khoảng 40 mã). Một số tên dễ giải thích như nhóm bất động sản khu công nghiệp bị ảnh hưởng bởi thông tin thuế quan, nhóm hàng không, dầu khí (cũng bị ảnh hưởng bởi giá dầu ở mức thấp). Một số công ty chứng khoán cũng có mức tăng khiêm tốn.

Chúng ta mới chỉ chứng kiến một phần nhỏ nhóm vốn hoá lớn có mức tăng ấn tượng và nhóm này đã dẫn dắt chỉ số chung tăng trở lại 1.300 điểm. Nhiều nhóm khác có mức tăng khiêm tốn, thậm chí chưa phục hồi sau đợt giảm vì thông tin thuế quan.

Về mặt thuế quan, cơ hội đầu tư mặt mid-cap vẫn còn tương đối nhiều. Chúng ta vẫn còn tính chu kỳ từ mùa công bố kết quả kinh doanh Quý I/2025, trong cơ cấu đấy đơn cử như ngành ngân hàng vẫn tích cực. Thông tin kỳ vọng từ kết quả kinh doanh quý II, trong khi mức độ ảnh hưởng thuế quan vẫn chỉ ở mức thông tin, chưa phải thực tế về con số áp thuế cuối cùng, có thể sẽ là động lực cho thị trường. Với nhiều ngành nghề, nhiều nhóm cổ phiếu bị ảnh hưởng giai đoạn vừa qua, vẫn còn cơ hội đầu tư, có mức định giá giải ngân tương đối an toàn.

Ông Đào Hồng Dương, Giám đốc phân tích Ngành và cổ phiếu, Công ty Cổ phần Chứng khoán VPBank.
Ông Đào Hồng Dương, Giám đốc phân tích Ngành và cổ phiếu, Công ty Cổ phần Chứng khoán VPBank.

Ông đánh giá thế nào về căng thẳng thuế quan Mỹ và EU gần đây, ảnh hưởng của diễn biến này thế nào đến thị trường?

Về quan điểm chung, chúng ta nên tiếp cận theo hướng thực tế đang diễn ra như thế nào. Mỹ đã áp thuế với EU chưa? Câu trả lời là chưa. Điểm thứ hai là mỗi khi có thông tin thuế quan được công bố thì thị trường thường phản ứng rất dữ đội, nhưng sau đó thì lại cân bằng trở lại. Và sau vài ba lần như vậy, thị trường dường như đã quen phản ứng thận trọng hơn.

Thị trường Việt Nam trong phiên cuối tuần trước và đầu tuần này biến động rất hạn chế khi đón nhận thông tin thuế quan Mỹ - EU. Phản ứng mua bán thận trọng hơn. Điều này cho thấy tâm lý thị trường bắt đầu có sự phòng vệ tự tin hơn rất nhiều, phản ứng theo thực tế diễn ra.

Thực ra, thông tin căng thẳng thuế quan Mỹ - EU chúng ta từng trải qua trong giai đoạn "thương chiến 1.0" trong những năm 2018-2020. Chúng ta hiểu rằng còn nhiều thông tin, liên quan trực tiếp đến vấn đề đám phán và các điều khoản liên quan. Với một bức tranh chưa đầy đủ, các dự báo chỉ mang tính tham khảo, chúng ta vẫn nên thận trọng quan sát. Nếu Mỹ áp thuế theo đúng như con số Tổng thống Trump đưa ra thì mức độ tác động rất lớn, nhất là trong bối cảnh hiện tại của EU tăng trưởng yếu, ECB có động thái thúc đẩy tăng trưởng nhiều hơn.

Đánh giá thông tin phải từ hai yếu tố, đúng và đủ. Rất nhiều nhà đầu tư bán trong giai đoạn trước ngày 9/4 đã nghĩ rằng họ làm đúng. Nhưng chỉ sau hơn 1 tháng, đến hiện tại, nếu không mua lại được ở vùng giá thấp thì không mang lại giá trị đáng kể. Chính vì vậy, nhà đầu tư nên tiếp cận bức tranh ở mức độ đầy đủ sẽ mang lại góc nhìn chính xác hơn.

Liệu các nhà đầu tư có chủ quan trước thông tin thuế khi cường độ xuất hiện ngày càng nhiều hơn?

Tôi không nghĩ nhà đầu tư đã "nhờn" trước thông tin thuế. Thực ra, khi có kết quả kinh doanh quý I, định giá P/E và P/B của thị trường vẫn không thay đổi nhiều so với trước thời điểm giảm sâu vì thuế quan. Tức là, thị trường chưa có sự bứt phá quá đáng kể trước thời điểm sụt giảm đầu tháng 4.

Sau nhịp phục hồi vừa qua, VN-Index hiện dao động chững lại một chút. Như
vậy, nhà đầu tư không hẳn là chủ quan mà do thị trường thiếu động lực, và nhịp chững lại ở vùng giá hiện nay cũng trùng khớp với trước thời điểm có biến động thuế quan.

Thị trường sẽ có nhịp đi ngang vừa phải, với sự phân hoá về kết cấu tăng giữa các nhóm cổ phiếu. Nếu diễn biến thị trường có nhịp tăng nhanh thì có thể nhà đầu tư sẽ chủ quan, nhưng lúc này tôi nghĩ là không.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate