Bình luận về chính sách thuế đối ứng mà Tổng thống Mỹ Donald Trump vừa đưa ra rạng sáng nay 46% với hàng hóa Việt Nam, bà Đặng Nguyệt Minh, Giám đốc khối nghiên cứu của Công ty Quản lý quỹ Dragon Capital, cho rằng ước tính mức thuế này sẽ tác động lên GDP khoảng 1,5-2%.
Về tỷ giá, theo bà Đặng Nguyệt Minh, có 2 yếu tố tác động đến tỷ giá.
Thứ nhất, yếu tố về ngoại cảnh bao gồm tiềm năng tăng trưởng kinh tế của Việt Nam so với các nước khác; các chính sách tiền tệ của Mỹ. Sáng nay sau khi Mỹ công bố mức thuế cho các quốc gia, DXY thậm chí giảm, lợi tức trái phiếu chính phủ Mỹ có xu hướng giảm bất chấp lo ngại thuế quan làm tăng lạm phát ở Mỹ. Có nghĩa thị trường đang cho rằng với biến động kinh tế hiện tại thì khả năng nền kinh tế Mỹ suy thoái tăng lên, vì vậy Fed khả năng cắt giảm lãi suất nhanh hơn khiến cho đồng USD yếu đi, lợi tức trái phiếu của Mỹ giảm đi.
Ở khía cạnh nào đó diễn biến này làm cho tỷ giá Việt Nam không quá căng thẳng.
Thứ hai, yếu tố nội tại như dự trữ ngoại hối. Dự trữ ngoại hối của Việt Nam đang ở mức 80 tỷ USD, không phải quá cao và trong tương lai phải tiếp tục sử dụng ngoai hối để nhập khẩu hàng hóa từ Mỹ.
Tuy nhiên, đối với tỷ giá VND/USD thì vấn đề niềm tin tâm lý của nhà đầu tư ở Việt Nam là điều quan trọng nhất. Tỷ giá tuy trong ngắn hạn có khá nhiều biến động và có thể chuẩn bị cho tình huống biến động mạnh nhưng trung và dài hạn tỷ giá phản ánh sức mạnh nội tại của nền kinh tế nhiều hơn là biến động từ bên ngoài. Chính phủ Việt Nam đang tập trung đẩy mạnh đầu tư công đặc biệt vào nửa cuối năm, tập trung hiệu quả chi tiêu đầu tư công.
Chuyên gia của Dragon Capital cũng đưa ra hai kịch bản cho tăng trưởng kinh tế.
Kịch bản 1 dưới chính sách thương mại quyết liệt từ Tổng thống Trump tăng trưởng GDP 6,5-7,5%.
Kịch bản 2 nếu trong tương lai đàm phán có chính sách thuế quan mềm mại hơn tăng trưởng GDP có thể đi theo mục tiêu của Chính phủ là từ 7,5-9%.

Đối với triển vọng thị trường chứng khoán, theo bà Đặng Nguyệt Minh, tâm lý nhà đầu tư hiện tại đang hết sức lo âu. Tuy nhiên, một nền kinh tế nội tại bền vững thì tác động bên ngoài chỉ mang tính nhất thời, sau một thời gian sẽ đi vào xu hướng chung tăng trưởng của nền kinh tế.
Trong khi đó, tăng trưởng tương quan của Việt Nam so với các quốc gia ASEAN thì Việt Nam có mục tiêu tăng trưởng cao nhất so với các nước trong khu vực như Malaysia, Thái Lan, Indonesia, Philippines, so với các quốc gia mới nổi như Mexico, Trung Quốc, Ấn Độ cũng không hấp dẫn bằng Việt Nam. Như vậy về tăng trưởng kinh tế Việt Nam vẫn hấp dẫn hơn trong mắt nhà đầu tư so với các quốc gia khác về mặt trung và dài hạn.
Động lực cho thị trường chứng khoán ở thời điểm hiện tại là ổn định vĩ mô. Sau quyết định thuế của chính phủ Mỹ, có sự lung lay nhất định và phải quan sát thêm trong thời gian tới nhưng Dragon Captial tin rằng Chính phủ Việt Nam sẽ có biện pháp kịp thời để đàm phán chính phủ Mỹ để giảm mức thuế quan đồng thời với đó là kích thích tiêu dùng trong nước để hỗ trợ tăng trưởng.
Về mặt định giá, hiện tại Việt Nam có định giá hấp dẫn so với khu vực về trung và dài hạn. Hiện tại, định giá bị ảnh hưởng bởi yếu tố ngắn hạn nỗi lo và dòng tiền của nhà đầu tư nhưng chưa phản ánh đầy đủ tiềm năng tăng trưởng của thị trường bao gồm các chất xúc tác như KRX, nâng hạng chứng khoán kỳ vọng trong tháng 9 tới đây.
"Kịch bản xấu nhất là thuế suất 46%, tác động đến GDP từ 1,4-2%. Kỳ vọng Việt Nam tiếp tục đàm phán đưa mức thuế suất về 15-25%. Chiến lược của nhà đầu tư là tập trung vào các cổ phiếu được hưởng lợi từ chính sách nội địa, ưu tiên cổ phiếu chất lượng tài sản tốt, những công ty có bảng cân tối tài chính ổn định, ngành nghề được hỗ trợ từ chính sách nội tại trong nước.
PE trong ngắn hạn chắc chắn bị ảnh hưởng do tâm lý nhà đầu tư cần có thời gian làm quen với thông tin thuế suất nhưng khi Việt Nam có thể đàm phán với Mỹ hoặc có những chính sách kích thích tăng trưởng từ nội địa thì tâm lý có thể khôi phục, dòng tiền cải thiện định giá sẽ cao hơn", Giám đốc khối nghiên cứu của Công ty Quản lý quỹ Dragon Capital nhấn mạnh.