April 25, 2024 | 07:00 GMT+7

Chuyên gia đề xuất phát hành trái phiếu kiều hối xây dựng hạ tầng tại TP. Hồ Chí Minh

Xuân Thái -

Với quy mô kiều hối tại TP. Hồ Chí Minh bình quân 6,9 tỷ USD/năm trong 5 năm qua, giới phân tích cho rằng đây là “nguồn lực vàng” để phát triển hạ tầng giao thông, xây dựng bệnh viện, trường học...

Kiều hối chuyển về TP.HCM là "nguồn lực vàng" để phát triển kinh tế xã hội, vì vậy cần huy động nguồn kiều hối để phát triển hạ tầng của Thành phố.
Kiều hối chuyển về TP.HCM là "nguồn lực vàng" để phát triển kinh tế xã hội, vì vậy cần huy động nguồn kiều hối để phát triển hạ tầng của Thành phố.

Tại buổi tọa đàm “Nắn dòng kiều hối vào hạ tầng” do Báo Sài Gòn Giải Phóng tổ chức ngày 23/4/2024, báo cáo của Ngân hàng Nhà nước TP. Hồ Chí Minh cho biết trong năm 2023, người Việt Nam sinh sống và làm việc tại nước ngoài gửi về nước khoảng 16 tỷ USD. Trong đó, TP. Hồ Chí Minh tiếp nhận 9,46 tỷ USD, chiếm gần 60% và tăng 43,3% so với năm 2022. Riêng quý I/2024, lượng kiều hối chuyển về TP. Hồ Chí Minh tiếp tục lập kỷ lục mới, đạt gần 2,9 tỷ USD, tăng 35,4% so cùng kỳ năm ngoái.

NHU CẦU VỐN ĐẦU TƯ HẠ TẦNG RẤT LỚN

Đánh giá, phân tích về nguồn kiều hối này, ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước TP. Hồ Chí Minh, cho rằng nếu tính theo mục đích sử dụng thì nguồn ngoại tệ này có thể được người dân, người thụ hưởng sử dụng để tiêu dùng, xây dựng, sửa chữa nhà ở, mua sắm trang thiết bị sinh hoạt hoặc có thể dùng để đầu tư kinh doanh, gửi tiết kiệm.

“Nguồn vốn này góp phần kích thích tiêu dùng và tăng trưởng kinh tế, giúp cải thiện và nâng cao chất lượng cuộc sống người dân. Tuy nhiên, nếu nguồn kiều hối được sử dụng tập trung vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh và đầu tư thì hiệu quả sẽ lớn hơn, mức độ tác động đến tăng trưởng kinh tế sẽ lớn hơn", ông Lệnh nói.

 

Nhiều năm gần đây, với chính sách tiền gửi ngoại tệ 0% khiến đồng bào bớt mặn mà. Vì thế, kế hoạch phát hành trái phiếu cho kiều bào tại nhiều nước, nhất là đối với kiều bào có thu nhập cao, khả năng đóng góp cho việc phát triển thành phố cần được nghiên cứu và triển khai càng sớm càng tốt.

Thực tế cho thấy, TP. Hồ Chí Minh được ví như "siêu đô thị" với trên 10 triệu dân, nhu cầu hạ tầng giao thông, trường học, bệnh viện, nhà ở, công viên… rất lớn và không ngừng gia tăng. Làm thế nào để đáp ứng tốt nhu cầu, nâng cao chất lượng môi trường và đời sống người dân là trách nhiệm mà chính quyền thành phố phải giải quyết.

Theo Phó chủ tịch Ủy ban nhân dân TP. Hồ Chí Minh Bùi Xuân Cường, để thực hiện bài toán này, đòi hỏi phải huy động được nguồn lực tổng hợp đủ lớn. “Nếu có thể phát huy tốt nguồn lực kiều hối, nắn dòng kiều hối vào hạ tầng giao thông, giáo dục, y tế, an sinh xã hội… chắc chắn sẽ tạo ra bước chuyển mạnh mẽ cho sự phát triển kinh tế xã hội thành phố”, ông Cường gợi ý.

Hiện nay, thành phố đang đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nghiên cứu triển khai nhiều kênh đầu tư phù hợp, nhu cầu về vốn rất lớn. Cụ thể, giai đoạn 2020 – 2030, thành phố cần khoảng 970.000 tỷ đồng để đầu tư các dự án; trong đó, vốn ngân sách khoảng 400.000 tỷ đồng, các nguồn vốn khác như vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA), vốn huy động hợp tác đối tác công tư (PPP) hơn 570.000 tỷ đồng. Riêng giai đoạn 2021 – 2025, tổng kinh phí cho dự án đầu tư trọng điểm phát triển cơ sở hạ tầng dự kiến 243.000 tỷ đồng; trong đó, dự án đầu tư xây dựng metro ước 103.000 tỷ đồng, chiếm khoảng 43%. Trong khi đó, ngân sách được phê duyệt hằng năm cho các dự án hạ tầng nội đô chỉ khoảng 30.000 tỷ đồng.

PHÁT HÀNH TRÁI PHIẾU KIỀU HỐI XÂY DỰNG HẠ TẦNG?

Đồng quan điểm với Phó Chủ tịch UBND thành phố Bùi Xuân Cường, TS. Nguyễn Trí Hiếu, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Phát triển Thị trường tài chính - bất động sản Toàn Cầu, cho rằng cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài hiện có khoảng 5,5 triệu người, đây là lực lượng đóng góp nguồn kiều hối hàng năm rất lớn đối với nền kinh tế. Câu hỏi đặt ra là làm thế nào để dịch chuyển nguồn lực này vào phát triển hạ tầng của thành phố là vấn đề vô cùng quan trọng. 

TS. Trần Du Lịch: Không thể huy động kiều hối một cách đơn lẻ mà phải qua các định chế, vai trò khởi xướng của nhà nước, bảo đảm an toàn để thu hút kiều hối. Ảnh: Yên Lam.
TS. Trần Du Lịch: Không thể huy động kiều hối một cách đơn lẻ mà phải qua các định chế, vai trò khởi xướng của nhà nước, bảo đảm an toàn để thu hút kiều hối.
Ảnh: Yên Lam.

Theo vị chuyên gia này, trước đây, kiều bào chuyển tiền về nước thường gửi USD tại ngân hàng để lấy lãi suất nhưng nhiều năm gần đây, với chính sách tiền gửi ngoại tệ 0% khiến đồng bào bớt mặn mà. Vì thế, kế hoạch phát hành trái phiếu cho kiều bào tại nhiều nước, nhất là đối với kiều bào có thu nhập cao, khả năng đóng góp cho việc phát triển thành phố cần được nghiên cứu và triển khai càng sớm càng tốt.

Tuy nhiên, theo ông Lệnh, việc phát hành trái phiếu địa phương, xây dựng hạ tầng không phải là giải pháp mới nhưng để thành phố định hướng dòng kiều hối chảy vào xây dựng hạ tầng cần phải thông tin tuyên truyền để người dân có sự lựa chọn phù hợp, từ đó có thể nắn dòng kiều hối vào nơi mong muốn.

“Đứng ở góc độ quản trị kinh doanh, kiều hối là nguồn vốn không phải tuân thủ các điều kiện vay, nguyên tắc hoàn trả như các nguồn vốn ngoại tệ khác như nguồn vốn vay trả nợ nước ngoài; nguồn vốn ODA; đầu tư trực tiếp nước ngoài… Ở góc độ quản lý kinh tế vĩ mô, nếu nguồn kiều hối này được tập trung và sử dụng hiệu quả thì tác động thúc đẩy và hỗ trợ đối với tăng trưởng nền kinh tế sẽ lớn hơn nhiều”, ông Lệnh nhấn mạnh.

TS. Trần Du Lịch, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế TP. Hồ Chí Minh, cho rằng điều đầu tiên mà nhà đầu tư cần là phải bảo đảm là an toàn vốn tuyệt đối, thứ đến mới là tỷ lệ sinh lời. Ngoài ra, việc tạo tính thanh khoản để giúp trái phiếu cho các kiều bào được giao dịch, chuyển nhượng một cách thuận lợi cũng cần phải được quan tâm. “Không thể huy động kiều hối một cách đơn lẻ mà phải qua các định chế, vai trò khởi xướng của nhà nước, bảo đảm an toàn để thu hút”, ông Trần Du Lịch nhấn mạnh. 

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate