Ủy ban nhân dân TP.HCM mới đây đã chỉ đạo các sở ngành, các đơn vị liên quan tham mưu cho lãnh đạo Thành phố nguồn vốn gỡ vướng cho dự án ngăn triều 10.000 tỷ đồng giai đoạn 1.
Dự án giải quyết ngập do triều khu vực TP.HCM có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu (giai đoạn 1) có tổng mức đầu tư 10.000 đồng (thường được gọi tắt là dự án chống ngập 10.000 tỷ đồng), đã thi công đạt trên 90% khối lượng và ngưng trệ kể từ năm 2018 đến nay, vì vướng mặt bằng cùng một số yếu tố pháp lý khác, trong đó có vấn đề tài chính.
Dự án được đầu tư theo phương thức hợp đồng BT (xây dựng – chuyển giao) do Công ty Trung Nam BT 1574 thuộc Trungnam Group là nhà đầu tư, kinh phí do TP.HCM trả (tiền mặt và đổi đất), với tiến độ thực hiện dự kiến ban đầu là 36 tháng (từ tháng 6/2016 – 4/2018). Sau khi bị tạm dừng một thời gian vào năm 2018 do vướng mặt bằng, đến năm 2019 hết hạn hợp đồng BT. Trung Nam BT 1547 và Uỷ ban nhân dân TP.HCM ký phụ lục hợp đồng gia hạn thời gian hoàn thành đến 26/6/2020. Tuy nhiên dự án lại tạm dừng từ tháng 11/2020 vì không được tái cấp vốn.
Đến giữa tháng 3/2023 dự án được tái khởi công. Nhà đầu tư cho biết, nếu các khó khăn về vốn được tháo gỡ thì khoảng tháng 6/2023 sẽ tái thi công ở tất cả các cống của dự án. Khoảng tháng 02/2024, dự án sẽ hoàn thành và vận hành thử nghiệm và đến tháng 5/2024 sẽ bàn giao cho TP.HCM.
Dự án được lãnh đạo TP.HCM, các bộ ngành và Chính phủ đã nhiều lần làm việc, tìm cơ chế tháo gỡ cho dự án. Chính phủ cũng đã ban hành Nghị quyết số 40/NQ-CP ngày 01/4/2021 về việc tiếp tục triển khai dự án giải quyết ngập do triều khu vực TP.HCM có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu (giai đoạn 1).
Theo Nghị quyết này, Chính phủ chấp thuận về nguyên tắc theo đề nghị của Uỷ ban nhân dân TP.HCM, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tư pháp, Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ. Cụ thể, Ủy ban nhân dân TP.HCM được tiếp tục triển khai thực hiện dự án theo cơ chế đặc thù được Thủ tướng Chính phủ đồng ý tại Thông báo số 285/TB-VPCP ngày 20/8/2015 của Văn phòng Chính phủ và các thủ tục đã được cơ quan có thẩm quyền chấp thuận nhằm đảm bảo lợi ích về kinh tế xã hội, tránh lãng phí nguồn lực đã đầu tư. Nghị quyết yêu cầu “Chính phủ tháo gỡ nhưng phải thực hiện việc thanh toán, quyết toán, kiểm toán theo đúng quy định của pháp luật”.
Tập đoàn Trung Nam (Trungnam Group), nhà đầu tư dự án thông tin cho biết, đến nay các nhà thầu đã thi công đạt trên 90% khối lượng công việc; trong đó, tại các hạng mục cống Bến Nghé đạt 97%, cống Tân Thuận đạt 93%, cống Phú Xuân đạt 90%, cống Mương Chuối đạt 93%, cống Cây Khô đạt 86%, cống Phú Định đạt 88% và tuyến đê bao đạt 85%. Đơn vị cho vay nguồn vốn là Ngân hàng BIDV.
Hiện tại, dự án đang trong giai đoạn hoàn thiện, nhưng vẫn không thể thi công do không thể giải ngân mặc dù đã có phụ lục hợp đồng. Lý do, BIDV đề nghị TP.HCM thanh toán chi phí xây dựng cho Trungnam Group để doanh nghiệp này trả nợ cả gốc lẫn lãi quá hạn cho ngân hàng; trong khi Ủy ban nhân dân TP.HCM cho biết chưa thể thanh toán cho doanh nghiệp vì dự án chưa hoàn thành, chưa được nghiệm thu,…
Đầu tháng 01/2024, Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM đã đề nghị HFIC làm rõ pháp lý và quy trình giải ngân đối với phương án gỡ vướng cho dự án ngăn triều 10.000 tỷ vì còn nhiều điểm chưa rõ. Ủy ban nhân dân TP.HCM đã tổ chức cuộc họp nghe báo cáo về phương án tài chính, quỹ đất thanh toán và thực hiện kết luận, kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước liên quan dự án chống ngập 10.000 tỷ này.
Sau khi nghe các sở, ngành, đơn vị liên quan báo cáo, ông Bùi Xuân Cường, Phó chủ tịch Ủy ban nhân dân đã một số chỉ đạo. Theo đó giao Sở Tài chính khẩn trương có văn bản ý kiến về quy trình ngân sách thành phố (không sử dụng vốn đầu tư công) chuyển cho HFIC thực hiện nghiệp vụ ủy thác cho vay dự án và khả năng cân đối nguồn vốn thực hiện trong năm 2024. Phó chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố giao HFIC khẩn trương hoàn thiện quy trình tiếp nhận nguồn vốn ngân sách và ủy thác cho vay theo đúng đề nghị của Sở Kế hoạch và Đầu tư.
Ông Bùi Xuân Cường cũng giao Sở Kế hoạch và Đầu tư là Tổ trưởng tổ công tác gỡ vướng dự án ngăn triều 10.000 tỷ, thực hiện chỉ đạo của Ban Thường vụ Thành ủy, khẩn trương tổng hợp, hoàn chỉnh quy trình tiếp nhận nguồn vốn ngân sách thành phố ủy thác cho vay; đồng thời dự thảo tờ trình Uỷ ban nhân dân TP.HCM báo cáo, đề xuất Ban cán sự Đảng, đề xuất phương án chọn.
Trước đó, ngày 19/12/2023, Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM đã tổ chức cuộc họp với Sở Tài chính, Sở Tư pháp, Kho bạc Nhà nước TP.HCM, HFIC, Ngân hàng BIDV và nhà đầu tư để rà soát phương án vốn khả thi gỡ vướng cho dự án. Cuộc họp đã nêu ra 3 phương án tháo gỡ về vốn cho dự án.
Cụ thể: 1/ TP.HCM thực hiện thanh toán cho nhà đầu tư khối lượng đã hoàn thành cùng lúc cả trả bằng đất và tiền, phù hợp với lịch thanh toán đã thỏa thuận; 2/ HFIC cho vay từ nguồn vốn hoạt động, phương án này có thuận lợi khi HFIC có thể chủ động cho vay để nhà đầu tư thi công hoàn thành công trình; 3/ HFIC sẽ nhận ủy thác cho vay công trình dự án từ ngân sách thành phố theo quy định của Nghị định số 147 Chính phủ ban hành năm 2020, cụ thể thành phố sẽ ủy thác ngân sách (khoảng 1.800 tỷ đồng) cho HFIC để đơn vị này cho nhà đầu tư vay hoàn thành công trình.
Ủy ban nhân dân TP.HCM nhận thấy phương án 3 là khả thi nhất và có cơ sở thực hiện, nên đã đề nghị các đơn vị liên quan báo cáo rõ để thực hiện.