December 14, 2023 | 15:22 GMT+7

Chuyên gia KBSV: “VN-Index đạt 2.000 điểm chỉ là vấn đề thời gian”

Tuệ Lâm -

Trong quá khứ giai đoạn 2016-2019, GDP tăng trưởng 6,5-7%/năm lợi nhuận doanh nghiệp tăng 15-20%. Nếu năm 2024 GDP quay trở lại quỹ đạo tăng với con số 7% thì kỳ vọng lợi nhuận doanh nghiệp tăng trưởng 20% và Vn-Index cũng tăng trưởng 20%...

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Như VnEconomy đưa tin, ngày 08/12/2023, Tổ chức Xếp hạng tín nhiệm Fitch Ratings (Tổ chức Fitch) nâng xếp hạng tín nhiệm quốc gia dài hạn của Việt Nam lên mức BB+, triển vọng “Ổn định”. Việc Fitch Ratings nâng hạng mức tín nhiệm của Việt Nam được đánh giá là triển vọng tích cực cho chứng khoán, theo nhận định của giới chuyên môn.

Nói rõ hơn về tác động tích cực của việc Fitch Ratings nâng xếp hạng tín nhiệm quốc gia, ông Trần Đức Anh, Giám đốc Vĩ mô và Chiến lược thị trường của Công ty chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) cho rằng: Khi Việt Nam được nâng hạng tín nhiệm, giá trị doanh nghiệp trong nước nâng lên. Đặc biệt tác động tích cực đến các ngân hàng, doanh nghiệp trong nước phát hành trái phiếu ra nước ngoài mà có xếp hạng tín nhiệm như TCB, MSN, VIC. Các doanh nghiệp này được nâng mức xếp hạng và chi phí vay vốn sẽ giảm. 

Tóm lại, có hai ảnh hưởng tích cực: Thứ nhất, Chính phủ phát hành trái phiếu ra nước ngoài lãi suất thấp hơn; Thứ hai, bản thân doanh nghiệp đi xếp hạng tín nhiệm cũng có cơ hội được cải thiện hơn. Từ đó, tạo lên tác động tích cực thị trường chứng khoán.

Lý do thay đổi xếp hạng của Fitch Ratings được tóm tắt bởi 4 yếu tố chính, gồm: Quản lý rủi ro tốt trong ngắn hạn, các chỉ số trong cơ cấu được cải thiện một cách bền vững; Dự phóng tăng trưởng GDP hàng năm trong trung hạn đạt 7% dựa trên các lợi thế sẵn có; Dòng vốn FDI cải thiện và kỳ vọng tăng; Dự trữ ngoại hối cải thiện trong tương lai, nợ công thấp.

Trong 4 yếu tố trên, theo Giám đốc của KBSV, hai yếu tố quan trọng nhất tác động tích cực lên chứng khoán gồm: Quản lý rủi ro tốt trong ngắn hạn, các chỉ số trong cơ cấu được cải thiện một cách bền vững; Dự phóng tăng trưởng GDP hàng năm trong trung hạn đạt 7% dựa trên các lợi thế sẵn có. 

Nhìn lại năm 2022 chúng ta có nhiều vấn đề điều hành vĩ mô như áp lực lạm phát, tỷ giá, rủi ro hệ thống ngân hàng trước sự kiện SCB, đổ vỡ trái phiếu doanh nghiệp. Đến thời điểm hiện tại, Việt Nam đã xử lý tốt 4 sự kiện này và đánh giá của Fitch là hoàn toàn chính xác. Những chỉ số khác như lạm phát, tỷ giá điều hành tốt, nợ công ở mức thấp. Những yếu tố này của chúng ta còn tốt hơn so với các quốc gia xung quanh.

Chuyên gia KBSV: “VN-Index đạt 2.000 điểm chỉ là vấn đề thời gian” - Ảnh 1

Với tăng trưởng GDP, kế hoạch của Chính phủ đưa ra 6,5% cho cả năm 2023 nhưng gần như chắc chắn không đạt được. Tuy nhiên sang đến 2024, con số tăng trưởng 7% như Fitch Ratings đánh giá hoàn toàn khả thi vì chúng ta có nền so sánh thấp của 2023, chính sách tài khóa tiền tệ đang nới lỏng để hỗ trợ tăng trưởng, nhu cầu tiêu dùng trong nước hồi phục, thu hút FDI tăng tốc.

Trong quá khứ giai đoạn 2016-2019, GDP tăng trưởng 6,5-7%/năm lợi nhuận doanh nghiệp tăng 15-20%. Nếu năm 2024 GDP quay trở lại quỹ đạo tăng với con số 7% thì kỳ vọng lợi nhuận doanh nghiệp tăng trưởng 20% và Vn-Index cũng tăng trưởng 20%.

"Nếu dựa theo cơ sở đó thì con số 2.000 của Vn-Index chỉ là thời gian, có thể không phải năm 2024 thì hoàn toàn có thể đạt được vào năm 2025-2026, kinh tế ta mới nổi doanh nghiệp đang ở giai đoạn phát triển, những doanh nghiệp đầu ngành như FPT, SSI vẫn có thể tăng trưởng 20%, triển vọng dài hạn tốt dù biến động nhiều trong ngắn hạn", ông Đức Anh nói. 

Đối với dòng vốn FDI và dự trữ ngoại hối cũng tác động tích cực lên thị trường. Năm 2023 là năm dòng vốn khó khăn trên toàn cầu nhưng thu hút FDI vào Việt Nam vẫn ghi nhận tăng trưởng. Trong khi đó, năm 2024, lạm phát tỷ giá ổn định, Ngân hàng Nhà nước hoàn toàn có thể mua vào dự trữ ngoại hối. Mua vào ngoại hối là một trong những chính sách nới lỏng tiền tệ và rất tốt cho thị trường chứng khoán năm sau.

Chuyên gia KBSV: “VN-Index đạt 2.000 điểm chỉ là vấn đề thời gian” - Ảnh 2

Tương quan diễn biến giữa những lần Fitch Ratings nâng hạng xếp hạng tín nhiệm Việt Nam cho thấy, từ 2012 đến nay có 2 lần được Việt Nam được nâng hạng là năm 2014 và 2018. Cả hai lần nâng hạng đều mang lại yếu tố tích cực cho thị trường. Ghi nhận của KBSV cho thấy, ngay sau thời điểm nâng hạng thị trường tích cực về mặt tâm lý, T0 luôn tăng so với kỳ vọng nhưng trong 60 phiên giao dịch trước và sau thì ảnh hưởng của việc nâng hạng tín nhiệm đến thị trường là không nhiều.

"Thực ra thông tin có ý nghĩa về mặt tâm lý còn tác động thực tế lên thị trường không quá trọng yếu, ta phải nhìn kỹ hơn vào yếu tố nội tại thị trường như xu hướng lãi suất, đặc biệt khi quý 4 sẽ ra kết quả kinh doanh.

Trong quá trình phát triển của thị trường chứng khoán Việt Nam, dư địa tăng trưởng doanh nghiệp niêm yết lớn, trong dài hạn thị trường luôn tăng. Việc mua và nắm giữ dài hạn ở những cổ phiếu đầu ngành thì chắc chắn mang lại thành quả tốt", ông Trần Đức Anh nhấn mạnh. 

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate