Trình bày tham luận tại Hội thảo khoa học quốc gia năm 2023 với chủ đề “Nâng cao hiệu quả quản trị, vượt qua suy thoái, đầu tư cho giai đoạn tăng trưởng mới” diễn ra sáng 12/12 do Đại học Phenikaa tổ chức, TS Đinh Thanh Nhàn Khoa Kinh tế, Trường Đại học Bình Dương cho biết, việc áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu có thể ảnh hưởng đến thu ngân sách nhà nước, tác động đến doanh nghiệp nước ngoài hoạt động tại Việt Nam và doanh nghiệp Việt Nam đang đầu tư ở nước ngoài.
Trong giai đoạn năm 2020 - 2022, tổng thu ngân sách từ thuế thu nhập doanh nghiệp khoảng 20% tổng thu nội địa của ngân sách. Trong đó, thuế nộp từ khu vực đầu tư nước ngoài chiếm 7,5 - 8,5% tổng thu ngân sách và 39 - 41% tổng thu từ thuế thu nhập doanh nghiệp. Việt Nam hiện có khoảng hơn 1.000 công ty đa quốc gia (MNEs) có công ty mẹ đặt tại quốc gia đồng thuận mức thuế tối thiểu toàn cầu; và khoảng 90 MNEs đủ điều kiện về doanh thu. Khi thuế tối thiểu toàn cầu được áp dụng vào năm 2024, số thu thuế chênh lệch ước khoảng 10 - 20 nghìn tỷ đồng.
Nếu áp dụng thuế tối thiểu nội địa đạt tiêu chuẩn (QDMTT), thuế bổ sung đối với các doanh nghiệp FDI có trụ sở tại Việt Nam hiện đang được hưởng thuế suất thấp hơn 15% sẽ giúp tăng thu ngân sách nhà nước. Nếu không áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu thì nguồn thu ngân sách nhà nước từ thuế TNDN sẽ không bị ảnh hưởng, tuy nhiên nguồn thu đáng lẽ có thể thu bổ sung sẽ thuộc về quốc gia khác. Những ảnh hưởng này khẳng định sự cần thiết của việc tham gia khung giải pháp.
Tác động cụ thể của thuế tối thiểu toàn cầu đối với các doanh nghiệp và nhà đầu tư nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam phụ thuộc nhiều yếu tố khác nhau như: Quy mô doanh thu của tập đoàn; quy mô doanh thu của công ty đó tại Việt Nam; mức ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp mà công ty đó đang được hưởng; chính sách thuế của nước có công ty mẹ trước và sau khi có thuế tối thiểu toàn cầu.
Những MNEs như Samsung, Intel, LG, Bosch, Sharp, Panasonic, Foxconn, Pegatron... hiện tại đang được hưởng mức thuế ưu đãi cho ngành công nghệ cao được xác định sẽ chịu ảnh hưởng bởi thuế tối thiểu toàn cầu, ngay cả trước khi thuế này được triển khai. Những công ty nước ngoài nhỏ khác những nằm trong hệ sinh thái chuỗi cung ứng, sản xuất kinh doanh của MNEs là đối tượng của thuế tối thiểu toàn cầu cũng sẽ chịu ảnh hưởng từ quyết định của những MNEs khác và có thể di dời địa điểm kinh doanh, đầu tư.
Việc doanh nghiệp Việt Nam đang đầu tư tại nước ngoài có bị ảnh hưởng bởi thuế tối thiểu toàn cầu phụ thuộc vào những yếu tố tương tự MNEs tại Việt Nam. Ví dụ, các tập đoàn lớn như Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel) về cơ bản đầu tư tại quốc gia có mức thuế suất trên 15% hay như Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) chịu mức thuế suất 30-60% đối với hoạt động dầu khí nên TTTTC được áp dụng tại Việt Nam không ảnh hưởng.
Ngoài ra, đầu tư ra nước ngoài của doanh nghiệp Việt chủ yếu được thực hiện trong ngành khai thác mỏ (31,8%), lĩnh vực nông - lâm - ngư nghiệp (15,7%), và nước nhận đầu tư chính bao gồm Lào, Campuchia, Venezuela... Dù không ảnh hưởng nhiều, nhưng Tổng Cục thuế cũng đang rà soát tác động đối với những doanh nghiệp này.
Cũng theo TS Đinh Thanh Nhàn, Chính phủ xác định phản ứng nhanh với thuế tối thiểu toàn cầu bằng cách áp dụng vào đầu năm 2024, tuy nhiên, đến thời điểm này dự thảo về nội địa hóa quy tắc chưa được ban hành, chưa có lộ trình cụ thể cho tiếp cận quy tắc, đặt câu hỏi về khả năng thực thi của kế hoạch.
Ngoài ra, những hướng dẫn từ OECD vẫn luôn được cập nhật gây khó khăn trong ra dự thảo đảm bảo nguyên tắc phù hợp với quy tắc của OECD. Một số quốc gia vẫn đang có động thái cẩn trọng như Singapore, trì hoãn như Hàn Quốc trong áp dụng quy tắc nhằm theo dõi động thái từ OECD và quốc gia khác.
Ngoài ra, những chính sách hỗ trợ đầu tư, đào tạo, phát triển nguồn nhân lực; hỗ trợ nghiên cứu và phát triển; hỗ trợ đầu tư tài sản cố định, chi phí sản xuất, hay nhũng chính sách ưu đãi về đất đai, ưu đãi lãi suất cho vay nên được xem xét thí điểm. Theo TS Nhàn, đây là chính sách không mới và đã được thực hiện bởi một số quốc gia, ví dụ Thái Lan trích từ 50 đến 70% thu nhập từ thuế bổ sung theo quy tắc thuế tối thiểu toàn cầu để hỗ trợ MNEs tại nước này.
Một số nước cũng có chính sách trích trước ngân sách để ưu đãi bằng tiền mặt căn cứ vào giá trị đầu tư. Với định hướng này, Việt Nam cần cho quy định chi tiết về mức hỗ trợ đầu tư cụ thể, điều kiện về quy mô, ngành của doanh nghiệp được hưởng ưu đãi, trình tự, thủ tục hành chính khi áp dụng các hình thức hỗ trợ, công tác hậu kiểm để đảm bảo phần ưu đãi đến đúng đối tượng, tránh thất thoát ngân sách.