August 02, 2024 | 17:44 GMT+7

Chuyên gia kinh tế lượng quốc tế thảo luận nhiều vấn đề “nóng” của kinh tế Việt Nam

Vân Nguyễn -

AMES 2024 lần đầu tiên được tổ chức tại Việt Nam, quy tụ hơn 250 chuyên gia và nhà khoa học đến từ 40 quốc gia, đem đến những bài học, phân tích, dự báo,... cho kinh tế - xã hội Việt Nam trong bối cảnh tình hình kinh tế, địa chính trị thế giới đang có những biến động, khó khăn…

AMES 2024 quy tụ hơn 250 chuyên gia và nhà khoa học đến từ 40 quốc gia bàn luận về những vấn đề kinh tế - xã hội của thế giới và Việt Nam.
AMES 2024 quy tụ hơn 250 chuyên gia và nhà khoa học đến từ 40 quốc gia bàn luận về những vấn đề kinh tế - xã hội của thế giới và Việt Nam.

Hội nghị châu Á của Hiệp hội Kinh tế lượng, Đông Á và Đông Nam Á (AMES 2024) do Tổ chức Khoa học và Chuyên gia Việt Nam toàn cầu (AVSE Global) phối hợp cùng Trường Đại học Ngân hàng TP.HCM (HUB) và Trường Kinh doanh Leonard de Vinci (EMLV Business School, Pháp) được tổ chức từ ngày 2/8 - 4/8 tại quận 1, TP.HCM.

Chia sẻ tại Hội nghị, GS. Nguyễn Đức Khương, Giám đốc Điều hành trường Kinh doanh EMLV, Giám đốc Phát triển Quốc tế của Tổ hợp đại học De Vinci Higher Education, Chủ tịch AVSE Global, Đồng chủ trì Hội nghị AMES 2024, cho biết đây là lần đầu tiên hội nghị được diễn ra tại Việt Nam với sự tham dự của 250 đại biểu là các chuyên gia và nhà khoa học đến từ 40 quốc gia trên thế giới. 

Thông qua hội nghị lần này, Ban tổ chức mong muốn sẽ đem đến cho các đại biểu những cái nhìn mới mẻ về khả năng tổ chức những sự kiện khoa học mang tầm quốc tế cũng như sự phát triển năng động của nền kinh tế Việt Nam.

Trước đó, AMES thường được tổ chức ở các quốc gia có nền kinh tế phát triển như Nhật Bản, Singapore, Thái Lan, Hàn Quốc...

KẾT NỐI, LAN TỎA KIẾN THỨC

Theo GS. Nguyễn Đức Khương, hội nghị lần này sẽ tập trung kết nối các nhà khoa học, chuyên gia nghiên cứu trong nước với quốc tế nhằm trao đổi chuyên môn và kiến thức để tìm ra các quyết sách và quyết định hỗ trợ cho sự phát triển.

GS. Nguyễn Đức Khương: "Có rất nhiều nhà khoa học Việt Nam đang sinh sống và làm việc tại nước ngoài đến tham dự AMES 2024. Họ sẽ cùng các cơ quan, tổ chức xã hội và các trường đại học Việt Nam xây dựng quan hệ hợp tác và phát triển với chuyên gia nước ngoài”.
GS. Nguyễn Đức Khương: "Có rất nhiều nhà khoa học Việt Nam đang sinh sống và làm việc tại nước ngoài đến tham dự AMES 2024. Họ sẽ cùng các cơ quan, tổ chức xã hội và các trường đại học Việt Nam xây dựng quan hệ hợp tác và phát triển với chuyên gia nước ngoài”.

Đặc biệt, tại hội nghị lần này, Ban tổ chức đã dành ra 10 chỗ tham dự miễn phí cho các nghiên cứu sinh trẻ ở Việt Nam kết nối với các nhà nghiên cứu hàng đầu quốc tế. 

Theo PGS. TS Nguyễn Đức Trung, Hiệu Trưởng trường đại học Ngân hàng TP.HCM (HUB), không chỉ là chia sẻ kiến thức chuyên môn, các chuyên gia quốc tế sẽ tư vấn cho Việt Nam các chính sách liên quan tới nhiều vấn đề của nền kinh tế như tăng trưởng, biến đổi khí hậu, giới... dựa trên cơ sở về kinh tế lượng và những phân tích dự báo cho kinh tế Việt Nam. 

“Những năm gần đây, do tác động của đại dịch Covid-19 cùng với những vấn đề liên quan đến địa chính trị đã ảnh hưởng đến kinh tế Việt Nam. Mặc dù đây là vấn đề khách quan nhưng chúng ta vẫn cần có những giải pháp căn cơ, chuẩn xác để thúc đẩy kinh tế”, PGS.TS Nguyễn Đức Trung cho biết.

THẢO LUẬN ĐẾN CÁC VẤN ĐỀ “NÓNG” CỦA TP.HCM VÀ VIỆT NAM

Hội nghị lần này đã được lên kế hoạch tổ chức trong hơn 1,5 năm qua, quy tụ hơn 250 nhà khoa học trên toàn thế giới với kỳ vọng sẽ đem đến nhiều ý tưởng phát triển cho TP.HCM – thành phố đầu tàu của kinh tế Việt Nam.

Dự kiến, tối ngày 2/8 sẽ có phiên thảo luận bàn tròn tại Ủy ban nhân dân Thành phố, với sự chủ trì của Chủ tịch Ủy ban nhân dân TP.HCM Phan Văn Mãi cùng với các chuyên gia, nhà khoa học. Tại phiên thảo luận này, các lãnh đạo sở, ban ngành sẽ cùng với các chuyên gia đưa ra những định hướng ngắn hạn và cả dài hạn về kinh tế - xã hội của Thành phố.

PGS. TS Nguyễn Đức Trung: “Khi "sếu đầu đàn" dẫn dắt tốt, kinh tế quốc gia sẽ phát triển mạnh mẽ hơn. Bởi TP.HCM là đơn vị đóng góp ngân sách nhiều nhất, luôn là đầu tàu cả nước. Đây cũng là nơi có nhiều lợi thế so với các vùng khác”.
PGS. TS Nguyễn Đức Trung: “Khi "sếu đầu đàn" dẫn dắt tốt, kinh tế quốc gia sẽ phát triển mạnh mẽ hơn. Bởi TP.HCM là đơn vị đóng góp ngân sách nhiều nhất, luôn là đầu tàu cả nước. Đây cũng là nơi có nhiều lợi thế so với các vùng khác”.

Bên cạnh đó, hội nghị sẽ tập trung vào những vấn đề mới của kinh tế thế giới cũng như kinh tế Việt Nam. Nhiều vấn đề nổi bật sẽ được bàn luận như tỷ lệ sinh thấp, kết hôn muộn; vấn đề liên quan đến phát triển bền vững, tăng trưởng xanh; các quỹ hưu trí; thúc đẩy FDI…

PGS. TS Nguyễn Đức Trung cho biết những bài tham luận sẽ sử dụng cả phương thức phân tích định lượng kết hợp với những nghiên cứu định tính.

Đơn cử, bài diễn thuyết đầu tiên của Dr. Charles I. Jones, Đại học Stanford, Mỹ, đã nêu rõ vấn đề già hóa dân số đã ảnh hưởng như thế nào đối với các quốc gia. Qua đó, đưa ra mối quan hệ giữa vấn đề già hóa dân số tác động như thế nào đối với kinh tế. Cùng với những khuyến nghị về định hướng phát triển dân số của các quốc gia trong tương lai, trong đó có Việt Nam.

Ngoài ra, Hội nghị còn đem đến hơn 200 bài tham luận, nghiên cứu về thế giới cũng như Việt Nam, tập trung vào những vấn đề nổi cộm hiện nay như tác động của những biến động của kinh tế thế giới tới nền kinh tế có độ mở cao như Việt Nam; các tiêu chuẩn liên quan tới tăng trưởng xanh, quy trình xanh cho doanh nghiệp và đặc biệt là vấn đề tăng trưởng xanh đối với các quốc đang phát triển như Việt Nam nhằm hướng đến lộ trình Net Zero.

Hội nghị cũng tập trung thảo luận về các vấn đề liên quan tới nguồn nhân lực, ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) và robot và những cải cách thể chế phù hợp với những biến động hiện nay. 

"Dù không đi sâu vào việc đưa ra những khuyến nghị cụ thể song các tham luận tại hội nghị sẽ chỉ ra định hướng chính sách phù hợp bối cảnh của Việt Nam hiện nay", PGS. TS Nguyễn Đức Trung nhấn mạnh.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate