Hội nghị châu Á của Hiệp hội Kinh tế lượng, Đông Á và Đông Nam Á (AMES 2024) do Tổ chức Khoa học và Chuyên gia Việt Nam toàn cầu (AVSE Global) phối hợp cùng Trường Đại học Ngân hàng TP.HCM (HUB) và Trường Kinh doanh Leonard de Vinci (EMLV Business School, Pháp) được tổ chức từ ngày 2/8 - 4/8 tại quận 1, TP.HCM.
Kinh tế lượng cần thiết với một quốc gia đang phát triển nhanh chóng như Việt Nam, giúp Chính phủ, các cơ quan điều phối và doanh nghiệp có thể ra quyết định dựa trên những tính toán khoa học và dữ liệu thực tiễn. Trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế, việc sử dụng kinh tế lượng cũng sẽ giúp Việt Nam nắm bắt xu hướng toàn cầu, tối ưu hóa nguồn lực, nâng cao khả năng cạnh tranh.
Đây là lần đầu tiên một sự kiện lớn của Hiệp hội Kinh tế lượng thế giới tổ chức tại Việt Nam, thảo luận vấn đề cấp thiết và quan trọng trong nền kinh tế toàn cầu, đóng góp vào sự phát triển chung của khu vực châu Á, trong đó có Việt Nam.
Hội nghị AMES năm nay quy tụ hơn 250 chuyên gia và nhà khoa học đến từ hơn 40 quốc gia. Các bài nghiên cứu chuyên sâu được lựa chọn giới thiệu tại hội nghị hướng đến định lượng những mối quan hệ trong nền kinh tế cũng như đánh giá tác động chính sách lên hoạt động sản xuất kinh doanh, thương mại quốc tế, thị trường tài chính, phát triển bền vững. Các chủ đề vĩ mô như kinh tế sức khỏe, kinh tế giáo dục và hưu trí cũng được đề cập.
AMES 2024 được chủ trì bởi GS. Nobuhiro Kiyotaki, Giáo sư Kinh tế và Ngân hàng Harold H. Helms '20 tại Đại học Princeton và GS. Nguyễn Đức Khương, Giám đốc điều hành Trường Kinh doanh EMLV, Giám đốc Phát triển Quốc tế của Tổ hợp đại học De Vinci Higher Education và Chủ tịch AVSE Global.
Các diễn giả phiên toàn thể của AMES 2024 là học giả danh tiếng trong lĩnh vực kinh tế, tài chính và chính sách từ đại học hàng đầu thế giới như: Harrison Hong, Giáo sư Kinh tế Tài chính John R. Eckel, Jr., Đại học Columbia, Mỹ; Charles I. Jones, Giáo sư Kinh tế, Trường Kinh doanh Stanford, Mỹ; Gilat Levy, Giáo sư Kinh tế, Trường Kinh tế và Khoa học Chính trị London, Vương quốc Anh; Mark W. Watson, Giáo sư Kinh tế và Quan hệ công chúng Howard Harrison và Gabrielle Snyder Beck, Đại học Princeton, Mỹ.
Với 60 phiên thảo luận (3 phiên chính, 57 phiên song song) và 230 bài báo cáo khoa học, chủ đề được thảo luận trong AMES 2024 gồm: kinh tế lượng và ứng dụng kinh tế lượng; kinh tế vĩ mô; kinh tế vi mô; khoa học dữ liệu; môi trường kinh tế; kinh tế thực nghiệm và hành vi; tài chính; tài chính doanh nghiệp; tiền tệ và ngân hàng; kinh tế y tế, giáo dục và phúc lợi; tổ chức công nghiệp; thương mại quốc tế; kinh tế công cộng; khí hậu và năng lượng; kinh tế Việt Nam…
Đại diện ban tổ chức cho biết hội nghị tạo cơ hội để nhà khoa học, chuyên gia kinh tế trao đổi kiến thức, chia sẻ nghiên cứu và thảo luận các vấn đề kinh tế lượng quan trọng, tăng cường hợp tác và kết nối giữa nhà nghiên cứu và tổ chức kinh tế hàng đầu trên thế giới.
Từ đó, các minh chứng khoa học lan tỏa và tạo nền tảng cho hoạch định chính sách trên địa bàn TP.HCM nói riêng và Việt Nam nói chung, nâng cao hiệu quả hoạt động phân tích, dự báo kinh tế - xã hội của TP.HCM và Việt Nam.
AVSE Global là tổ chức phi lợi nhuận, trụ sở tại Paris, tập hợp những trí thức, chuyên gia, nhà khoa học nhiều lĩnh vực ở phạm vi toàn cầu. AVSE Global thực hiện các chương trình, dự án thúc đẩy sự phát triển bền vững và thịnh vượng của Việt Nam thông qua 12 mạng lưới chuyên gia, hơn 10 hội thảo và diễn đàn chính sách quốc tế hàng năm, hơn 20 chương trình đào tạo cấp cao, hơn 10 dự án tư vấn lớn, trong đó có quy hoạch phát triển kinh tế xã hội các tỉnh thành, và báo cáo chuyên ngành.
Đại học Ngân hàng TP.HCM (HUB) đang đào tạo hơn 16.000 sinh viên của 15 ngành bậc đại học, 7 chương trình bậc Thạc sĩ và 3 chương trình Tiến sĩ. Theo công bố về chỉ số công trình nghiên cứu trên WOS, HUB là một trong các trường có công bố tốt nhất 6 tháng đầu năm 2024.
Trường Kinh doanh Leonard de Vinci (EMLV Business School, Pháp) đào tạo quản lý kinh doanh, cung cấp các chương trình bậc đại học và sau đại học. Trường có đa dạng chuyên ngành như quản trị kinh doanh, tài chính, marketing, quan hệ công chúng, quản lý nguồn nhân lực, quản trị chuỗi cung ứng và khởi nghiệp.