Tại hội thảo “Phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp tới 2030: Góc nhìn từ xếp hạng tín nhiệm” được phối hợp chức bởi Tạp chí Kinh tế Việt Nam/ VnEconomy, Moody’s Ratings và VIS Rating vào ngày 17/5, ông Jeffrey Lee, Giám đốc phụ trách Khu vực châu Á Thái Bình Dương, Moody’s Ratings, đã chia sẻ những kinh nghiệm về phát triển thị trường trái phiếu xanh. Ông cho rằng để phát triển thị trường trái phiếu xanh, Việt Nam cần định nghĩa rõ sự cam kết trong dài hạn cho các bên khi tham gia vào thị trường.
KINH NGHIỆM PHÁT TRIỂN TRÁI PHIẾU XANH TỪ CÁC NƯỚC TRÊN THẾ GIỚI
Theo ông Jeffrey Lee, sự thành công của việc thâm nhập của thị trường trái phiếu bền vững tại các khu vực châu Á là nhờ chính sách chỉ đạo từ trên xuống. Trong đó, nhiều quốc gia trên thế giới đã và đang có nhiều sự hỗ trợ cần thiết về chính sách cũng như tạo ra cơ sở hạ tầng cho các doanh nghiệp và nhà phát hành tiếp cận thị trường trái phiếu bền vững.
Một ví dụ điển hình về sự thành công của phát triển thị trường tài chính bền vững đó chính là Singapore, quốc gia này đã vươn lên trở thành trung tâm tài chính bền vững và đạt được nhiều thành công đáng kể cũng như chú trọng xây dựng các hệ thống phân loại để chuẩn hóa thị trường này. Cụ thể, Singapore gần đây đã hoàn thành Hệ thống Phân loại Singapore - Châu Á ( Singapore-Asia Taxonomy) - một công cụ không chỉ xác định các tài sản chính mà còn các tài sản chuyển đổi.
“Đặc biệt, Singapore cũng chú trọng duy trì sự tương thích với thị trường quốc tế bằng cách cấu trúc hệ thống phân loại của mình tương tự hệ thống phân loại châu Âu và tuân thủ các tiêu chí quốc tế đặt ra về tài chính bền vững”, ông nói.
Singapore đã triển khai các chương trình tài trợ và trợ cấp nhằm giảm bớt gánh nặng cho các nhà phát hành và người vay về trái phiếu xanh. Trong đó, Chính phủ Singapore đã cung cấp tài trợ bao gồm chi phí phát hành trái phiếu xanh nếu nhà phân tích hoặc người cho vay có trụ sở tại Singapore, và thậm chí mở rộng hỗ trợ này cho các công ty nước ngoài đăng ký trái phiếu trên sàn giao dịch Singapore.
Ngoài Singapore, chính phủ Nhật Bản cũng đã cung cấp một lộ trình toàn diện và thiết lập một điểm tham chiếu cho các doanh nghiệp tư nhân theo dõi trong thị trường tài chính bền vững. “Cách tiếp cận chủ động này giúp khu vực tư nhân điều hướng được sự phức tạp của hệ thống phân loại, tạo điều kiện cho họ tham gia vào thị trường tài chính bền vững cũng như trái phiếu xanh”, ông Jeffrey Lee cho hay.
XÂY DỰNG HỆ SINH THÁI TÀI CHÍNH BỀN VỮNG
Khi đề cập đến những yếu tố để xây dựng và phát triển một hệ sinh thái tài chính bền vững, ông Jeffrey chỉ ra rằng mục tiêu quan trọng nhất ở đây đó chính là xây dựng cơ sở hạ tầng và cung cấp các định nghĩa chi tiết hơn về các nguyên tắc phân loại trong tài chính bền vững.
Ví dụ như, trong lĩnh vực nông nghiệp, các nguyên tắc phân loại quốc tế có thể không hoàn toàn phù hợp với mọi quốc gia. Do đó, việc đảm bảo rằng các ngành liên quan đáp ứng các tiêu chí xếp hạng trong tài chính bền vững chắc chắn sẽ mang lại sự rõ ràng hơn cho mỗi ngành.
Ngoài ra, phần lớn sự thành công trong việc phát triển tài chính xanh đều xuất phát từ các tập đoàn đa quốc gia lớn nhờ có tiềm lực kinh tế lớn để triển khai đồng thời sẵn sàng thúc đẩy các tiêu chí ESG và các sáng kiến bền vững như một phần trong các chiến dịch quảng bá của họ. Trong khi đó, các doanh nghiệp nhỏ và vừa vẫn chưa làm được điều đấy.
“Chính vì vậy, việc cung cấp thêm hướng dẫn và lợi ích kinh tế cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) trong việc phát triển tài chính bền vững cũng rất quan trọng”, đại diện Moody’s Ratings nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, để đáp ứng được các mục tiêu trong Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDCs), các nước phải tập trung vào việc khử carbon cho toàn bộ chuỗi cung ứng, bao gồm cả các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Vì vậy, vai trò của các ngân hàng rất quan trọng trong việc hỗ trợ các doanh nghiệp trong quá trình khử carbon của mình. Ví dụ, Singapore đã có các khoản trợ cấp cho ngân hàng để phát hành thêm trái phiếu xanh hoặc các khoản vay cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa.
“Các công ty lớn có thể tự mình giảm khí thải phạm vi nhưng các công ty nhỏ và vừa thì lại không kiểm soát được lượng phát thải của mình. Vì vậy, các chương trình trợ cấp, hỗ trợ tài chính hoặc hỗ trợ kỹ thuật cho các công ty nhỏ và vừa sẽ rất quan trọng”, đại diện Moody’s Ratings nói.
ĐỊNH NGHĨA RÕ SỰ CAM KẾT TRÁI PHIẾU XANH CỦA DOANH NGHIỆP
Theo ông Jeffrey Lee, để Việt Nam bắt kịp tốc độ phát hành trái phiếu bền vững với các nước trong khu vực cũng như thu hút các nhà đầu tư tổ chức trong và ngoài nước đến đầu tư, một điểm tuy nhỏ nhưng quan trọng cần phải được nhấn mạnh, đó chính là Việt Nam phải chỉ ra được cơ hội và thách thức mà các bên tham gia thị trường như các doanh nghiệp phát hành trái phiếu xanh gặp phải.
“Câu hỏi mà các giám đốc tài chính thường đặt ra cho tôi đó chính là ‘Tại sao tôi phải làm điều này? Lợi ích của việc phát hành trái phiếu xanh là gì? Chi phí trong phát hành trái phiếu xanh là quá đắt đỏ’. Vì vậy, ngay từ ban đầu, chúng ta cần phải nhấn mạnh với họ rằng đầu tư vào trái phiếu xanh là một sự đầu tư dài hạn. Mặc dù chi phí ban đầu và nỗ lực có thể sẽ gặp nhiều khó khăn, nhưng lợi ích của đầu tư vào trái phiếu xanh trong dài hạn là rất lớn”, ông Jeffrey Lee chia sẻ.
Bằng cách cam kết với tầm nhìn dài hạn về trái phiếu xanh, Việt Nam có thể định vị mình là một nhà lãnh đạo trong lĩnh vực tài chính bền vững, thu hút đầu tư và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế đồng thời giải quyết các thách thức về môi trường và xã hội. “Cách tiếp cận toàn diện này sẽ mang lại lợi ích không chỉ cho riêng các công ty mà còn cho cả quốc gia, đảm bảo một tương lai bền vững và thịnh vượng”, ông Jeffrey Lee cho hay.
Ngoài ra, việc xây dựng cơ sở hạ tầng cần thiết một cách từ từ sẽ giúp phát triển thị trường tài chính bền vững cũng như thu hút thêm vốn đầu tư vào Việt Nam.