February 07, 2022 | 09:14 GMT+7

Chuyển sang phát triển chiều sâu, thị trường chứng khoán năm 2022 sẽ bền vững

Với nền tảng vững chắc của năm 2021, thị trường chứng khoán được dự báo sẽ phát triển mạnh, tăng chiều sâu trong năm mới...

Ông Trần Văn Dũng, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước
Ông Trần Văn Dũng, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước

Dù chịu tác động mạnh bởi đại dịch Covid-19, nhưng năm 2021 được đánh giá là một năm thành công của thị trường chứng khoán. Với nền tảng vững chắc đó, thị trường chứng khoán được dự báo sẽ phát triển mạnh và tăng chiều sâu trong năm mới.

NĂM ĐẶC BIỆT VỚI KẾT QUẢ ĐẶC BIỆT

Năm 2021, đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, ảnh hưởng đến mọi mặt đời sống của kinh tế - xã hội Việt Nam, và thị trường chứng khoán cũng không phải là ngoại lệ. Điều này buộc cả thị trường phải thích ứng linh hoạt và chuyển nhanh sang trạng thái bình thường mới. Thậm chí, một kịch bản cho tình huống "trụ sở của các sở giao dịch và thành viên bị phong tỏa" cũng đã được chuẩn bị sẵn sàng.

Trong bối cảnh đặc biệt đó, năm 2021 cũng là một năm đặc biệt về kết quả đạt được của thị trường. Nếu như năm 2020, chỉ số VN-Index tăng trưởng khá tốt, thì đến năm 2021 chỉ số này đã đạt đỉnh, trên 1.500 điểm và kết thúc vào cuối năm đã tăng 35,7% so với đầu năm 2020.

Đặc biệt, mức thanh khoản của năm 2021 đạt 3,6 lần so với năm 2020, đạt trên 26.000 tỷ đồng/phiên. Suốt trong 9 tháng liên tục vào cuối năm, giá trị giao dịch bình quân của thị trường chứng khoán Việt Nam đều đạt trên 1 tỷ USD/phiên, thậm chí có phiên tới 2,5 tỷ USD/phiên.

Cùng với đó, năm 2021, số lượng tài khoản chứng khoán mở mới tăng kỷ lục, cho thấy sức hấp dẫn của thị trường đối với công chúng đầu tư. Tính cả năm 2021 có tới hơn 1,53 triệu tài khoản chứng khoán mở mới, gấp gần 4 lần so với cả năm 2020, lớn hơn cả 5 năm trước cộng lại. Tính tới cuối năm, tổng số tài khoản chứng khoán của thị trường chứng khoán Việt Nam đã đạt gần 4,3 triệu tài khoản, đạt hơn 4,3% dân số.

Thống kê của Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước cho thấy, mặc dù 2021 là một năm rất khó khăn, nhưng các doanh nghiệp niêm yết đã cho thấy sức chống chịu và sự vươn lên rất tốt. Nhìn tổng hòa lại, bên cạnh những doanh nghiệp gặp khó khăn do Covid-19 (như ngành hàng không, du lịch…) thì các doanh nghiệp niêm yết vẫn phát triển khá tốt, với mức lợi nhuận của toàn ngành là tăng khoảng 33%.

Ông Trần Văn Dũng, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đánh giá, năm 2021 đã năm đánh dấu sự chuyển mình trên thị trường chứng khoán, chúng ta cũng nhìn thấy sự thành lập và bắt đầu đi vào hoạt động của Sở giao dịch chứng khoán Việt Nam (VNX), bắt đầu tiến trình cơ cấu lại hoạt động theo hướng chuyên nghiệp.

“Tôi nghĩ rằng với những thành công đã kể, thị trường chứng khoán Việt Nam đã được ghi nhận là một trong những thị trường chứng khoán thành công trên thế giới trong năm 2021”, ông Trần Văn Dũng đánh giá.

Để thị trường chứng khoán Việt Nam có được thành công ngoài kỳ vọng như vậy, theo Chủ tịch Trần Văn Dũng, là nhờ 5 nhiều yếu tố chính.

Thứ nhất, các nhà đầu tư đã nhìn thấy tiềm năng phát triển của nền kinh tế Việt Nam nhờ vào sự chỉ đạo rất là quyết liệt của Đảng, của Chính phủ, trong việc thực hiện mục tiêu kép: “vừa thích ứng, linh hoạt trong chống dịch, vừa củng cố và thúc đẩy sản xuất kinh doanh của nền kinh tế”.

Thứ hai, sự chỉ đạo một cách rất quyết liệt của Chính phủ và Bộ Tài chính đối với hoạt động của thị trường chứng khoán, đặc biệt là quan điểm chỉ đạo nhất quán “điều hành thị trường an toàn, hiệu quả trong mọi hoàn cảnh và tôn trọng quy luật cung – cầu của thị trường".

Thứ ba, hiệu lực của Luật Chứng khoán mới (hiệu lực từ 1/1/2021) đã bắt đầu đi vào cuộc sống – đây là nền tảng để cho Bộ Tài chính, Uỷ ban Chứng khoán xử lý các vấn đề trên thị trường.

Thứ tư, sự nỗ lực của các thành viên. Các công ty chứng khoán tận dụng tốt bối cảnh của thị trường phát triển để tăng vốn, mở rộng kinh doanh, dịch vụ. Bên cạnh đó, các thành viên này cũng phối hợp với cơ quan quản lý và các sở giao dịch chứng khoán để tinh chỉnh, phát triển hệ thống giao dịch của mình một cách an toàn, hiệu quả, bảo đảm môi trường mới, đáp ứng nhu cầu giao dịch của nhà đầu tư.

Thứ năm, các nhà đầu tư trong năm 2021 đã tham gia thị trường một cách rất tích cực, chủ động. Không chỉ tăng trưởng về số lượng với hơn 1,53 triệu tài khoản mở mới, mặt bằng trình độ các nhà đầu tư tham gia cao hơn, hiểu biết nhiều hơn về thị trường.

TỰ TIN BƯỚC SANG 2022

Nền tảng năm 2021 là một bệ đỡ rất vững chắc để thị trường chứng khoán có thể tự tin hơn tiến vào năm 2022 theo hướng phát triển bền vững và khẳng định là một kênh huy động vốn trung và dài hạn chủ yếu của nền kinh tế như Nghị quyết của Đảng đã nêu.

Theo đó trong năm 2022, Bộ Tài chính và Ủy ban Chứng khoán Nhà nước tập trung phát triển thị trường chứng khoán hướng tới mục tiêu bền vững và dài hạn. Cho nên cùng với phát triển về mặt quy mô, Bộ Tài chính và Ủy ban Chứng khoán Nhà nước sẽ đặt trọng tâm nhiều hơn vào chất lượng và sự bền vững của thị trường.

“Tinh thần dài hạn, bền vững và minh bạch đã được thể hiện trong dự thảo chiến lược phát triển thị trường chứng khoán giai đoạn 2021-2030 đã được Ủy ban Chứng khoán công bố”, ông Trần Văn Dũng nói.

Đáng chú ý, trong năm 2022, Bộ Tài chính và Ủy ban Chứng khoán Nhà nước sẽ tập trung “ổn định hoạt động của Sở giao dịch Chứng khoán Việt Nam, và bắt đầu tiến trình cơ cấu lại các thị trường cổ phiếu, thị trường trái phiếu và thị trường phái sinh theo hướng chuyên nghiệp hóa, theo lộ trình đã được Chính phủ phê duyệt và đã được thể hiện trong thông tư của Bộ Tài chính”.

“Năm 2022 công tác thanh tra, giám sát, xử lý vi phạm trên thị trường chứng khoán cần phải được đẩy mạnh hơn nữa. Vì đây là yếu tố rất là quan trọng để bảo đảm cho thị trường được hoạt động công khai, minh bạch, công bằng, có kỷ cương, kỷ luật. Đồng thời đây cũng là việc quan trọng để giữ và củng cố được lòng tin của nhà đầu tư ở trong nước cũng như là trên thị trường thế giới”, ông Dũng nhấn mạnh.

Cùng với đó, năm 2022, mặt bằng lãi suất thấp tiếp tục được duy trì; vì vậy, dòng tiền có khả năng vẫn tiếp tục được thu hút. Dư địa phát triển của thị trường chứng khoán vẫn còn rất lớn khi Chính phủ đẩy mạnh cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, tác động của các gói kích thích kinh tế và xu hướng mở mới tài khoản giao dịch chứng khoán của nhà đầu tư vẫn tiếp tục tăng mạnh trong năm 2022.

Dù có nhiều tín hiệu khả quan cho thị trường, tuy nhiên Chủ tịch Uỷ ban chứng khoán Nhà nước lưu ý, năm 2022 tiếp tục là một năm khó khăn, chứng khoán Việt Nam vẫn đứng trước nguy cơ, thách thức của đại dịch Covid-19 dẫn tới lạm phát tăng cao, nền kinh tế thế giới đang còn khó khăn, với những thay đổi, biến đổi liên tục thất thường của các hoạt động kinh tế.

Nhiều ngân hàng trung ương trên thế giới đang đưa ra tín hiệu về áp dụng chính sách thắt chặt tiền tệ nhằm đối phó với rủi ro lạm phát. Các chính sách này nếu được thực thi sớm trên thế giới sẽ tạo thêm áp lực cho thị trường chứng khoán.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate