Tại hội thảo trực tuyến trao đổi về tiềm năng, hiện trạng, nhận định những vấn đề đặt ra và giải pháp phát triển du lịch chăm sóc sức khỏe ở Việt Nam phù hợp với xu hướng mới do Viện Nghiên cứu Phát triển du lịch tổ chức hồi tháng 10 vừa qua, bà Nguyễn Thị Thanh Hương, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch cho rằng: Đại dịch Covid-19 và tình trạng ô nhiễm môi trường ngày càng gia tăng khiến con người quan tâm nhiều hơn đến du lịch chăm sóc sức khỏe.
Trong thời gian tới xu hướng du lịch sẽ có sự thay đổi rõ rệt, đặc biệt với những chuyến du lịch dài ngày của du khách sẽ không còn là những chuyến du lịch tham quan đơn thuần mà thay vào đó là hình thức du lịch tận hưởng kết hợp cải thiện sức khỏe. Theo bà Hương, việc phát triển du lịch chăm sóc sức khỏe hiện nay ở Việt Nam mới chỉ bắt đầu, sản phẩm ít, chưa đặc sắc, khó thu hút khách du lịch là do chưa có những nghiên cứu đầy đủ về tiềm năng, cũng chưa có định hướng, có chính sách cụ thể để phát triển của du lịch chăm sóc sức khỏe.
Thực tế, các chuyên gia du lịch khẳng định, Việt Nam có rất nhiều tiềm năng để phát triển du lịch chăm sóc sức khỏe với bờ biển dài 3.260 km, với nhiều bãi tắm rất đẹp và thuận lợi cho phát triển du lịch nghỉ dưỡng. Ngành Địa chất của nước ta đã phát hiện khoảng 400 nguồn nước khoáng nóng trên cả nước, trong đó đã điều tra, nghiên cứu và phân tích 287 nguồn và phân thành 11 loại khác nhau, vừa có tác dụng chữa bệnh, vừa có thể khai thác thành nước uống đóng chai phục vụ cho đời sống con người.
Hiện nay đã có nhiều nguồn suối nước khoáng nóng ở Việt Nam được các nhà đầu tư lớn đầu tư khai thác như: Khu Du lịch suối khoáng nóng Mỹ Lâm, Tuyên Quang; Khu Du lịch suối khoáng nóng Quang Hanh, Quảng Ninh; Thanh Thủy, Phú Thọ… Một số khu du lịch có cung cấp dịch vụ tắm bùn, spa, xông hơi, mát xa như Khu Du lịch Trăm Trứng (Khánh Hòa), Khu Du lịch V- resort (Hòa Bình), Khu Du lịch khoáng nóng Sài Gòn - Bình Châu (Vũng Tàu)…
Đặc biệt, Thừa Thiên Huế là địa phương không chỉ có cảnh sắc thiên nhiên, văn hóa lịch sử thu hút, mà còn có tới 7 nguồn nước khoáng nóng, trong đó có 2 nguồn nước nóng đã được khai thác. Đây cũng là vùng đất có bề dày truyền thống về y học bao gồm cả Đông y và Tây y với nguồn nhân lực y tế mạnh cả về số lượng lẫn chất lượng. Lợi thế này đang được Thừa Thiên Huế đẩy mạnh phát triển loại hình du lịch nghỉ dưỡng kết hợp khám, chữa bệnh.
Ngày 16/11, Sở Du lịch tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, đơn vị sẽ tổ chức Tuần lễ du lịch Chăm sóc sức khỏe - Wellness Tourism Weekend từ ngày 22 -24/11 tại Trung tâm Văn hóa, Thông tin và Thể thao thành phố Huế. Đây là chương trình nằm trong khuôn khổ Lễ hội mùa Đông - "Mùa Đông xứ Huế" của Festival Huế 2024.
Tuần lễ du lịch Chăm sóc sức khỏe được tổ chức nhằm quảng bá các sản phẩm dịch vụ du lịch chăm sóc sức khỏe của tỉnh Thừa Thiên Huế với các giá trị thực tiễn, riêng biệt, góp phần khẳng định Thừa Thiên Huế là điểm đến hấp dẫn không chỉ với sản phẩm du lịch di sản văn hóa mà còn có chuỗi sản phẩm du lịch bổ trợ hấp dẫn khác: du lịch chăm sóc sức khỏe, du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái, du lịch tâm linh, du lịch làng nghề,..
Tuần du lịch Chăm sóc sức khỏe năm nay sẽ có hoạt động trải nghiệm, triển lãm và giới thiệu các sản phẩm chăm sóc sức khỏe; Giới thiệu, tư vấn về phương pháp thẩm mỹ và chăm sóc sắc đẹp; chương trình thăm khám, tư vấn sức khỏe theo hình thức truyền thống và hiện đại (miễn phí cho du khách và nhân dân đến tham quan)...
Điểm nhấn của tuần lễ này là các Talkshow với chủ đề “Hút mỡ vùng bụng và tạo hình thành bụng bằng phương pháp phẫu thuật”; “Giới thiệu các dịch vụ về tầm soát, chăm sóc sức khoẻ chủ động cho du khách đến Huế”; “Đông Y và chữa bệnh bằng phương pháp cung đình”; “Dinh dưỡng tăng miễn dịch” của các bác sỹ, lương y, chuyên gia dinh dưỡng.
Đan xen các hoạt động trên còn có chương trình hướng dẫn các phương pháp Yoga - Thiền “Chakra Healing meditation”, chương trình đồng diễn Zumba - Aerobic: “Đốt cháy calo - Nâng cao sức khỏe”, chương trình nghệ thuật giao lưu âm nhạc... Tuần lễ này được định hướng trở thành hoạt động thường niên của ngành du lịch trong khuôn khổ Festival Huế; một hoạt động mang đến những giá trị thiết thực giúp người dân và khách du lịch nâng cao nhận thức và có những trải nghiệm mới về việc bảo vệ sức khỏe của bản thân và của cộng đồng.
Trước đó, tỉnh Thừa Thiên Huế đã có kế hoạch về việc triển khai thực hiện Đề án "Định hướng phát triển du lịch chăm sóc sức khỏe tại tỉnh Thừa Thiên Huế" với nhiều mục tiêu cụ thể. Đầu tháng 3/2024, ngành du lịch tỉnh cũng đã tổ chức chuyến fam trip “Thiên đường miền Trung” với hành trình Đà Nẵng - Cù Lao Chàm/Sơn Trà - Huế - Thanh Tân - Điện Kiến Trung - Đại Nam Thái Y Viện. Tour du lịch sẽ được mở bán vào ngày thứ tư - thứ năm và thứ bảy, chủ nhật hàng tuần.
Trong đó, tại Suối khoáng nóng Thanh Tân (Allba Thanh Tân), khách sẽ tham quan, thư giãn ngâm tắm khoáng nóng thanh lọc cơ thể; vào rừng tham quan vườn hươu sao và trang trại, tham quan suối thiên nhiên; tự do trải nghiệm các hoạt động của khu du lịch. Khách cũng sẽ được trải nghiệm làm gốm, vẽ tranh trên đá … tại làng nghề.
Còn tại Đại Nam Thái Y Viện, ngoài tham quan, tìm hiểu về tinh hoa y học cổ truyền của dân tộc, du khách còn được các lương y tiền bối bắt mạch tư vấn chăm sóc sức khoẻ bằng phương pháp Đông - Tây Y kết hợp mà không dùng thuốc, trải nghiệm trị liệu chân thư giãn và ngâm chân thảo dược tại Thái Y Đường; trải nghiệm xoa bóp, bấm huyệt tại spa. Ngoài ra, khách còn được tham quan cơ sở Sâm bố chính Hoàng Gia - sản vật tiến Vua được người Chăm phát hiện cách nay hơn 300 năm; dùng bữa thực dưỡng tại nhà hàng An Nhiên Garden…
Theo Ông Trương Thành Minh, Giám đốc Trung tâm Thông tin Xúc tiến Du lịch, các đơn vị lữ hành trong toàn quốc vẫn có các sản phẩm du lịch gắn với chăm sóc sức khỏe, tuy nhiên, chưa có tour trọn vẹn và có chủ đề thiên về chăm sóc sức khỏe, vì vậy khi khai thác sản phẩm du lịch này, Huế sẽ cùng các doanh nghiệp xây dựng các chương trình tour có chủ đề riêng theo nhu cầu của từng thị phần khách. Bên cạnh đó, ngành du lịch tỉnh sẽ xây dựng thêm các tour du lịch để khách trải nghiệm ngồi thiền, trải nghiệm văn hóa Phật giáo gắn với thiền giúp cải thiện và cân bằng thân - tâm - trí.