Đề cập đến việc làm thế nào để khai thác lợi thế các giá trị di sản và văn hóa phục vụ phát triển du lịch TP.HCM, nhiều chuyên gia cho rằng cần làm nổi bật các giá trị của các cộng đồng đã sinh sống và đóng góp cho thành phố này, đưa họ nói lên tiếng nói của cộng đồng mình.
KHAI THÁC GIÁ TRỊ DI SẢN VÀ VĂN HÓA TẠO HƯỚNG ĐI MỚI
Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 147/QĐ-TTg ngày 22/01/2020 xác định du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, tạo động lực thúc đẩy sự phát triển các ngành và lĩnh vực khác, góp phần quan trọng hình thành cơ cấu kinh tế hiện đại. Trong đó, chú trọng phát triển du lịch văn hóa, gắn phát triển du lịch với bảo tồn, phát huy giá trị di sản và bản sắc văn hóa dân tộc.
TP.HCM là địa phương có nhiều di tích lịch sử, văn hóa tiêu biểu như Dinh Độc Lập, địa đạo Củ Chi, Bưu điện Thành phố, căn cứ Rừng Sác, Bảo tàng Áo Dài, Nhà thờ Đức Bà Sài Gòn, Bảo tàng Chứng tích chiến tranh,… đã được khai thác thành các điểm đến trong các chương trình tham quan, tour/tuyến thu hút rất đông du khách trong và ngoài nước tại thành phố.
Đặc biệt, năm 2023 vừa qua, Thành phố lần đầu tiên tổ chức Lễ hội sông nước TP.HCM, trong đó lấy văn hóa - lịch sử làm điểm khởi đầu, biến giá trị nhân văn thành điểm cốt lõi xuyên suốt toaàn bộ sự kiện. Lễ hội sông nước TP.HCM lần thứ I đã tạo nên một sản phẩm du lịch độc đáo của Thành phố, khai thác tối đa giá trị văn hóa, du lịch của sông Sài Gòn, đẩy mạnh truyền thông và quảng bá về các làng nghề truyền thống, các biểu tượng du lịch và điểm đến văn hóa, giải trí đặc trưng của thành phố, từ đó giúp định vị thương hiệu đô thị sông nước giàu bản sắc của Sài Gòn - TP.HCM.
Gần đây, ngành du lịch TP.HCM tập trung vào khai thác các giá trị về di sản, văn hóa hiện có như một lợi thế để phát triển du lịch theo hướng đi mới. Ngài các điểm tham quan truyền thống trước giờ, Thành phố cũng đã triển khai cho du khách tham quan trụ sở Ủy ban nhân dân Thành phố (trước năm 1975 là Tòa Đô chánh hay Tòa Thị chính) là một công trình kiến trúc độc đáo từ thời Pháp thuộc, được xem là một kiệt tác nghệ thuật của Sài Gòn nói riêng, Việt Nam nói chung.
Vừa qua, Ủy ban nhân dân TP.HCM cũng đã chính thức chấp thuận chủ trương triển khai thí điểm đề án phố đêm Chợ Lớn gắn với phát triển du lịch tại quận 6; trong đó, chợ Bình Tây (tức Chợ Lớn) - di sản được Ủy ban nhân dân Thành phố công nhận là Di tích Kiến trúc nghệ thuật, làm điểm nhấn. Đây là một trong những di sản văn hóa mới nhất được hiện thực hóa đưa vào khai thác du lịch trong rất nhiều di sản văn hóa khác của thành phố.
LÀM NỔI BẬT CÁC GIÁ TRỊ CỘNG ĐỒNG
Nhiều chuyên gia cho rằng Thành phố cần làm nổi bậc các giá trị của các cộng đồng đã đóng góp cho thành phố này, đưa họ nói lên tiếng nói của cộng đồng mình. Tại Diễn đàn Truyền thông quảng bá điểm đến với chủ đề “Hội tụ bản sắc - Nâng tầm di sản” diễn ra tại TP.HCM tháng 10 vừa qua, các chuyên gia đã chia sẻ thành công từ cách làm sáng tạo từ điểm đến Văn Miếu - Quốc Tử Giám (Hà Nội) và Dinh Độc Lập (TP.HCM), mang lại bài học giá trị cho ngành du lịch di sản.
Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển kinh tế và du lịch (ITERD) Dương Đức Minh gợi ý TP.HCM có thể nghiên cứu phát triển du lịch cộng đồng ngay trong đô thị với những không gian văn hóa đặc trưng của những cộng đồng sinh sống, có nhiều đóng góp cho sự phát triển cho Thành phố, như cộng đồng người Hoa, người Chăm,… Bởi không chỉ các cộng người Việt có các làng nghề truyền thống, mà các cộng đồng người Hoa, người Chăm cũng có nghề truyền thống của riêng mình. Đây chính là điểm nhấn để hướng đến câu chuyện về du lịch làng nghề ngay giữa lòng thành phố.
Thời điểm từ nay đến cuối năm và dịp Tết Nguyên đán sắp tới, lượng du khách đến TP.HCM khá đông, đặc biệt là kiều bào từ nước ngoài về quê chơi Tết, thăm thân nhân, gia đình. Số liệu thống kê của Sở Du lịch TP.HCM cho biết, trong tháng 10/2024, thành phố đã đón gần 650.000 lượt khách quốc tế, tăng 16,6% so với cùng kỳ năm 2023. Tính chung 10 tháng đầu năm 2024, lượng khách quốc tế đến thành phố đạt gần 4,7 triệu lượt, tăng 12,9% so với cùng kỳ năm ngoái và đạt 77,7% kế hoạch năm. Như vậy, mục tiêu đạt 6 triệu lượt khách du lịch quốc tế của năm 2024 là có thể đạt được.
Về khách du lịch nội địa, trong tháng 10, TP.HCM đón gần 3,6 triệu lượt, tăng 1,2% so với cùng kỳ năm 2023. Lũy kế 10 tháng đầu năm 2024 đạt gần 31 triệu lượt, tăng 1,3% so với cùng kỳ năm trước và đạt 81,4% kế hoạch năm. Điều này cho thấy sự tăng trưởng ổn định của ngành du lịch thành phố năm 2024.
Tuy nhiên, theo bà Nguyễn Thị Ánh Hoa, Giám đốc Sở Du lịch TP.HCM, hiện nay, ngành du lịch thành phố có hai khó khăn chính là thiếu các cơ chế chính sách và nguồn nhân lực. Đây là những nội dung được xác định trọng tâm để tháo gỡ và tiếp tục tham mưu, đề xuất các cơ chế chính sách mới như huy động tài chính tái đầu tư cho các điểm du lịch xuống cấp; khuyến khích hỗ trợ người dân doanh nghiệp phát triển các sản phẩm; chính sách về đào tạo nguồn nhân lực.