Xu hướng chuyển đổi từ nhập khẩu sang lắp ráp trong nước
Cách đây 10 năm, thị phần ô tô tại Việt Nam chủ yếu thuộc về Toyota, Honda và các hãng xe hợp tác với THACO, bao gồm KIA, Mazda, Peugeot, BMW và MINI. Năm 2015, Toyota Vios lần đầu tiên đạt tổng doanh số trên 10.000 xe, trở thành mẫu xe “quốc dân” và góp phần đưa thị trường Việt Nam ổn định ở vị trí thứ 4 khu vực Đông Nam Á. Đây cũng là dấu mốc để Việt Nam đặt mục tiêu sớm trở thành thị trường ô tô mới nổi trong khu vực. Tuy nhiên, do dung lượng thị trường và tỷ lệ nội địa hóa vẫn ở mức thấp nên nhiều hãng xe lớn vẫn chủ yếu thiết lập hệ thống đại lý phân phối rồi nhập xe về bán, chưa “mặn mà” với việc đầu tư xây dựng nhà máy tại Việt Nam.
Giai đoạn 2018-2022, nhờ hưởng lợi từ các chính sách hỗ trợ của Chính phủ, đặc biệt là thuế suất thuế nhập khẩu 0% từ các quốc gia Đông Nam Á, chủ yếu từ Thái Lan, Indonesia (theo Hiệp định ATIGA), thị trường ô tô Việt Nam có một bước chuyển mình rõ nét.
Năm 2018, TC MOTOR thuộc Tập đoàn Thành Công xếp thứ 1 trên bảng xếp hạng Fast 500 của Việt Nam. Doanh nghiệp này bắt đầu giành lại thị phần từ tay Toyota, Honda và THACO. Trong đó, các mẫu xe chủ lực như Hyundai Grand i10, Hyundai Accent nhanh chóng dành được sự quan tâm, lựa chọn của người tiêu dùng và thường xuyên xuất hiện trong top 10 xe bán chạy nhất của tháng.
Cũng trong giai đoạn này, sự xuất hiện của VinFast đã góp phần định hình lại “luật chơi” khi lần đầu tiên có một hãng xe nội địa có thể cạnh tranh sòng phẳng với các thương hiệu xe ngoại đã có bề dày lịch sử hàng chục năm tại Việt Nam. Trong đó, VinFast Fadil nhanh chóng dẫn đầu phân khúc sedan hạng A (năm 2020) và sau đó là top 1 ô tô bán chạy nhất của năm (năm 2021).
Thành công của VinFast đã cho thấy người Việt hoàn toàn có khả năng sản xuất ô tô và thậm chí có thể làm rất tốt. Đây cũng là một trong những động lực để các hãng xe có mặt tại Việt Nam quyết định điều chỉnh chiến lược theo hướng ưu tiên chuyển đổi những phân khúc xe, mẫu xe ăn khách từ nhập khẩu sang sản xuất, lắp ráp trong nước để gia tăng khả năng cạnh tranh.
Trong vài năm trở lại đây, THACO đã bắt đầu điều chỉnh chiến lược kinh doanh. Theo đó, một số mẫu xe có mức tiêu thụ khá tốt đã được chuyển đổi từ nhập khẩu sang sản xuất, lắp ráp trong nước, bao gồm: BMW X3, X5, 3-Series và 5-Series; KIA Rondo, Sedona, Sorento, Moring, Cerato... Toyota cũng dừng nhập khẩu để chuyển sang sản xuất, lắp ráp trong nước các mẫu Fortuner, Veloz Cross, Avanza Premio. Riêng Toyota Camry là trường hợp ngoại lệ khi không còn nằm trong danh mục sản xuất của Toyota Việt Nam mà sẽ nhập khẩu từ Thái Lan.
Đối với một số hãng xe mới gia nhập thị trường Việt Nam như Wuling, OMODA & JAECOO cũng đã ký kết hợp tác với doanh nghiệp Việt để xây dựng nhà máy sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước. Thậm chí, “gã khổng lồ” BYD cũng đã có kế hoạch xây dựng nhà máy tại khu công nghiệp Phú Hà, tỉnh Phú Thọ kể từ năm 2024.
Điều này cho thấy, tiềm năng của thị trường ô tô Việt Nam là rất lớn. Nhiều hãng xe tên tuổi trên thế giới coi đây là thị trường quan trọng tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Việc xây dựng nhà máy tại Việt Nam là minh chứng cho cam kết gắn bó lâu dài và kỳ vọng lớn vào thị trường Việt Nam trong những năm tiếp theo.
Sự thay đổi trong thị hiếu của người tiêu dùng
Những năm gần đây, ô tô, từ một sản phẩm xa xỉ, vốn chỉ dành cho giới doanh nhân, gia đình khá giả, nay đã gần hơn với hầu bao của người tiêu dùng. Người tự kinh doanh, thậm chí nhân viên văn phòng cũng có thể bắt đầu kế hoạch mua xe của riêng mình nhờ có thêm nhiều lựa chọn về dòng xe và giá cả.
Trong đó, các mẫu xe đô thị cỡ nhỏ thuộc dòng sedan và crossover/SUV ngày càng được ưa chuộng nhờ giá cả hợp lý, thiết kế nhỏ gọn, hiện đại, trẻ trung, phù hợp với nhu cầu của người tiêu dùng. Các mẫu xe giá rẻ thuộc phân khúc hạng A như Kia Morning, Hyundai Grand i10 dần trở thành lựa chọn của nhiều hãng taxi và tài xế chạy xe công nghệ. Đối với phân khúc cao cấp, nhóm khách hàng truyền thống cũng được chăm sóc kỹ lưỡng hơn nhờ thay đổi trong chính sách bán hàng từ phía các hãng xe sang như Mercedes-Benz, Lexus, BMW...
Điều này cũng hoàn toàn phù hợp với định hướng của Chính phủ tại Quyết định 1168/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035. Theo đó, đối với xe chở người đến 9 chỗ ngồi, Chính phủ ưu tiên các dòng xe cá nhân kích thước nhỏ, tiêu thụ ít năng lượng phù hợp với hạ tầng giao thông và thu nhập của người dân. Hiện tại, mức thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ô tô được tính theo dung tích xi lanh. Trong đó, xe có dung tích xi lanh từ 1.500 cm3 trở xuống có mức thuế suất thấp nhất là 40%.
Bên cạnh đó, xu hướng điện khí hóa cũng bắt đầu nổi lên kể từ cuối năm 2022, khi VinFast thông báo chuyển đổi hoàn toàn từ xe dùng động cơ đốt trong sang xe “thuần” điện. Từ mẫu xe đầu tiên là VF e34, ra mắt tháng 10/2021, đến nay, VinFast đã sở hữu 6 mẫu xe điện trải dài từ phân khúc hạng A đến hạng E, bao gồm: VF e34, VF 8, VF 9, VF 5 Plus, VF 6 và VF 7. Ngoài ra, một mẫu xe điện mini giá rẻ là VF 3 cũng đã ra mắt bản concept, dự kiến chính thức bàn giao tới khách hàng kể từ năm 2024. So với các mẫu xe chạy xăng cùng phân khúc, xe điện VinFast (đã bao gồm pin) chỉ có giá cao hơn khoảng trên dưới 100 triệu đồng; còn nếu so với các mẫu xe điện nhập khẩu đang có mặt tại thị trường thì rẻ hơn từ 15% đến 40%. Sở dĩ xe điện VinFast có mức giá cạnh tranh là nhờ đã sở hữu công nghệ lõi về cell pin, được sản xuất trong nước, trong khi đó nhiều hãng xe khác phải nhập khẩu linh kiện từ nước ngoài.
Cũng trong năm 2023, hàng loạt thương hiệu xe Trung Quốc bắt đầu du nhập thị trường Việt, bao gồm OMODA & JAECOO (thuộc tập đoàn Chery), Haval, Haima, QingLing Taga, Lynk & Co... Trong đó, nhiều mẫu xe xăng được “đính kèm” phiên bản động cơ điện, thậm chí có cả mẫu xe điện riêng biệt để sẵn sàng đón đầu xu thế điện khí hóa tại Việt Nam.
Đối với người tiêu dùng Việt, có 3 yếu tố tác động đến quyết định chuyển đổi từ xe động cơ đốt trong sang xe điện, bao gồm: vấn đề trạm sạc, quãng đường di chuyển tối đa sau mỗi lần sạc đầy và giá cả phải chăng.
Cần những “cú hích”
Nhiều chuyên gia nhận định, thị trường ô tô có quan hệ cộng sinh với thị trường chứng khoán và thị trường bất động sản. Khi thị trường chứng khoán ở xu hướng up-trend, bất động sản “nóng” lên sẽ xuất hiện một lớp nhà đầu tư giàu có mới nổi, và để tự thưởng cho một năm đầu tư thành công thì những căn nhà, ô tô hạng sang là không thể thiếu. Đồng thời, khi đã đặt bút ký hợp đồng mua nhà, mua xe, dù là mua đứt hay trả góp thì người sở hữu cũng càng có thêm động lực để đầu tư kiếm tiền.
Tuy nhiên, khi chứng khoán trồi sụt, bất động sản trầm lắng thì thị trường ô tô cũng bị ảnh hưởng không nhỏ. Thay vì chọn mua những mẫu xe hạng sang, đa số người tiêu dùng có xu hướng chọn lựa những mẫu xe phù hợp với nhu cầu của bản thân và gia đình, thuộc phân khúc hạng A, hạng B và hạng C với mức giá phổ biến từ 600-900 triệu đồng.
Nhiều ý kiến cho rằng, thị trường ô tô Việt Nam đã đạt được hai yếu tố, đó là “thiên thời”, “địa lợi”. Yếu tố cuối cùng cần có đó là “nhân hòa”, cụ thể hơn là niềm tin vào thị trường.
Niềm tin của người tiêu dùng để mua ô tô, đó là khi nền kinh tế chung dần phục hồi, nhu cầu tiêu dùng quay trở lại, thị trường chứng khoán, bất động sản khởi sắc và lãi suất cho vay giảm. Nhiều chỉ báo kinh tế đã cho thấy những yếu tố này đang được cải thiện từng ngày và thị trường ô tô Việt Nam sẽ khởi sắc trở lại kể từ nửa cuối năm 2024.
Niềm tin của nhà sản xuất, nhà đầu tư, đó là khi kinh tế thế giới dần ổn định trở lại, giải quyết được vấn đề gián đoạn nguồn cung. Đặc biệt, doanh nghiệp nội địa và các nhà sản xuất ô tô nước ngoài mong đợi những chính sách hỗ trợ phù hợp hơn từ Chính phủ và các Bộ, ngành để doanh nghiệp yên tâm đầu tư, mở rộng sản xuất và cạnh tranh công bằng tại thị trường Việt Nam.