Ngày 25/7, tại Đại học Tôn Đức Thắng, đã diễn ra workshop chuyên đề: “Chuyển đổi số trong lĩnh vực tài chính ngân hàng: Cơ hội và thách thức” do Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo Kinh tế Ứng dụng (Đại học Tôn Đức Thắng), Viện Phát triển Kinh tế số Việt Nam và khoa Tài chính Ngân hàng (Đại học Tôn Đức Thắng) đồng tổ chức.
Phát biểu khai mạc tại workshop, TS. Nghiêm Quý Hào, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo Kinh tế Ứng dụng, cho rằng chuyển đổi số là một quá trình khách quan, dù muốn hay không thì quá trình này vẫn đã và đang diễn ra. Bàn về chủ đề chuyển đổi số, đã có nhiều hội thảo quốc tế, trong nước đã và đang tiếp tục được tổ chức.
“Trong bối cảnh này, khi mà tiến trình chuyển đổi số ở Việt Nam được giới chuyên gia, cơ quan quản lý khẳng định đang bước vào giai đoạn tạo ra những kết quả thực, giá trị thiết thực cho nền kinh tế xã hội. Workshop là dịp để các chuyên gia, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp, giảng viên, sinh viên... trong lĩnh vực kinh tế tài chính ngân hàng có cơ hội thảo luận về những cơ hội, thách thức, xu thế, giải pháp và hành động cần thiết xung quanh thực tiễn chuyển đổi số hiện nay ở Việt Nam”, TS. Hào cho hay.
Theo TS. Nghiêm Quý Hào, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 và xã hội 5.0 đã và đang bùng nổ với tốc độ chóng mặt, định hình lại cách chúng ta sống, làm việc và tương tác với nhau. Từ những tiến bộ trong trí tuệ nhân tạo (AI), tự động hóa, Internet vạn vật (IoT), học máy (ML), dữ liệu lớn (Big Data)… chúng ta đang chứng kiến sự thay đổi to lớn về cách thức vận hành và quản lý doanh nghiệp, quản lý tài chính, dịch vụ ngân hàng được cung cấp… Điều này đặt ra những thách thức mới cho ngành tài chính ngân hàng nhưng đồng thời cũng mở ra vô vàn cơ hội tận dụng sức mạnh công nghệ số để phát triển.
Mở đầu tọa đàm, TS. Trần Quý, Viện trưởng Viện Phát triển Kinh tế Số Việt Nam (thuộc Hội Truyền thông Số Việt Nam) cho rằng, kinh tế số đang trở thành một trong những yếu tố quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế toàn cầu và Việt Nam không phải là ngoại lệ. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn đối mặt với nhiều thách thức và khó khăn trong việc phát triển kinh tế số, đặc biệt là hạ tầng mạng còn hạn chế ở các vùng nông thôn và miền núi, gây hạn chế việc tiếp cận và sử dụng công nghệ số của người dân và doanh nghiệp.
Tham luận “Kinh tế số tại Việt Nam – từ chính sách đến thực thi”, của TS. Trần Quý đã truyền tải nhiều thông tin giá trị về định hướng phát triển kinh tế số của Việt Nam giai đoạn 2025-2030 với nhiều mục tiêu quan trọng được đề ra, đặc biệt là trong lĩnh vực tài chính ngân hàng.
Với bài tham luận “Chuyển đổi số trong lĩnh vực ngân hàng”, ông Vũ Hoàng Liên, Chủ tịch Hiệp hội Internet Việt Nam đã phân tích các quan điểm và tầm quan trọng của chuyển đổi số; Phân tích các yếu tố đặc thù của ngành tài chính ngân hàng và các yếu tố cạnh tranh cũng như giải quyết các bài toán về chuyển đổi số ngành tài chính ngân hàng.
Đại diện cho lĩnh vực tài chính số, ông Nguyễn Bá Diệp, Đồng sáng lập kiêm Phó Chủ tịch MoMo, một “kỳ lân” trong lĩnh vực tài chính số, chia sẻ quá trình MoMo gia nhập thị trường tài chính số với nhiều khó khăn và cách MoMo vượt qua nhờ vào quá trình chuyển mình, cung cấp các dịch vụ tiến tiến, phù hợp với nhu cầu thị trường.
Bên cạnh đó, TS. Phùng Quang Hưng, Khoa Tài chính Ngân hàng (Đại học Tôn Đức Thắng) đại diện cho khối đào tạo, đã chia sẻ một bức tranh toàn cảnh về chuyển đổi số, những góc nhìn, định hướng phát triển trong tương lai của ngành tài chính ngân hàng tại một số nước và Việt Nam; Vai trò của việc đào tạo nguồn nhân lực phục vụ chuyển đổi số trong lĩnh vực này.
Đại diện cho khối ngân hàng, bà Lê Thị Minh Ngọc, Phó Giám đốc Khối Khách hàng cá nhân (ngân hàng Eximbank) đã chia sẻ quá trình chuyển đổi số tại ngân hàng Eximbank. Trong đó, yếu tố nâng cao trai nghiệm và chăm sóc khách hàng nhằm gia tăng sự tiện lợi của khách hàng được đặt lên hàng đầu.
Ban Tổ chức cho biết, workshop đã thu hút được gần 30 bài viết, tham luận có giá trị về chuyển đổi số, kiến thức và những chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn từ các chuyên gia lĩnh vực tài chính ngân hàng, công nghệ, fintech... Workshop diễn ra vào thời điểm mà cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 bùng nổ, đồng thời xã hội 5.0 đang tiềm ẩn vô vàn cơ hội và thách thức đối với nền kinh tế toàn cầu. Điều này đòi hỏi ngành tài chính ngân hàng phải thích ứng, tận dụng triệt để sức mạnh của công nghệ số, hướng đến phát triển bền vững.
Thời gian qua, hoạt động chuyển đổi số trong hoạt động ngân hàng đã đạt được kết quả tích cực. Theo công bố của Bộ Thông tin truyền thông, năm 2021, Ngân hàng Nhà nước được xếp hạng nhất về an toàn thông tin mạng, thứ 2 về kiến tạo thể chế và thứ 4 về hoạt động chuyển đổi số. Có 95% tổ chức tín dụng đã và đang xây dựng, triển khai Chiến lược chuyển đổi số tại đơn vị mình. Nhiều tổ chức tín dụng chuyển đổi số ở tốp đầu hiện đã đạt 90% giao dịch khách hàng thực hiện trên kênh số. Năm 2022, tăng trưởng thanh toán qua kênh mobile tăng 139,3% về số lượng và 106,5% về giá trị; qua phương thức QR code tăng 225,4% về số lượng và 243,9% về giá trị; 74,63% người Việt Nam trưởng thành có tài khoản thanh toán tại ngân hàng trong đó 18,6 triệu thẻ ngân hàng và 11,9 triệu tài khoản thanh toán được mở bằng phương tiện điện tử (eKYC) đang hoạt động…