Bên cạnh New Zealand (thu 35 USD phí du lịch) và gần đây hơn nữa là quần đảo Faroe thuộc Đan Mạch, giờ đây có ngày càng nhiều điểm đến đánh thuế cao ngay từ đầu để hạn chế lượng du khách, rồi dùng thuế du lịch ấy để tài trợ cho các dự án cơ sở hạ tầng, hay bảo tồn môi trường, di sản văn hóa. Có thể nói, phí phát triển bền vững là một trong những công cụ giúp cho điểm đến bớt bị xuống cấp trước lượng khách tham quan quá đông.
THUẾ DU LỊCH DẦN PHỔ BIẾN Ở CHÂU Á
Tờ Jakarta Post dẫn dữ liệu của chính quyền tỉnh Bali cho biết, từ năm 2024, khách du lịch quốc tế tới Bali sẽ phải nộp khoản thuế Rp 150.000 (10 USD) mỗi người. Đây là khoản thuế chỉ phải nộp một lần trong suốt thời gian du lịch tại Bali và sẽ thanh toán theo hình thức điện tử. Theo chính quyền Bali, số tiền thu được từ khoản thuế này sẽ được sử dụng cho các chương trình quản lý chất thải và bảo tồn văn hóa địa phương.
Cơ quan chức năng địa phương tin rằng quy định mới này sẽ không làm giảm số lượng khách du lịch đến với Bali, vì nguồn thu sẽ phục vụ cho môi trường, văn hóa và cải thiện cơ sở hạ tầng để việc du lịch đến Bali sẽ thuận tiện và an toàn hơn. Quyền Thống đốc Bali Mahendra Jaya cho biết hai chương trình này được đưa ra vì hoạt động du lịch lâu nay ở Bali đã khiến rác thải chất đống trên hòn đảo. Nếu không xử lý tốt, số rác thải này sẽ gây mất vệ sinh và hủy hoại môi trường, gây bất tiện cho khách du lịch đến thăm Bali. Tới cuối năm, Bali dự kiến đón được 5,5 triệu khách du lịch nước ngoài.
Tương tự, tại Nhật Bản, bắt đầu từ tháng 10, thành phố Hatsukaichi thuộc tỉnh Hiroshima sẽ áp thuế đối với du khách đến đảo Miyajima, nơi có Di sản thế giới Đền Itsukushima. Các hòn đảo khác thu hút lượng lớn khách du lịch, như Taketomi ở tỉnh Okinawa và Sado ở tỉnh Niigata, cũng đang dự tính áp dụng loại thuế như vậy. Những khoản thuế này nhằm mục đích đảm bảo kinh phí để quản lý lượng khách du lịch khổng lồ đồng thời bảo vệ nền văn hóa và thiên nhiên quý giá của quần đảo.
Năm 2019, đảo Miyajima, với dân số 1.400 người, đã đón lượng du khách kỷ lục 4,65 triệu người. Việc chính phủ quốc gia cấp thuế phân bổ địa phương thường xuyên không tương quan đến số lượng du khách, dẫn đến nhu cầu cấp thiết phải đảm bảo nguồn thu bổ sung để trang trải các khoản chi tiêu ngày càng tăng cho các biện pháp quản lý du lịch. Trong một cuộc khảo sát khách du lịch do thành phố thực hiện vào tháng 9/2020, 93% số người được hỏi ủng hộ việc áp dụng thuế đối với du khách. Thành phố dự đoán loại thuế mới sẽ mang lại 140 triệu yên trong năm tài chính 2023, kéo dài đến tháng 4 tới.
Gần đây, núi Phú Sĩ của Nhật Bản cũng đã bị ô nhiễm nặng và các vấn đề khác do hàng triệu du khách đổ tới mỗi năm cùng nhiều phương tiện phục vụ du khách như xe buýt, xe tải chở hàng… Để bảo vệ địa danh này, Nhật Bản sẽ phải giảm thiểu tác hại đến môi trường do du khách gây ra, giảm lưu lượng xe cá nhân, giảm bớt các lối mòn vào chân núi, áp dụng các biện pháp kiểm soát đám đông nếu đường leo núi quá tải.
Chính quyền 2 tỉnh Shizuoka và Yamanashi, nơi ngọn núi nổi tiếng vắt ngang đang thúc đẩy ý tưởng xây dựng hệ thống xe điện và đánh thuế du khách. Một số cư dân và du khách chia sẻ họ ủng hộ việc thu thuế du lịch đối với du khách như một cách để cải thiện tình hình.
Tại đảo Jeju (Hàn Quốc), vào tháng 4, chính quyền địa phương cũng cho biết đang có kế hoạch áp thuế du lịch để hỗ trợ các nỗ lực bảo tồn môi trường. Khách du lịch có thể sớm phải trả thuế du lịch sinh thái khoảng 8.170 won (6,45 USD) mỗi ngày để vào đảo Jeju của Hàn Quốc. Trên trang The Strait Times, một khách du lịch người Singapore cho rằng mức phí là hợp lý và bà sẽ tiếp tục lên kế hoạch cho chuyến thăm Jeju, nơi được mệnh danh là "Hawaii của châu Á" vào năm 2024.
CÂN NHẮC ĐỂ KHÔNG ẢNH HƯỞNG ĐẾN DU LỊCH
Zhang Jiajie, Trợ lý giáo sư về địa lý con người tại Đại học Công nghệ Nanyang của Singapore cho biết thuế du lịch sinh thái có thể tạo ra "hai cú hích cùng một lúc" nếu được thực hiện đúng cách. Khoản thuế không chỉ hạn chế tình trạng suy thoái môi trường do du lịch quá mức gây ra mà còn tài trợ cho các sáng kiến bảo tồn môi trường bằng số tiền thu được.
Ông Noreen Breakey, Giảng viên trường kinh doanh tại Đại học Queensland khẳng định giá trị chính của thuế du lịch sinh thái là khách du lịch thường không phải trả toàn bộ chi phí cho việc sử dụng và tác động của chúng. "Bản thân thuế được sử dụng để nhắc nhở du khách rằng bất kỳ chuyến ghé thăm nào cũng có tác động tích cực đến môi trường", Christopher Khoo, Giám đốc điều hành công ty tư vấn du lịch MasterConsult Services cho biết.
Tuy nhiên, thuế du lịch sinh thái có thể hạn chế số lượng khách du lịch đến các nước và dẫn đến tổn thất doanh thu cho các doanh nghiệp phụ thuộc vào du lịch. Theo Hội đồng Du lịch & Lữ hành Thế giới (WTTC), vào năm 2022, ngành Du lịch & Lữ hành đã đóng góp 7,6% vào tổng sản phẩm quốc nội (GDP) toàn cầu. Du lịch cũng là nguồn tạo việc làm chính do tính chất sử dụng nhiều lao động và tác động cấp số nhân lên thị trường việc làm trong các lĩnh vực liên quan.
Một ví dụ điển hình là chính sách thuế du lịch tại Bhutan. Sau đại dịch, vương quốc Phật giáo này bắt đầu tiến hành thu một loại thuế có tên là ''Phí phát triển bền vững'' (Sustainable Development Fee - SDF), lên tới 200 USD mỗi ngày. Tuy nhiên, theo tờ Nikkei Asia, từ tháng 9 vừa qua, chính quyền Bhutan đã buộc phải giảm một nửa phí du lịch hầu thúc đẩy phục hồi ngành du lịch sau đại dịch. Việc giảm phí du lịch từ 200 xuống còn 100 đô la có hiệu lực trong vòng 4 năm, kể từ đầu tháng 09/2023 đến cuối tháng 08/2027.
Theo báo Nikkei Asia, ngoại trừ các nước láng giềng như Ấn Độ hay Nepal, du khách phương xa kể từ nay nộp 100 đô la mỗi ngày, dưới dạng phí phát triển bền vững (SDF). Trẻ em từ 6 đến 12 tuổi được giảm thêm 50% mức thuế, tức 50 đô la /ngày… Có thể thấy, sau gần một năm áp dụng, rõ ràng là chiến lược này đã không đem lại kết quả mong đợi. Đà phục hồi ngành du lịch tại Bhutan hậu Covid vốn đã chậm chạp, phí quá cao nhắm vào du khách nước ngoài càng gây thêm khó khăn. Trong 8 tháng đầu năm 2023, Bhutan chỉ thu hút được khoảng 56.000 lượt du khách. Trong đó có đến hai phần ba đến từ nước Ấn Độ láng giềng.
Dù vậy, các chuyện gia cho rằng thuế du lịch sinh thái đóng vai trò quan trọng ở châu Á hậu đại dịch Covid-19. Bởi bản chất của du lịch cũng sẽ có một số tác động đến môi trường dù ít hay nhiều. Ngay cả trước đại dịch, thế giới đã phải vật lộn với tình trạng khủng hoảng môi trường. Khi đại dịch đã qua đi, nhu cầu du lịch đang phục hồi. Đồng bộ với lượng khách du lịch ngày càng tăng, ngày càng nhiều thành phố hoặc các hòn đảo xa xôi sẽ phải cân nhắc đến việc áp dụng các loại thuế không bắt buộc mới, bao gồm cả thuế vào cửa.