Thị trường chứng khoán Mỹ giảm điểm trong phiên giao dịch ngày thứ Sáu (30/7), trượt sâu hơn khỏi mức kỷ lục mọi thời đại thiết lập vào đầu tuần, do kết quả kinh doanh gây thất vọng của “gã khổng lồ” thương mại điện tử Amazon. Tuy nhiên, cả ba chỉ số chính cùng đi lên trong tháng 7, trong đó S&P 500 hoàn tất tháng tăng thứ 5 liên tiếp.
Giá dầu thô cũng tăng trong tuần này và tăng trong tháng 7.
Cổ phiếu Amazon bị bán tháo dù hãng công bố doanh thu quý 2 đạt 113 tỷ USD, thấp hơn 2 tỷ USD so với dự báo trước đó của giới phân tích. Lợi nhuận kỷ lục của Amazon cũng không thể khiến thị trường hài lòng, vì hãng dự báo rằng tăng trưởng doanh thu sẽ giảm tốc trong vài quý tới đây, khi người tiêu dùng ra ngoài nhiều hơn và giảm mua sắm online.
Đóng cửa với mức giảm 7,6%, cổ phiếu Amazon kéo tụt chỉ số Nasdaq, đồng thời thúc đẩy hoạt động chốt lời đối với nhiều cổ phiếu khác. Kết quả, Nasdaq chốt phiên giảm 0,7%; S&P 500 trượt 0,5%, và Dow Jones mất 0,4% điểm số.
Vào hôm thứ Hai, cả ba chỉ số cùng đóng cửa ở mức kỷ lục nhờ loạt báo cáo kết quả kinh doanh quý 2 tốt hơn kỳ vọng. Sau đó, thị trường giằng co trong những phiên còn lại của tuần, khi nhà đầu tư cho rằng mức tăng trưởng lợi nhuận cao của các công ty đã phản ánh hết vào giá cổ phiếu và bắt đầu có những lo ngại về tốc độ lây lan nhanh chóng của biến chủng Covid-19 Delta ở Mỹ.
“Báo cáo không đạt kỳ vọng của Amazon đã ngay lập tức có ảnh hưởng đến thị trường”, nhà đồng sáng lập Paul Hickey của Bespoke Investments Group nhận định. “Những điều đó không có nghĩa rằng Amazon là một cổ phiếu tồi”, vì đã tăng 17% trong vòng 1 năm qua.
Dù sao, lời cảnh báo của Amazon về tăng trưởng giảm tốc cũng mang đến cho nhà đầu tư một lý do để hiện thực hoá lợi nhuận.
Số liệu kinh tế đáng chú ý nhất công bố trong ngày thứ Sáu là chỉ số tiêu dùng cá nhân (PCE), một thước đo lạm phát được Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) ưa chuộng. PCE lõi tăng 3,5% trong tháng 6 so với cùng kỳ năm ngoái, tiếp tục vượt xa mục tiêu lạm phát 2% của Fed, nhưng thấp hơn dự báo 3,6% của thị trường.
Dữ liệu này củng cố quan điểm của Fed rằng lạm phát chỉ là vấn đề tạm thời, theo đó giúp nhà đầu tư vững tin rằng Fed sẽ không sớm thắt chặt chính sách tiền tệ.
Những số liệu kinh tế Mỹ gần đây cũng cho thấy đà tăng trưởng có dấu hiệu suy giảm. Số liệu do Bộ Thương mại Mỹ công bố hôm thứ Tư cho thấy nền kinh tế tăng 6,5% trong quý 2, không đạt dự báo 8,5%. Ngoài ra, theo báo cáo của Bộ Lao động Mỹ, số đơn xin trợ cấp thất nghiệp hàng tuần tăng nhiều hơn dự báo.
Hôm thứ Tư, Chủ tịch Fed Jerome Powell nói rằng nền kinh tế Mỹ còn một chặng đường dài phải đi trước khi Fed có thể bắt đầu điều chỉnh chính sách tiền tệ.
Tuần này, Dow Jones và S&P 500 giảm 0,4% mỗi chỉ số; Nasdaq trượt 1,1%.
Trong tháng 7, Nasdaq và Dow Jones tăng tương ứng 1,2% và 1,3%. S&P 500 tăng mạnh hơn, với mức tăng đạt 2,3% và có chuỗi 5 tháng tăng liên tiếp.
Trên thị trường năng lượng, giá dầu thô WTI và Brent cùng tăng hơn 2% trong tuần này, khi giới đầu tư tiếp tục đặt cược rằng nhu cầu tiêu thụ dầu toàn cầu sẽ tăng trưởng nhanh hơn nguồn cung.
Lúc đóng cửa phiên ngày thứ Sáu, giá dầu WTI giao sau tại New York tăng 0,18%, đạt 73,75 USD/thùng. Gía dầu Brent tăng 0,37%, đạt 76,33 USD/thùng.
Tính cả tháng 7, giá dầu Brent tăng 1,6%, hoàn tất tháng tăng thứ tư liên tục. Trong khi đó, giá dầu WTI gần như đi ngang trong tháng.