Công ty Cổ phần Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (mã HBC-HOSE) vừa có băn bản giải trình biện pháp khắc phục tình trạng chứng khoán bị kiểm soát và hạn chế giao dịch; giải trình biện pháp và lộ trình khắc phục nguyên nhân dẫn đến tình trạng chứng khoán bị cảnh báo.
Được biết, ngày 10/05/2023, HBC nhận được quyết định của HOSE về việc chuyển cổ phiếu của Công ty từ diện cảnh báo sang diện kiểm soát do chậm nộp Báo cáo tài chính năm 2022 đã được kiểm toán quá 30 ngày so với thời hạn quy định.
Tiếp đến ngày 18/05/2023, HBC nhận được quyết định của HOSE về việc đưa cổ phiếu của công ty từ diện kiểm soát lên diện hạn chế giao dịch do chậm nộp Báo cáo tài chính năm 2022 đã được kiểm toán quá 45 ngày so với thời hạn quy định. Căn cứ khoản 3 Điều 38 Quy chế Niêm yết và Giao dịch Chứng khoán niêm yết ban hành theo Quyết định số 17/QĐ-HĐTV ngày 31/3/2022 của Hội đồng Thành viên Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam.
Qua đó, HBC có văn bản giải trình về việc khắc phục tình trạng chứng khoán bị kiểm soát và hạn chế giao dịch như sau:
Trong thời gian vừa qua, Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình đã phối hợp chặt chẽ với đơn vị kiểm toán để hoàn thành và công bố Báo cáo Tài chính kiểm toán năm 2022 vào ngày 30/6/2023. Trong thời gian tới, Tập đoàn Hòa Bình sẽ nghiêm chỉnh chấp hành quy định về công bố thông tin theo đúng thời hạn.
Tuy nhiên ngày 10/7/2023, HBC nhận được quyết định của HOSE về việc đưa cổ phiếu vào diện cảnh báo kể từ ngày 13/7/2023 do lợi nhuận sau thuế chưa phân phối tại ngày 31/12/2022 trên Báo cáo tài chính kiểm toán hợp nhất năm 2022 là số âm. Căn cứ khoản 3 Điều 37 và điểm d khoản 1 Điều 40 Quy chế Niêm yết và Giao dịch Chứng khoán niêm yết ban hành theo Quyết định số 17/QĐ-HĐTV ngày 31/3/2022 của Hội đồng Thành viên Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam.
Về vấn đề này, HBC giải trình về việc khắc phục tình trạng chứng khoán bị cảnh báo như sau: HBC đang thực hiện Tái cấu trúc toàn diện Tập đoàn để cải thiện hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh gồm:
Một là, kế hoạch tái cấu trúc sản phẩm và thị trường gồm: tối ưu chiến lược đấu thầu; Ưu tiên lựa chọn chủ đầu tư uy tín và có năng lực về tài chính; Mở rộng mảng công nghiệp; phát triển thị trường nước ngoài; tập trung vào các dự án nhà ở xã hội và mở rộng các dự án hạ tầng và đầu tư công; Hợp tác đầu tư. Theo HBC, với kế hoạch cấu trúc sản phẩm, dịch vụ xây dựng phù hợp với bước chuyển mình của nền kinh tế nước nhà trong giai đoạn hiện nay, HBC tự tin với doanh thu hợp nhất dự kiến năm 2023 đạt 12.500 tỷ đồng và tăng trưởng trung bình 15%/năm cho các năm tiếp theo.
Hai là, kế hoạch Tái cấu trúc tài chính gồm: Phát hành thêm 274 triệu cổ phiếu tưong đương số tiền dự kiến 3.288 tỷ đồng - trong đó, phát hành cổ phiếu cho nhà thầu phụ và nhà cung cấp: 1.050 tỷ đồng và phát hành cổ phiếu cho cổ đông chiến lược: 2.238 tỷ đồng
Đồng thời, chuyển nhượng Công ty con Matec và một phần thiết bị đã khấu hao thu về 1.185 tỷ đồng bổ sung vào vốn lưu động của Tập đoàn.
Ngoài ra, HBC định giá lại tài sản gồm: định giá lại máy móc thiết bị và bất động sản để tăng hạn mức tín dụng, bổ sung vốn kinh doanh.
Đáng chý ý: HBC sẽ quyết liệt quản trị khoản phải thu gồm: Khoản phải thu khách hàng kéo dài: 2.742 tỷ; dự kiến thu về trong năm 2023: 995 tỷ, hoàn nhập 257 tỷ và dự kiến thu về trong năm 2024: 1.250 tỷ, hoàn nhập 558 tỷ; dự kiến thu về trong năm 2025: 497 tỷ, hoàn nhập 243 tỷ.
- Khoản phải thu khách hàng là 3.848 tỷ - trong đó, đẩy nhanh tốc độ thu tiền; đàm phán cấn trừ công nợ - trong trường họp chủ đầu tư gặp khó khăn về mặt tài chính.
- Khoản phải thu theo tiến độ là 3.665 tỷ - trong đó, đẩy nhanh công tác hồ sơ các khoản thanh toán sản lượng hàng kỳ để giảm khoản phải thu theo tiến độ xuống. Ngoài ra, thương lượng thêm các điều khoản thanh toán.
Về cơ cấu các khoản vay: HBC sẽ cấu trúc lại các khoản vay ngắn hạn tại ngân hàng theo TT02/2023; Giảm tỷ lệ vay trên vốn chủ sở hữu, đưa về tỷ lệ an toàn; Chuyển đổi vay ngắn hạn sang trung hạn; Ưu tiên vay dài hạn (Phát hành trái phiếu chuyển đổi).
Trong đó, với kế hoạch tái cấu trúc tài chính, vốn lưu động trong năm 2023 sẽ được cải thiện mạnh mẽ; giảm áp lực phải trả nợ vay, nhà cung cấp trong ngắn hạn; thu tiền khó đòi khách hàng sẽ gặt hái được thành quả sau thời gian dài đấu tranh pháp lý và thắng kiện; dòng tiền các dự án được theo dõi riêng biệt và kiểm soát chặt chẽ đảm bảo tiến độ hoàn thành và bàn giao cho khách hàng giúp duy trì khả năng hoạt động liên tục cho Tập đoàn.
Ngoài ra, việc bán tài sản đã hết khấu hao đồng nghĩa với việc sẽ ghi nhận 100% doanh thu bán tài sản vào lợi nhuận, góp phần tăng lợi nhuận 2023. Bên cạnh đó, Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình cũng sẽ được ghi nhận thêm lợi nhuận tương ứng với số tiền hoàn nhập dự phòng nhờ thu được nợ khó đòi trong năm 2023 và các năm tiếp theo.
Với chiến lược tái cấu trúc Tập đoàn đã đề ra cùng nỗ lực và quyết tâm của toàn bộ đội ngũ quản lý và cán bộ - công nhân viên, Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình sẽ hoàn thành mục tiêu doanh thu trong năm 2023, cải thiện kết quả kinh doanh và duy trì tăng trưởng trong các năm tiếp theo.
Theo báo cáo tài chính quý 2/2023 của Tập đoàn Hòa Bình doanh thu thuần quý 2/2023 đạt 2.297 tỷ đồng, giảm 45% so với cùng kỳ (4.140 tỷ đồng) và lãi trước thuế tăng vọt từ gần 68 tỷ lên 585 tỷ đồng, tương ứng tăng hơn 516 tỷ đồng.
HBC cho biết, nguyên nhân đến từ việc doanh thu tài chính giảm và chi phí quản lý bán hàng tăng mạnh do trích lập dự phòng phải thu khó đòi 317 tỷ đồng và có lãi nhờ có 673 tỷ đồng lợi nhuận khác.
Luỹ kế 6 tháng đầu năm 2023, HBC ghi nhận doanh thu đạt 3.492 tỷ đồng, giảm 51% so với cùng kỳ (7.127 tỷ), lợi nhuận trước thuế đạt 142 tỷ và lãi sau thuế đạt gần 102 tỷ đồng, tăng gấn đôi so với cùng kỳ (gần 56 tỷ), bằng 82% kế hoạch năm (125 tỷ).
Tính đến ngày 30/6/2023, lợi nhuận sau thuế chưa phân phối -2.020 tỷ đồng.
Chốt phiên giao dịch ngày 31/7, giá cổ phiếu này tăng lên 10.700 đồng/cổ phiếu, tăng 36% từ giữa tháng 5 vừa qua.