July 04, 2023 | 07:13 GMT+7

Ghi nhận lỗ lũy kế 2.100 tỷ và kiểm toán nghi ngờ khả năng hoạt động liên tục của HBC

Hà Anh -

Lợi nhuận sau thuế tự lập là âm hơn 1.141 tỷ đồng, còn trên báo cáo kiểm toán âm 2.570 tỷ đồng và lỗ sau thuế của cổ đông công ty mẹ âm gần 2.567 tỷ đồng (tự lập âm 1.138 tỷ đồng).

Ảnh minh hoạ.
Ảnh minh hoạ.

Công ty Cổ phần Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (mã HBC-HOSE) vừa công bố báo cáo kiểm toán năm 2022 được thực hiện bởi Công ty TNHH Ernst & Young Việt Nam.

Cụ thể: tại BCTC 2022 đã kiểm toán, Hoà Bình ghi nhận doanh thu thuần đạt 14.149 tỷ đồng (tăng 27 tỷ đồng so với báo cáo hợp nhất tự lập). Tuy nhiên, lợi nhuận sau thuế tự lập là âm hơn 1.141 tỷ đồng, còn trên báo cáo kiểm toán âm 2.570 tỷ đồng và lỗ sau thuế của cổ đông công ty mẹ âm gần 2.567 tỷ đồng (tự lập âm 1.138 tỷ đồng).

Theo báo cáo tài chính kiểm toán các chi phí trong năm 2022 đều tăng mạnh - trong đó, chi phí tài chính tăng từ 299 tỷ lên gần 520 tỷ đồng; chi phí quản lý doanh nghiệp tăng đột biến từ 410 tỷ lên 2.246 tỷ đồng; lỗ thuần từ hoạt động kinh doanh là 2.307 tỷ (cùng kỳ ghi nhận hơn 151 tỷ đồng).

Tính đến ngày 31/12/2022, lợi nhuận sau thuế chưa phân phối trên BCTC đã kiểm toán âm hơn 2.100 tỷ đồng (chưa kiểm toán là âm hơn 688,5 tỷ đồng).

Đáng chú ý, kiểm toán đã có vấn đề nhấn mạnh đến Thuyết minh số 2.5 của báo cáo tài chính hợp nhất là HBC phát sinh khoản lỗ thuần cho năm tài chính kết thúc ngày 31/12/2022 là 2.570.476.662.931 đồng và cũng tại ngày này, khoản lỗ lũy kế của Tập đoàn là 2.100.698.427.892 đồng.

Mặt khác, dòng tiền thuần từ hoạt động kinh doanh của Tập đoàn cho năm tài chính kết thúc ngày 31/12/2022 là âm 883.068.162.196 đồng.

Cũng tại ngày phát hành báo cáo tài chính hợp nhất này, Tập đoàn có các khoản nợ vay đã quá hạn trong đó có một số khoản vay đã được các ngân hàng đồng ý gia hạn.

Đối các khoản vay còn lại đã quá hạn hoặc sắp đến hạn, Tập đoàn đang trong quá trình thương thảo với ngân hàng đề xin gia hạn các khoản vay này. Những điều kiện này cho thấy sự tồn tại của yếu tố không chắc chắn trọng yếu có thể dẫn đến nghi ngờ đáng kể về khả năng hoạt động liên tục của Tập đoàn.

Ngoài ra, kiểm toán cũng lưu ý Thuyết minh số 10 và Thuyết minh số 37 của báo cáo tài chính hợp nhất, Tập đoàn đã thực hiện một số nghiệp vụ tạm ứng khi chưa có đủ phê duyệt phù hợp. Các nghiệp vụ này sau đó đã được Hội đồng quản trị Tập đoàn thông qua tại Biên bản họp Hội đồng Quản trị số 11/2023/BB-HĐQT.HBC ngày 20/5/2023 và các Nghị quyết Hội đồng Quản trị tương ứng.

Tuy nhiên, HBC cho biết Tập đoàn đã lập dự báo dòng tiền cho một tương lai gần có thể xác định được dựa trên một số giả định chính. Cụ thể:

Về phát hành thêm cổ phiếu: Vào ngày 27/6/2023, cổ đông công ty đã chấp thuận kế hoạch tăng vốn điều lệ trong năm 2023 thông qua việc phát hành 274.000.000 cổ phiếu cho nhà đầu tư chiến lược và/hoặc nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp với giá phát hành không thấp hơn 12.000 đồng/cổ phiếu và không được thấp hơn thị giá tại thời điểm ký hợp đồng nguyên tắc với nhà đầu tư.

Tái cấu trúc và gia hạn thời hạn thanh toán các khoản nợ vay: tại ngày 31/12/2022, tổng số nợ vay ngắn hạn và dài hạn của Tập đoàn là 6.130.898.536.572 đồng, trong đó 5.104.310.456.114 đồng là nợ vay ngắn hạn và vay dài hạn đến hạn trả trong vòng 12 tháng tới (Thuyết minh số 23).

Cũng tại ngày phát hành báo cáo tài chính hợp nhất này, Tập đoàn đã thanh toán được 2.047.440.671.206 đồng số dư nợ gốc và 169.566.406.394 đồng lãi vay phải trả.

Đối với số dư nợ còn lại đã quá hạn hoặc có thời gian đáo hạn trong vòng 12 tháng tới: Tập đoàn đang trong quá trình đàm phán với ngân hàng để gia hạn lịch trả nợ như sau:

- Khoản vay Ngân hàng TMCP Đông Nam Á - Chi nhánh Sài Gòn với số dư nợ tại ngày 31/12/2022 là 64.537.841.824 đồng đã được đồng ý gia hạn đến ngày 1/2/2024 và ngày 3/2/2024 theo phụ lục hợp đồng cấp hạn mức tín dụng số 17/2022/HĐTD-HM/TTKD/PL01 ngày 10/5/2023;

- Khoản vay Ngân hàng Thương mại cổ phần Việt Nam Thịnh Vượng với số dư nợ đến hạn thanh toán tại ngày 22/5/2023 là 55.525.482.836 đồng đã được đồng ý gia hạn đến 25/5/2024, 14/6/2024 và 21/7/2024 theo phụ lục số 02/PL ngày 22 tháng 5 năm 2023 điều chỉnh, sửa đỗi bổ sung hợp đồng cấp hạn mức tín dụng số 232/2022/HĐHM/CMB ngày 15/7/2022;

- Khoản vay Ngân hàng Thương mại cổ phần Quốc Dân với số dư nợ đến hạn thanh toán tại ngày 5/5/2023 là 53.169.963.109 đồng đã được đồng ý gia hạn đến ngày 1/11/2023 theo Thông báo số 05.05/2023/TB-NCB ngày 5/5/2023. Ngoài ra theo Thông báo này, Ngân hàng Thương mại cổ phần Quốc Dân cũng đã đồng ý điều chỉnh kỳ hạn trả lãi đối với các khoản nợ của Tập đoàn;

- Khoản vay Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam - Chi nhánh Hồ Chí Minh đã được chấp thuận chủ trương thực hiện cơ cẩu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ theo Thông báo số 05/TB-BIDV-TP.HCM-KHDNI ngày 30 tháng 5 năm 2023; và vào ngày 31/12/2022 và cho năm tài chính kết thúc cùng ngày.

- Khoản vay Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam - Chi nhánh 1 TP.HCM đã đươc thông báo rằng Ngân hàng đang trong quá trình thực hiện trình các cấp phê duyệt về việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ và việc tái cấp giới hạn tín dụng năm 2023-2024 cho Tập đoàn theo Biên bản làm việc với Ngân hàng ngày 5/6/2023.

Tại ngày phát hành báo cáo tài chính hợp nhất này, Tập đoàn vẫn đang tiếp tục đàm phán với các ngân hàng để gia hạn và giữ nguyên nhóm nợ đối với các khoản vay còn lại có thời gian đáo hạn trong vòng 12 tháng tới.

Về thanh lý tài sản: Tập đoàn dự kiến thu được 1.064.526.079.141 đồng từ việc thanh lý một số máy móc và thiết bị của Tập đoàn cho một đối tác theo hợp đồng chuyền nhượng tài sản đã ký kết ngày 28/6/2023.

Qua đó, Ban Giám đốc tin rằng Tập đoàn sẽ có đủ nguồn vốn lưu động cho hoạt động kinh doanh của Tập đoàn và có dòng tiền đủ khả năng đáp ứng các nghĩa vụ đến hạn của Tập đoàn trong vòng 12 tháng tới kể từ ngày của báo cáo tài chính hợp nhất này.

Cũng theo HBC, báo cáo tài chính hợp nhất của Tập đoàn cho năm tài chính kết thúc ngày 31/12/2022 được lập trên cơ sở hoạt động liên tục và báo cáo tài chính hợp nhất chưa bao gồm các điều chỉnh có thể cần được thực hiện đối với tài sản và nợ phải trả của Tập đoàn trong trường hợp Tập đoàn không có khả năng tiếp tục hoạt động liên tục.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate