February 27, 2024 | 15:51 GMT+7

Cổ phiếu blue-chips lấy lại sức mạnh, VN-Index quay lại đỉnh 2023

Kim Phong -

Không có dấu vết nào về hoạt động xả hàng T+ trong phiên chiều nay, thậm chí thanh khoản còn giảm gần 10% so với phiên sáng, nhưng giá cổ phiếu lại mạnh thêm. Loạt blue-chips vốn hóa lớn nhất thị trường đồng loạt tăng cao, đẩy VN-Index chốt phiên ở đỉnh cao nhất ngày, tăng 1,09% so với tham chiếu...

VN-Index tiếp tục đà tăng áp sát đỉnh cao 2023.
VN-Index tiếp tục đà tăng áp sát đỉnh cao 2023.

Không có dấu vết nào về hoạt động xả hàng T+ trong phiên chiều nay, thậm chí thanh khoản còn giảm gần 10% so với phiên sáng, nhưng giá cổ phiếu lại mạnh thêm. Loạt blue-chips vốn hóa lớn nhất thị trường đồng loạt tăng cao, đẩy VN-Index chốt phiên ở đỉnh cao nhất ngày, tăng 1,09% so với tham chiếu.

VN30-Index đóng cửa cũng tăng 1,18% trong khi chốt phiên sáng mới tăng 0,65%. Chỉ có 4 mã trong rổ này tụt giá, còn lại toàn tăng mạnh hơn. Loạt mã lớn trong top 10 vốn hóa thị trường đều mạnh thêm: VCB tăng thêm 1,9% so với phiên sáng, đóng cửa trên tham chiếu 1,79%; VIC thoát khỏi tham chiếu, chốt tăng 1,23%; VHM tăng thêm 1,84%, chốt tăng 1,96%. CTG, GAS, VNM, TCB cũng mạnh thêm. Thậm chí HPG cũng nỗ lực mở rộng mức tăng lên 5,38% tương đương riêng chiều nay tăng 0,66%.

Duy nhất BID là cổ phiếu trong nhóm trụ suy yếu. Chốt phiên sáng BID tăng không đáng kể 0,19%, nhưng đến chiều rơi tiếp 1,3% nữa. Lực bán ở BID không nhiều, thanh khoản chỉ khoảng 73,3 tỷ đồng trong buổi chiều nhưng giá lại yếu, cho thấy nguyên nhân là do lực cầu kém. Dù vậy BID cũng chỉ khiến VN-Index mất khoảng 0,8 điểm, tương đương bù trừ với mức tăng của GAS mà thôi.

Loạt cổ phiếu trụ chiều nay tăng mạnh giúp VN-Index bùng nổ.
Loạt cổ phiếu trụ chiều nay tăng mạnh giúp VN-Index bùng nổ.

Thanh khoản hai sàn niêm yết chiều nay giảm gần 10% so với phiên sáng, đạt khoảng 11.070 tỷ đồng. HoSE giảm tới gần 13% với 10.012 tỷ đồng. Chiều nay thị trường đón nhận khối lượng lớn cổ phiếu bắt đáy hôm 23/2 về tài khoản (giao dịch chiều 23/2 hơn 20,4 ngàn tỷ) nhưng mức khớp lệnh chỉ bằng một nửa cho thấy nhà đầu tư có xu hướng giữ cổ phiếu lại. Đây cũng là một yếu tố hỗ trợ thị trường tăng tốc trong phiên chiều.

Thay đổi độ rộng của chỉ số cũng phản ánh diễn biến này: Chốt phiên sáng VN-Index có 293 mã tăng/155 mã giảm, đóng cửa tới 380 mã tăng/98 mã giảm. 147 mã trong số này tăng hơn 1% với thanh khoản chiếm xấp xỉ 65% tổng giá trị khớp sàn HoSE. Biên độ tăng này xác nhận lực đẩy của dòng tiền có hiệu quả tốt.

Nhóm blue-chips VN30 vẫn là động lực của chỉ số, trong 10 mã kéo điểm tốt nhất chỉ có DGC là không thuộc rổ này. VN30 chốt phiên tăng 1,18%, độ rộng 21 mã tăng/4 mã giảm. Cổ phiếu ngân hàng vẫn có đóng góp nhất định, khi có 3 mã trong nhóm này. Tuy nhiên tổng thể nhóm ngân hàng không quá mạnh, chỉ 5 mã khỏe nhất nhóm và tăng trên 1% là VCB, TCB, CTG, SHB và MBB. Thanh khoản nhóm này cũng chỉ chiếm 20% tổng khớp sàn HoSE, tỷ trọng thấp nhất 6 phiên với 4.338 tỷ đồng.

Khối ngoại là một nhân tố đáng chú ý trong phiên chiều khi giải ngân khá ấn tượng 1.440 tỷ đồng chỉ riêng sàn HoSE. Mức ròng chiều nay đạt +218,4 tỷ trong khi buổi sáng vẫn bán ròng 178,6 tỷ. HPG chiều nay được mua ròng thêm khoảng 127 tỷ đồng nữa. SSI, DGC cũng được mua ròng thêm, tính chung cả phiên là 131,5 tỷ và 89,1 tỷ. Dù vậy việc đảo ngược vị thế thành mua ròng cả phiên khoảng 39,8 tỷ đồng vẫn chỉ là nhờ HPG. Phía bán hàng chục cổ phiếu bị xả cực mạnh như STB, VPB, PVD, MWG, VNM, SAB, MSN, TPB, PC1..

Phiên tăng tích cực chiều nay cho thấy thị trường đang có tâm lý găm giữ hàng, mặc dù khối lượng bắt đáy T+ đã khá tốt. Điều này sẽ khiến lượng hàng tích lũy lũy kế theo các vòng T+ ngày càng dày thêm. Ví dụ hôm qua khối lượng khớp lệnh HoSE và HNX khoảng 913,5 triệu cổ nhưng chiều mai lượng hàng tích lũy có thể bán sẽ trên 1,35 tỷ cổ do bao gồm cả hàng T+ hôm nay còn lại.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate