Sự bứt phá của cổ phiếu ngân hàng trong tháng đầu năm đã giúp cho hiệu suất của nhiều quỹ ngoại tăng trưởng tốt trong đó có Vietnam Holding (VNH). Theo đó, hiệu suất tháng 1 của quỹ tăng 2,4% so với mức tăng 1,8% của VNAS.
Theo VNH, mức tăng trong tháng 1 phần lớn là nhờ các ngân hàng, vốn được hưởng lợi từ tín dụng được cải thiện trong những tháng gần đây. Quỹ có vị thế tốt để tăng trưởng vào năm 2024 với tỷ lệ giá trên thu nhập khiêm tốn là 10 lần và mức tăng trưởng thu nhập trên mỗi cổ phiếu được dự báo mạnh mẽ là 32%.
Đánh giá về vĩ mô Việt Nam, theo VNH, số liệu tháng 1 cho thấy kinh tế vĩ mô của Việt Nam đầy hứa hẹn cho tăng trưởng trong năm con Rồng. Đầu tiên, thặng dư thương mại đáng kể đạt 2,9 tỷ USD trong tháng đầu tiên của năm 2024, với cả xuất khẩu và nhập khẩu đều đạt mức tăng trưởng mạnh nhất trong hai năm rưỡi qua.
Xuất khẩu các mặt hàng điện tử dẫn đầu sự tăng trưởng với lượng xuất khẩu sản phẩm nói chung cao tại tất cả các thị trường trọng điểm. Động lực trong doanh số bán lẻ cũng tiếp tục diễn ra từ tháng trước, với mức tăng vững chắc 8,1% so với cùng kỳ năm ngoái (YoY) bất chấp mức cơ sở cao do Tết rơi vào tháng 1 năm 2023. Sự tăng trưởng bền vững chủ yếu được thúc đẩy bởi các dịch vụ du lịch, trong đó có một sự phục hồi đáng kinh ngạc, thậm chí vượt xa mức trước Covid một chút.
Hoạt động sản xuất ở châu Á nhìn chung đã cải thiện đáng kể trong tháng 1, đặc biệt là ở Việt Nam và Hàn Quốc, do nhu cầu mạnh mẽ hơn từ các thị trường lớn bù đắp cho sự sụt giảm ở Trung Quốc. Lần đầu tiên sau 5 tháng, PMI của Việt Nam tăng trên 50.
Sự gia tăng đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và giải ngân đầu tư công của Việt Nam trong tháng 1 cũng là điểm đáng chú ý. FDI đăng ký đạt 2,4 tỷ USD, tăng 40,2% so với cùng kỳ năm ngoái, mức cao nhất kể từ năm 2020. Phần lớn mức tăng này đến từ các cam kết mới, cho thấy sự khởi đầu năm mới mạnh mẽ, với hơn một nửa đến từ ngành bất động sản. Hơn nữa, đầu tư công tăng 12,5% so với cùng kỳ năm ngoái, chiếm 4,4% kế hoạch năm 2024 và quỹ kỳ vọng đây sẽ vẫn là một trong những ưu tiên hàng đầu của Chính phủ trong năm 2024.
Với việc thanh khoản tiếp tục được nới lỏng và lạm phát hạ nhiệt, những tác động thuận lợi của chính sách tiền tệ của Việt Nam có thể sẽ trở nên hiệu quả hơn đối với nền kinh tế vào năm 2024. Ngoài ra, về mặt xây dựng niềm tin lớn hơn, nỗ lực chống tham nhũng của chính quyền Việt Nam tiếp tục đạt được các tiêu đề trên các báo vài tuần của năm 2024 với một số sự kiện quan trọng trong cả khu vực công và tư nhân.
Chẳng hạn, Tòa án Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã lắp đặt camera an ninh và bổ sung thiết bị an toàn phòng cháy chữa cháy để bảo vệ 6 tấn hồ sơ liên quan đến vụ bê bối Vạn Thịnh Phát. Thành ủy cũng cho biết sẽ trả cho người tố cáo tham nhũng số tiền lên tới 10 triệu đồng (420 USD) “nếu thông tin của họ là chính xác và giúp cơ quan có thẩm quyền xác minh, xử lý tham nhũng, hành vi tiêu cực”...
Trước đó, trong báo cáo mới công bố, quỹ đầu tư Phần Lan Pyn Elite Fund cho biết hiệu suất tăng trưởng của quỹ trong tháng 1/2024 đạt 6,8%, vượt mức tăng 3% của VN-Index. Trong đó, các mã diễn biến tốt nhất gồm ACV, MBB và CTG, cùng tăng 17%. Ngược lại SAB và CMG giảm trên 8%.
Danh mục hiện tại, quỹ ngoại sở hữu nhiều nhất tại STB, HDB, CTG, MBB, TPB, ACV, SHS, VEA và VHC. Ngược lại VRE và CMG với tỷ lệ sở hữu 4,7% và 3,1% danh mục tại cuối tháng 12/2023 đã không còn nằm trong Top 10 (thay thế là DNSE và VHC).
Quỹ này tin rằng các công ty niêm yết của Việt Nam sẽ ghi nhận mức tăng trưởng lợi nhuận hơn 20% vào năm 2024. Năm nay sẽ là một năm tích cực cho ngành ngân hàng vốn hóa lớn nhất trên sàn chứng khoán. Các cổ phiếu trên sàn giao dịch chứng khoán, đặc biệt là cổ phiếu ngân hàng, vẫn ở mức định giá quá thấp trong một vài năm.
"Tiềm năng tăng giá của những cổ phiếu này là rất lớn khi hoạt động kinh tế tiếp tục khởi sắc với chu kỳ thị trường tiền tệ thuận lợi", quỹ đến từ Phần Lan nhấn mạnh.