Dòng tiền tiếp tục suy yếu trong phiên chiều nay khiến thanh khoản tụt xuống thấp nhất 13 phiên chiều trở lại đây, còn khoảng 6.046 tỷ đồng trên hai sàn khớp lệnh và giảm 4,3% so với buổi sáng. Nhóm blue-chips không thể bứt phá để thay đổi trạng thái điểm số và khối ngoại “quay xe” bán ròng ở nhóm VN30, đẩy mức bán chung trên HoSE lên cao nhất 18 phiên.
Tăng bán và giảm mua đang tạo nên những thay đổi rõ hơn trong giao dịch của nhà đầu tư nước ngoài. Cả ngày hôm nay, khối ngoại giải ngân 1.561,1 tỷ đồng trên HoSE, giảm tới 36% mức mua vào hôm qua. Trong khi đó giá bán tăng vọt lên 1.533,8 tỷ đồng, khiến vị thế ròng chỉ còn +27,3 tỷ.
Trong rổ VN30, khối ngoại xả 996,6 tỷ đồng mua vào 930,9 tỷ, dẫn đến bán ròng 65,7 tỷ đồng. Như vậy khối ngoại chiếm khoảng 20% thanh khoản của rổ này cả chiều mua lẫn chiều bán. VNM bị bán ròng nhiều nhất 124,5 tỷ, HPG -45,8 tỷ, SSI -30,5 tỷ, VIC -28,7 tỷ, SHB -28,5 tỷ. Phía mua có VHM +77,8 tỷ, NVL +50,7 tỷ, STB +48,4 tỷ là đáng kể.
Nhóm blue-chips này chiều nay cũng chủ đạo là giằng co, với 14 cổ phiếu tụt giá so với phiên sáng và 13 mã tăng cao hơn. Tuy nhiên không có cổ phiếu nào trong nhóm trụ thay đổi đủ lớn để lôi kéo chỉ số theo một hướng. Phía tăng đáng kể nhất là GVR, buổi sáng mới tăng 0,33% thì chốt phiên tăng 3,33%. VHM chốt phiên sáng giảm 1,13% thì đóng cửa quay lại được tham chiếu. Ngược lại TCB mất sạch mức tăng 1,56% buổi sáng, kết phiên về tham chiếu. Các trụ VCB, VIC, VNM hay GAS thay đổi không đáng kể. Chỉ số đại diện rổ này đóng cửa giảm 0,02%, hầu như không đổi so với buổi sáng.
VN-Index kết phiên vẫn chỉ tăng nhẹ 0,28%, nhưng độ rộng kém hơn buổi sáng một chút, ghi nhận 252 mã tăng/161 mã giảm. Số mã tăng trên 1% vẫn tương đương buổi sáng với 143 cổ phiếu.
Thị trường không có thay đổi lớn ở mặt bằng chung chiều nay do dòng tiền hơi đuối. Nhà đầu tư có lẽ vẫn thận trọng chờ đợi kết quả quyết định tăng lãi suất của FED đêm nay. Thêm nữa ngày mai là phiên đáo hạn phái sinh nên “nhiệt tình” giao dịch cũng lắng xuống. Dù vậy thị trường cũng không đến nỗi xấu, độ rộng còn tốt và vẫn có vài nhóm cổ phiếu nổi bật.
Đáng kể nhất hôm nay là các cổ phiếu dầu khí và những nhóm liên quan đến giá dầu như phân bón hóa chất, cao su. Giá dầu Brent sau khi quay lại mức khởi đầu năm 2022, đã phục hồi được 3 phiên gần đây. Nhóm dầu khí phiên này tăng tốt, với GAS đóng cửa trên tham chiếu 1,8%, là trụ khỏe nhất của VN-Index. BSR tăng 4,96%, PVB tăng 4,88%, PAT tăng 5,29%, PVD tăng 4,12%, PVS tăng 2,63%, PVC tăng 3,13%, OIL tăng 2,5%. Nhóm cổ phiếu dầu khí tạo đáy trước khi giá dầu tạo đáy và có nhịp phục hồi tốt vừa qua. Lúc này giá dầu thoát đáy lại đem lại lực hỗ trợ mới.
Nhóm hóa chất cũng tăng trở lại khá đều với các cổ phiếu nổi bật là DGC tăng 3,36%, DPM tăng 1,15%, DCM tăng 1,2%, BFC tăng 1,9%, GVR tăng 3,33%, DPR tăng 1,81%, PHR tăng 1,3%...
Tuy vậy mức độ tập trung của dòng tiền vẫn giảm nhiều hơn tăng ở nhóm thanh khoản cao nhất. Cụ thể, HoSE có 32 cổ phiếu thanh khoản từ 100 tỷ đồng trở lên thì chỉ có 13 mã tăng. Thanh khoản giảm nhiều ở các mã thanh khoản cao trong nhóm blue-chips. Tổng giá trị khớp nhóm VN30 chỉ đạt gần 4.661 tỷ đồng, thấp hơn khoảng 18% so với hôm qua. SSI, VNM, VPB, VIC là các mã chịu áp lực bán tương đối mạnh và giá giảm với thanh khoản cao.
Việc dòng tiền suy yếu dần ở nhóm cổ phiếu blue-chips – hôm nay là thấp nhất 13 phiên – kết hợp với khối ngoại bán ròng vẫn sẽ là lực cản trở đối với chỉ số trên đường tăng. Dòng tiền có thể loanh quanh tìm kiếm cơ hội ở một vài cổ phiếu cá biệt.