Giá cổ phiếu doanh nghiệp ngành dệt may đang đi ngang sau khi tăng trưởng và đạt đỉnh hồi tháng 4 nhờ thông tin lợi nhuận phục hồi trên nền thấp của năm 2020…
SAU TIN RA, CỔ PHIẾU SỤT GIẢM LIÊN HỒI
Tăng trưởng lợi nhuận trong quý 1/2021 là yếu tố tích cực hỗ trợ giá cổ phiếu ngành dệt may cất cánh trong tháng 4 vừa qua. Tuy nhiên, “tin ra là bán” ngay sau đó giá cổ phiếu nhiều doanh nghiệp đã đảo chiều sụt giảm.
Tại May Thành Công, thị giá TCM đã tăng 50% với nhiều phiên kịch trần chỉ từ giữa tháng 3 đến giữa tháng 4. Đây cũng là thời điểm mà TCM công bố báo cáo tài chính với doanh thu và lợi nhuận tăng trưởng lần lượt đạt 945 tỷ đồng, tăng 20% và 62 tỷ đồng tăng gấp đôi với cùng kỳ năm 2020. Tuy nhiên, ngay sau khi ra thông tin, TCM quay đầu lao đốc. Chốt phiên 18/5, TCM được giao dịch xung quanh mức giá 102.000 đồng/cổ phiếu, giảm 15% so với đỉnh tháng 4.
Điều này diễn ra tương tự tại Công ty CP Sợi Thế Kỷ (STK). Quý 1/2021, STK ghi nhận doanh thu giảm 8% đạt 567 tỷ đồng. Tuy nhiên, lợi nhuận gộp tăng mạnh chủ yếu là do tăng tỷ trọng bán hàng Recycel với doanh số bán hàng Recycle tăng 58% so với cùng kỳ, lợi nhuận sau thuế đạt 70 tỷ đồng tăng 34,7% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trên sàn chứng khoán, giá cổ phiếu STK cũng đạt đỉnh lịch sử với mức giá 36.100 đồng/cổ phiếu vào thời điểm cuối tháng 3 sau đó ngang suốt giai đoạn tháng 4 đầu tháng 5. Hiện tại, STK đang được mua bán xung quanh mức giá 32.100 đồng/cổ phiếu, giảm 11% kể từ khi đạt đỉnh lịch sử và đang đà lao dốc.
Do có sự thay đổi về cơ cấu mặt hàng xuất bán trong kỳ đã giúp Sản xuất Kinh doanh và Xuất nhập khẩu Bình Thạnh (GIL) đạt doanh thu 864 tỷ đồng, tăng 19,8% và lợi nhuận gộp đạt 167 tỷ đồng, tăng 45% so với cùng kỳ năm ngoái.
Giá cổ phiếu GIL cũng tăng suốt từ đầu năm và đạt đỉnh 79.500 đồng/cổ phiếu phiên 12/5 vừa qua. Tuy nhiên, ngay sau đó quay đầu sụt giảm và còn 71.600 đồng/cổ phiếu, giảm 10% trong vòng một tuần.
Một số doanh nghiệp khác có kết quả kinh doanh vẫn chưa thoát kiếp nạn Covid 19 nhưng giá cổ phiếu vẫn tăng theo trend kết quả kinh doanh của ngành. Chẳng hạn như cổ phiếu GMC của Garmex Sài Gòn; TNG của Đầu tư và Thương mại TNG; VGT của Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex).
Đặc biệt, FTM của Đầu tư và Phát triển Đức Quân. FTM suốt một thời gian dài được mua bán với mức giá rẻ như mớ rau 1.200 đồng/cổ phiếu. Tuy nhiên, từ đầu tháng 2/2021, FTM đã tăng liên tục với nhiều phiên kịch trẩn 4.350 đồng/cổ phiếu, chốt phiên 15/4, đăng gần gấp 4 lần trong vòng 2,5 tháng. Sau khi tăng miệt mài một thời gian là những chuỗi ngày giảm của FTM với thanh khoản nhỏ giọt.
Quý 1/2021, FTM tiếp tục lỗ thêm 47 tỷ đồng, nâng tổng mức lỗ luỹ kế lên 243 tỷ đồng. Do thua lỗ liên tiếp, cổ phiếu FTM bị đưa từ diện cảnh báo sang diện kiểm soát kể từ ngày 26/4.
TRÔNG CHỜ VÀO TÍNH MÙA VỤ?
Giá cổ phiếu dệt may giảm có thể lý giải do thị trường tạm thời không còn thông tin hỗ trợ. Trong giai đoạn ngắn hạn cơ hội tăng giá chỉ có thể trông chờ vào tính mùa vụ.
Theo chứng khoán Agriseco, quan sát thị trường Việt Nam trong 5 năm gần đây, có rất nhiều doanh nghiệp tăng giá tốt và liên tục trong tháng 5 thể hiện tính mùa vụ rất tốt trong đó có những doanh nghiệp dệt may nổi bật như Dệt may Thành Công, Sợi Thế Kỷ… Đây đều là những doanh nghiệp có nền tảng cơ bản, có câu chuyện tăng trưởng và là cơ hội tốt để giải ngân trong tháng 5.
Tuy nhiên, về dài hạn, triển vọng tăng giá cổ phiếu dệt may vẫn còn nhờ kỳ vọng vào kim ngạch xuất khẩu hàng may mặc của Việt Nam tăng trưởng cao.
4 tháng đầu năm 2021, kim ngạch xuất khẩu hàng may mặc của Việt Nam đạt 9,7 tỷ USD, tăng 10,7% so với cùng kỳ nhờ sự phục hồi mạnh mẽ tại Mỹ, thị trường xuất khẩu chính. Ngành may mặc Việt Nam phục hồi 19,1% so với cùng kỳ và tận dụng lợi thế của khối thị trường CPTPP mới có hiệu lực từ tháng 1/2019, tăng 21,2% so với cùng kỳ.
Tại thị trường Mỹ, Việt Nam tiếp tục giành được thị phần từ Trung Quốc, khi thị phần của Trung Quốc giảm từ 28,5% trong tháng 12/2020 xuống 23,6% trong tháng 3/2021. Thị phần của Việt Nam tăng từ 12,7% lên 15,6% so với cùng kỳ. Nhìn vào dữ liệu lịch sử một năm từ tháng 3/2020 đến tháng 3/2021, thị phần bị mất của Trung Quốc đã mang lại lợi ích cho tất cả các đối thủ cạnh tranh trong đó Việt Nam là nước được hưởng lợi chính.
“Tháng 4/2021, tăng trưởng xuất khẩu sang Mỹ đạt 84% so với cùng kỳ, trong khi EU tăng 52% so với mức thấp vào tháng 4/2020. “Vì quý 2/2020 và quý 3/2020 là các quý tồi tệ nhất trong năm trước vì nhiều đơn đặt hàng bị hủy, chúng tôi dự đoán sự phục hồi mạnh mẽ này sẽ dùy trì đến quý 3/2021. Hầu hết các công ty có đủ đơn đặt hàng để sản xuất đến hết tháng 9/2021”, chứng khoán SSI đánh giá.
VnDirect cũng kỳ vọng kim ngạch xuất khẩu dệt may của Việt Nam trong năm 2021 sẽ phục hồi theo triển vọng phục hồi kinh tế tại các thị trường xuất khẩu lớn như Mỹ, EU, Nhật Bản và Hàn Quốc.
EVFTA sẽ có tác động tích cực đến ngành dệt may trong dài hạn vì các công ty sẽ cần thời gian để phát triển chuỗi sản xuất Sợi - Dệt - Nhuộm - May phù hợp nhằm đáp ứng các quy tắc ban đầu. Điều này sẽ đảm bảo cho sự tăng trưởng bền vững và tăng sức cạnh tranh cho hàng dệt may của Việt Nam.
Theo Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS), ngành dệt may Việt Nam năm 2021 vẫn đang trong giai đoạn chịu ảnh hưởng của COVID -19. Do đó, VITAS dự báo giá trị xuất khẩu dệt may năm 2021 đạt 38 tỷ USD tăng 10,2% so với cùng kỳ và sẽ phục hồi hoàn toàn vào năm 2022, đạt 42 tỷ USD.