Cuộc đụng độ gần đây giữa các nhà đầu tư "tay ngang" với giới chuyên nghiệp ở Phố Wall diễn ra khốc liệt xung quanh một loạt cổ phiếu bị các quỹ lớn bán khống nhiều, trong đó có cổ phiếu của công ty trò chơi video GameStop. Cuộc chiến này đạt ra nguy cơ cho nhiều cổ phiếu khác và có thể gây ra một "cơn đau đầu" cho toàn bộ thị trường.
Theo hãng tin Reuters, giới quan sát đã nhận diện hàng chục cổ phiếu có nguy cơ "vạ lây" vì sự biến động cực mạnh của những cổ phiếu như GameStop. Trong những ngày gần đây, đội quân nhà đầu tư cá nhân ồ ạt mua cổ phiếu GameStop và một số cổ phiếu khác, buộc các quỹ đầu cơ phải mua vào các cổ phiếu này để đóng trạng thái bán khống thiết lập trước đó.
Khi các nhà đầu tư nhỏ lẻ và các quỹ cùng mua, các cổ phiếu này càng tăng giá mạnh, dẫn tới việc mua vào càng được đẩy nhanh, và tốc độ tăng giá cổ phiếu càng cao hơn - một hiện tượng được gọi là "short squeeze" ("bán non").
Từ đầu năm đến ngày 27/1, "cơn điên" này đã đưa cổ phiếu GameStop tăng 1.745% và cổ phiếu AMC Entertainment tăng 839%.
"Không may là chuyện này không chỉ xảy ra một lần rồi thôi. Tôi cho rằng dạng hoạt động đẩy giá cổ phiếu lên cao có thể được nhân rộng từ cổ phiếu này sang cổ phiếu khác", ông Randy Frederick, Phó chủ tịch phụ trách giao dịch và sản phẩm phái sinh thuộc Schwab Center for Financial Research, nhận định.
Tuần này, JP Morgan Chase đã đưa ra một danh sách 45 cổ phiếu dễ bị ảnh hưởng bởi hiện tượng "bán non" và "những rủi ro tương tự". Giống như GameStop hay AMC Entertainment Holdings, những cổ phiếu như hãng hàng không American Airlines, công ty bất động sản Macerich, chuỗi nhà hàng Cheesecake Factory, dịch vụ thuê quần áo Sticht Fix… gần đây đã trở thành mục tiêu gom mua của các nhà đầu tư cá nhân.
Điểm chung của các cổ phiếu này là đều có tỷ lệ bán khống cao. Điều này có nghĩa là một số lượng lớn nhà đầu tư đã vay mượn các cổ phiếu này để bán với kỳ vọng giá các cổ phiếu này sẽ sụt giảm và họ sẽ mua vào ở mức giá thấp hơn đó để trả lại, hưởng phần giá chênh lệch. Tuy nhiên, nếu giá cổ phiếu đó tăng mạnh, các nhà đầu tư bán không có thể buộc phải mua lại để đóng trạng thái và chấp nhận thua lỗ.
"Những diễn biến giá cổ phiếu GameStop trong tuần này có thể tạo ra một tiền lệ nguy hiểm cho thị trường, thông qua việc các nhà đầu tư cá nhân đồng loạt hành động để tạo ra đòn bẩy sức mạnh, châm ngòi cho những sự kiện có mức độ ảnh hưởng lớn", các nhà phân tích của JPMorgan Chase viết trong một báo cáo.
Sử dụng các công cụ phái sinh và phối hợp mua vào trên những website như diễn đàn wallstreetbets thuộc Reddit, các nhà đầu tư cá nhân đã tạo ra một ảnh hưởng rất lớn trên thị trường trong những tháng gần đây. Điều này buộc hai quỹ đầu cơ Melvin Capital Management và Citron Capital phải đóng trạng thái bán khống cổ phiếu GameStop vào đầu tuần này, khi áp lực mua đẩy cổ phiếu GameStop lên không cản nổi.
Theo công ty phân tích dữ liệu Ortex, từ đầu năm đến nay, các nhà bán khống ở Phố Wall đã lỗ ròng hơn 54 tỷ USD, trong đó thua lỗ từ bán khống cổ phiếu GameStop là 1,03 tỷ USD.
Phiên ngày thứ Năm (28/1), cổ phiếu GameStop giảm 40% sau khi hai công ty môi giới Robinhood Markets và Interactive Brokers hạn chế giao dịch cổ phiếu này. Dù vậy, trong vòng 1 tuần, cổ phiếu GameStop đã tăng 500%. Một số cổ phiếu khác tăng "kinh hoàng" trong những ngày gần đây như AMC Entertainment và BlackBerry cũng bị hạn chế giao dịch.
Theo ông Michael Purves, Giám đốc công ty Tallbacken Capital Advisors, nếu không có thêm những cổ phiếu bị hạn chế giao dịch, xu hướng tăng tương tự có thể xuất hiện trong nhiều tuần tới đây khi các nhà bán khống phải đóng trạng thái.
Một số quỹ có chiến lược bao gồm cả đầu cơ giá lên và giá xuống đối với cùng một cổ phiếu, ông Purves nhấn mạnh. Trong trường hợp như vậy, một cổ phiếu có thể tăng cao rồi giảm sâu nếu quỹ điều chỉnh trạng thái. Quy triinhf đó có thể gây sức ép lên nhiều cổ phiếu khác và làm gia tăng mức độ biến động của thị trường.
"Tôi cho rằng nguy cơ lan rộng rủi ro là có thực", ông Purves nói. "Bất kỳ cổ phiếu nào bị bán khống nhiều đều có thể rơi vào tình trạng như GameStop".