June 28, 2021 | 17:37 GMT+7

Cổ phiếu ngân hàng bứt phá đón mùa báo cáo quý 2

Trong phiên giao dịch ngày 28/6, nhóm cổ phiếu ngân hàng chỉ có 1 mã giảm, 2 mã giữ tham chiếu, còn lại đều tăng...

Sau nhịp điều chỉnh đầu tháng 6, cổ phiếu ngân hàng dần lấy lại thế “thăng bằng”. Thậm chí, trong những phiên giao dịch gần đây, nhiều mã ngành này đã bứt phá và lập đỉnh mới.

NHÓM NGÂN HÀNG TRỞ LẠI ĐƯỜNG ĐUA

Thị trường chứng khoán phiên ngày 28/6 tiếp tục nóng lên đáng kể, chỉ số VN-Index dễ dàng vượt mốc 1.400 điểm.

Độ rộng của nhóm VN30 tích cực đáng kể với 21 mã tăng/ 6 mã giảm. Rổ này cũng có tới 15 mã tăng trên 1%. Không mất bất ngờ khi cổ phiếu ngân hàng quay lại vai trò động lực chính.

Trong tổng số 26 cổ phiếu đang được niêm yết chỉ có VPB của Ngân hàng VPBank giảm nhẹ 0,3%, lực bán của khối ngoại tại mã này lên tới 354,7 tỷ đồng; 2 mã giữ tham chiếu gồm VCB của Ngân hàng Vietcombank và SGB của Ngân hàng SaiGonBank; tất cả những mã còn lại đều tăng.

Dẫn đầu, MSB của Ngân hàng Hàng Hải tăng kịch biên độ lên mức 30.300 đồng/cổ phiếu bất chấp nhà đầu tư nước ngoài xả hơn 1,5 triệu đơn vị, tương ứng 44 tỷ đồng. Xếp liền sau là BVB (Ngân hàng Bản Việt), TPB (Ngân hàng TPBank) và NAB (Ngân hàng Nam Á) đều tăng trên 4%.

Đa số các mã ngân hàng đều tăng trong phiên ngày 28/6
Đa số các mã ngân hàng đều tăng trong phiên ngày 28/6

Nhóm mã tăng trên 3% có thể kể đến như TCB của Ngân hàng Techcombank; OCB của Ngân hàng Phương Đông; ABB của Ngân hàng An Bình; SHB của Ngân hàng Sài Gòn – Hà Nội. Trong đó, TCB hay SHB cũng đã từng có thời điểm bứt phá tới mức tăng hơn 4%.

Với diễn biến như trên, nhiều cổ phiếu ngân hàng đã lập đỉnh lịch sử (giá sau các đợt điều chỉnh). Điển hình như HDB của Ngân hàng HDBank đạt 36.000 đồng/cổ phiếu; MBB của Ngân hàng Quân đội đạt 43.100 đồng/cổ phiếu; CTG của Ngân hàng VietinBank đạt 54.400 đồng/cổ phiếu.

TRIỂN VỌNG LỢI NHUẬN QUÝ 2

Cổ phiếu ngân hàng bứt phá chủ yếu nhờ kỳ vọng của nhà đầu tư vào một kết quả kinh doanh ngành này tốt hơn trong quý 2/2021.

Vừa qua, MSB cho biết nửa đầu năm, lợi nhuận trước thuế có thể đạt khoảng 2.800 tỷ đồng, gấp hơn ba lần so với cùng kỳ năm trước và thực hiện 85% kế hoạch năm.

Ông Nguyễn Hoàng Linh, Tổng giám đốc MSB cho biết, MSB là một trong những ngân hàng chịu ít tác động nhất bởi dịch Covid-19 với dư nợ tái cơ cấu ở mức thấp. Vì vậy, áp lực dự phòng rủi ro các khoản nợ tái cơ cấu không quá lớn.

Đồng thời, với kết quả này và chiến lược phù hợp cho 6 tháng cuối năm, kèm theo kinh nghiệm ứng phó dịch bệnh, lãnh đạo MSB cho biết ngân hàng có thể đẩy mạnh kinh doanh và vượt kế hoạch đã đề ra.

Tương tự, LienVietPostBank cũng tiết lộ kết quả kinh doanh 5 tháng với lợi nhuận khoảng 1.700 tỷ đồng, tính ra bình quân mỗi tháng lãi khoảng 370 tỷ đồng. Như vậy, nếu giữ được đà tăng trưởng, LienVietPostBank có thể sẽ đạt 2.000 tỷ đồng lợi nhuận trong nửa đầu năm 2021.

Báo cáo mới đây của Chứng khoán Yuanta nhận định dù không cao như quý I do ảnh hưởng của tăng dự phòng, tốc độ tăng trưởng lợi nhuận của các ngân hàng trong quý 2 vẫn sẽ tốt.

NIM được dự báo tiếp tục cải thiện nhờ vào tăng trưởng tín dụng cao và chi phí huy động vốn thấp. Tuy nhiên, thanh khoản hệ thống ngân hàng có dấu hiệu suy giảm, được thể hiện qua sự gia tăng của lãi suất liên ngân hàng.

Lãi suất qua đêm đã tăng 81 điểm cơ bản và lãi suất liên ngân hàng kỳ hạn 1 tháng tăng 1,1 điểm phần trăm. Thanh khoản suy giảm có thể khiến lãi suất tăng, nhưng Yuanta kỳ vọng Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục nới lỏng chính sách tiền tệ ít nhất đến cuối năm.

“Điều này sẽ giúp giảm chi phí huy động vốn của các ngân hàng và cả lãi suất cho vay. Do đó, dự báo NIM năm 2021 sẽ đi ngang hoặc cao hơn so với năm 2020”, nhóm nghiên cứu tại Yuanta nhấn mạnh.

Về thu nhập phí, Yuanta kỳ vọng trong quý 2 sẽ tăng nhờ vào doanh thu bancassurance và việc ghi nhận khoản phí trả trước của các ngân hàng như ACB, VietinBank, MSB và Vietcombank.

Cổ phiếu ngân hàng bứt phá đón mùa báo cáo quý 2 - Ảnh 1

Thậm chí xa hơn, cùng với kỳ vọng sắp được mở rộng “room” tín dụng, FiinGroup dự báo, năm 2021, lợi nhuận kế toán của 12/26 ngân hàng niêm yết (chiếm 86,3% vốn hóa của khối ngân hàng) sẽ tăng cao hơn so với năm 2020 (18,2% so với 14,9% của năm ngoái).

Công ty Chứng khoán Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BSC) cho rằng, định giá của ngành ngân hàng đã tăng, tuy nhiên vẫn ở mức hấp dẫn. Trong đó, sức hấp dẫn đến từ tốc độ tăng trưởng cao giúp ngành ngân hàng được nhà đầu tư chấp nhận mặt bằng giá cao hơn, các catalyst (chất xúc tác) trong năm 2021 giúp đánh giá lại giá trị và lãi vẫn tiếp tục ở mức thấp giúp mặt bằng định giá toàn thị trường (trong đó có ngành ngân hàng) cao hơn.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate