GAS và VIC khiến VN-Index mất gần 4 điểm là một thiệt thòi lớn trong phiên sáng nay. Tuy vậy thị trường vẫn có được nhóm ngân hàng giữ nhịp tốt, đồng thời cuộc “giải cứu” cổ phiếu đầu cơ vẫn tiếp diễn, xoa dịu nỗi đau dịp Tết!
Tổng thể nhóm blue-chips VN30 phiên sáng chỉ trong trạng thái giằng co, nhưng những mã mạnh giao dịch nổi bật. Cổ phiếu ngân hàng không chỉ chiếm trọn toàn bộ các mã kéo điểm số, mà còn giúp duy trì thanh khoản rất tốt.
MBB có phiên tăng xuất sắc 5,79% trở thành mã kéo chỉ số tốt nhất dù vốn hóa còn khiêm tốt. Mã này cũng có phiên tăng tốt nhất từ cuối tháng 11/2021 và biên độ sáng nay đưa giá quay lại vùng đỉnh lịch sử đầu tháng 7/2021 quanh ngưỡng 32.000 đồng.
MBB cũng là cổ phiếu xác lập vị trí số 1 thị trường về thanh khoản, với trên 39,8 triệu đơn vị tương đương 1.248,4 tỷ đồng. Đây đã là mức gần tương đương ngưỡng thanh khoản lịch sử của mã này. Do đó cơ hội rất cao hôm nay sẽ là một ngày kỷ lục. Thiệt thòi lớn nhất ở MBB là vốn hóa chưa “tới”, nên chỉ đóng góp cho VN-Index khoảng 2,5 điểm.
Nhóm ngân hàng chiếm 9/10 cổ phiếu nâng đỡ điểm số nhiều nhất sáng nay. Kế tiếp MBB là BID tăng 2,68%, TCB tăng 2,56%, CTG tăng 2,28%, ACB tăng 2,28%, HDB tăng 2,77%, TPB tăng 2,4% và VPB tăng 0,59%. Cổ phiếu ngân hàng duy nhất tăng kịch trần là NVB nhưng thanh khoản quá nhỏ, chỉ hơn 3,2 tỷ đồng giá trị.
Trong 27 cổ phiếu ngân hàng trên các sàn, SSB là mã duy nhất giảm 1,53%, VCB tham chiếu, còn lại toàn tăng. 22 mã tăng trên 1%, trong đó 18 mã tăng trên 2%.
Rổ VN30 chốt phiên sáng có 13 mã tăng/16 mã giảm, chỉ số tăng 0,51% thì chủ đạo là các mã ngân hàng. 3 cổ phiếu còn lại tăng là PNJ, GVR và BVH, MSN, trong đó PNJ tăng tốt nhất cũng chưa tới 0,9%.
VN-Index chịu thiệt hại khá nhiều do ảnh hưởng của hai trụ lớn là VIC giảm 1,47% và GAS giảm 2,49%. Ngoài ra nhóm giảm cũng có nhiều trụ như VNM, NVL, SAB, VHM, dù mức giảm không nhiều.
Không chỉ đỡ điểm số, nhóm ngân hàng cũng đóng góp rất lớn cho thanh khoản tăng mạnh sáng nay. Với rổ blue-chips VN30, các mã ngân hàng chiếm gần 68%, giúp thanh khoản của rổ này tăng vọt 88% so với sáng hôm qua, đạt 5.726,3 tỷ đồng, cao nhất 6 phiên sáng gần đây. Trên toàn sàn HoSE, các cổ phiếu ngân hàng chiếm gần 31% giá trị khớp lệnh và HoSE cũng tăng thanh khoản 15% so với sáng hôm qua, đạt gần 14.033 tỷ đồng.
Tại nhóm cổ phiếu đầu cơ, tình hình tiếp tục khả quan hơn với quá trình “trục vớt” cổ phiếu họ FLC đã có kết quả. FLC quay đầu tăng giá 4,96% với khối lượng giao dịch 55,3 triệu cổ tương đương gần 664 tỷ đồng. ROS cũng đã tăng 5,2% với 76,4 triệu cổ tương đương 641,4 tỷ đồng. Như vậy FLC sau khi rơi từ đỉnh cao 24.100 đồng xuống 11.300 đồng mới được “trục vớt”, nhà đầu tư đã bốc hơi hơn 53% tài sản.
Độ rộng ở HoSE phiên sáng ghi nhận 216 mã tăng/230 mã giảm, trong đó 22 mã tăng kịch trần. Chỉ số Smallcap tăng 1,34%, Midcap tăng 0,52% cho thấy giá biến động tốt hơn ở các cổ phiếu vốn hóa nhỏ. Tuy vậy cả Midcap lẫn Smallcap đều có thanh khoản không nổi bật. Midcap giao dịch 5.093 tỷ đồng, thấp hơn VN30, còn Smallcap mới giao dịch 2.148 tỷ đồng. Quá trình bắt đáy thường không thu hút được nhiều tiền do nhà đầu cơ đang quá sợ hãi, chỉ mong thoát được. Khi giá quay đầu hồi lên, tâm lý “sợ cành cong” sẽ ngăn cản dòng tiền lớn hơn, thậm chí là do tài khoản “sứt mẻ” quá nhiều.
Khối ngoại sáng nay xả ròng đột biến 620 tỷ đồng trên sàn HoSE với tổng giá trị bán lên tới 1.068,9 tỷ đồng tương đương 7,4% tổng giá trị giao dịch của sàn này. Mức mua vào chỉ đạt 448,8 tỷ đồng, chiếm 3,1%. KBC bị bán nhiều nhất với 127,3 tỷ đồng ròng. VIC khoảng 52 tỷ, DGW hơn 48 tỷ, MSN gần 42 tỷ. Nhóm STB, NLG, GEX, NVL, HPG, VCG, DXG bị bán ròng trên 20 tỷ đồng. Phía mua lớn nhất là VHM cũng chỉ hơn 21 tỷ đồng.