Thị trường chứng khoán Mỹ tiếp tục giảm điểm trong phiên giao dịch ngày thứ Năm (20/1), đảo ngược xu hướng tăng vào đầu phiên, trong bối cảnh lãi suất tăng tiếp tục gây áp lực lên giá cổ phiếu ở Phố Wall. Giá dầu thô đi xuống từ mức đỉnh 7 năm thiết lập trong phiên trước. Giá tiền ảo cũng giảm.
Lúc đóng cửa, chỉ số Dow Jones giảm 313,26 điểm, tương đương giảm 0,89%, còn 34.715,39 điểm. Chỉ số S&P 500 mất 1,1%, còn 4.482,73 điểm. Chỉ số Nasdaq giảm 1,3%, còn 14.154,02 điểm, dù trước đó trong phiên, có lúc chỉ số này tăng 2,1%.
Hôm thứ Tư, Nasdaq đã rơi vào trạng thái thị trường điều chỉnh (correction) do giảm hơn 10% từ mức kỷ lục thiết lập vào tháng 11.
Chỉ số Russell 2000 của cổ phiếu vốn hoá nhỏ giảm gần 1,9%.
Một báo cáo của Bespoke Investment Group nói rằng bán tháo trong những giờ giao dịch cuối đã trở thành một xu hướng kể từ đầu năm đến nay. “Giá cổ phiếu thường tăng trong buổi sáng, rồi bị bán mạnh vào cuối giờ chiều. Sự giảm điểm tệ hơn bình thường vào cuối phiên đã dẫn tới xu hướng giảm điểm của thị trường trong gần 1 tháng nay”, báo cáo viết.
Cổ phiếu Peloton sụt gần 24% sau khi một tài liệu nội bộ của công ty do hãng tin CNBC thu thập được cho thấy công ty sẽ tạm ngừng sản xuất các thiết bị tập luyện thể thao có kết nối Internet do nhu cầu suy giảm. Năm 2020-2021, giá cổ phiếu Peloton có những giai đoạn tăng bùng nổ nhờ nhu cầu tập luyện tại nhà gia tăng khi các phòng gym đóng cửa.
Gây áp lực giảm lên thị trường phiên này vẫn là đà tăng của lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ, mà nguyên nhân là việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) chủ trương đẩy nhanh thắt chặt chính sách tiền tệ. Cuộc họp của Fed sẽ diễn ra vào tuần tới. Thị trường cho rằng khả năng Fed nâng lãi suất trong lần họp này là thấp, và nghiêng về dự báo Fed sẽ nâng lãi suất từ tháng 3 và có 4 lần nâng trong năm nay.
Lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 2 năm dao động quanh ngưỡng 1,04%, trong khi lợi suất kỳ hạn 10 năm có lúc đạt 1,87%.
“Nhà đầu tư cần nhận thức được rằng năm 2022 có thể sẽ là một năm nhiều biến động hơn của thị trường. Lãi suất chuẩn bị tăng và Mỹ sẽ có cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ. Những đợt tăng giảm mạnh có thể đang đợi nhà đầu tư trong năm nay”, chuyên gia Ryan Detrick của LPL Financial nhận định.
Số liệu thất nghiệp công bố ngày thứ Năm cho thấy làn sóng Covid do biến chủng Omicron có thể đang ảnh hưởng đến phục hồi kinh tế. Số đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu trong tuần kết thúc vào ngày 15/1 là 286.000, mức cao nhất kể từ tháng 10.
S&P 500 đang tiến tới hoàn tất tuần giảm thứ ba liên tiếp. Từ đầu tuần tới nay, Dow Jones đã giảm 3,3%; S&P 500 mất 3,9%; và Nasdaq trượt gần 5%.
Giám đốc đầu tư Brad McMillan của Commonwealth Financial Network thừa nhận biến động trên thị trường có thể kéo dài một thời gian, nhưng nói nhà đầu tư không nên lo ngại về lãi suất tăng, vì đó là chuyện bình thường khi nền kinh tế trở lại trạng thái bình thường.
“Nền kinh tế và thị trường có thể điều chỉnh để thích ứng với những thay đổi về lãi suất. Môi trường này là một phần tất yếu của chu kỳ và chúng ta thường xuyên trải qua”, ông McMillan phát biểu.
Giá dầu thô Brent giao sau tại thị trường London giảm 0,06 USD/thùng, chốt ở 88,38 USD/thùng. Giá dầu thô WTI giao sau tại New York giảm 0,06 USD/thùng, chốt ở 86,9 USD/thùng.
Dầu giảm giá do nhà đầu tư chốt lời sau khi giá dầu đạt đỉnh kể từ năm 2014 trong phiên ngày thứ Tư. Tuy nhiên, nhu cầu tiêu thụ mạnh và nguồn cung eo hẹp vẫn đang tiếp tục hỗ trợ cho giá năng lượng này.
“Những dự báo giá dầu lên 100 USD/thùng đang ngày càng phổ biến”, chuyên gia Tamas Varga thuộc PVM Oil nhấn mạnh.
Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) nói rằng thị trường dầu lửa toàn cầu có thể dư cung trong quý 1 năm nay, nhưng lượng dầu tồn kho đang ở mức thấp hơn nhiều so với mức trướcd dại dịch.
Giá Bitcoin vẫn đang trong xu hướng biến động chậm từ cuối năm ngoái, duy trì trong vùng từ 40.0000-45.000 USD. Lúc hơn 8h sáng nay (21/1) theo giờ Việt Nam, giá Bitcoin theo dữ liệu từ trang Coinmarketcap.com đứng ở 40.911 USD, giảm 2,3% so với cách đó 24 tiếng.