VN-Index đổ gục xuống vùng đỏ lúc cuối phiên do các blue-chips giảm mạnh. Diễn biến này không ảnh hưởng gì tới làn sóng đầu cơ lại bùng nổ. Gần 170 cổ phiếu kịch trần trên 3 sàn, đặc biệt UpCOM tới 113 mã.
Chỉ số VN30-Index trong đợt ATC bổ nhào giảm 0,82% so với tham chiếu, thậm chí tạo đáy sâu nhất phiên cũng đủ thể hiện sự yếu ớt của rổ blue-chips này.
Cổ phiếu ngân hàng và các trụ giao dịch hầu hết là đuối. Trừ VIC điều chỉnh 2,2%, bình thường sau những phiên tăng cực mạnh trước đó thì đa số mã giảm đáng kể, thậm chí là mất sạch mức tăng thời điểm VN-Index vượt đỉnh lịch sử đầu tuần.
Trong số 10 cổ phiếu khiến VN-Index mất điểm nhiều nhất thì chỉ có NVL và MWG là “lạc loài”, còn lại đều là các mã thuộc nhóm Vin và cổ phiếu ngân hàng. Trong đó cổ phiếu ngân hàng khác hoàn toàn so với số còn lại: Nhóm này tăng tốt chỉ một ngày, sau đó giảm đến mức trả lại toàn bộ.
Giảm sâu nhất là CTG, bốc hơi 2,35%. CTG chỉ có phiên duy nhất ngày 4/1 tăng 2,5% hợp sức kéo VN-Index qua đỉnh, nhưng 3 phiên còn lại đều giảm, khiến chung cuộc cả tuần giảm 2,1%. VPB giảm 1,56%, cả tuần giảm 3,4%, TPB giảm 2,38%, cả tuần giảm 0,1%. TCB giảm 0,9%, cả tuần giảm 1,1%...
Cũng có một số cổ phiếu ngân hàng còn tăng giá, trong đó BID mạnh nhất tăng 3,16%, VCB tăng 0,88%. Ngoài ra có một số mã nhỏ như LPB, VBB, PGB, NAB, MBB, ABB, SGB. Trong 10 mã ngân hàng blue-chips thuộc rổ VN30 thì chỉ có 3 mã tăng. Trong 27 mã ngân hàng trên cả 3 sàn có 9 mã tăng, còn lại là giảm.
Rổ VN30 đóng cửa với 8 mã tăng và 21 mã giảm. May mắn số tăng ngoài BID còn có GAS tăng 3,66% thuộc Top 10 vốn hóa ở chỉ số VN-Index. Đây là sự cân bằng yếu giúp chỉ số này chỉ giảm 0,09 điểm lúc đóng cửa. Tuy nhiên thiệt hại ở VN30-Index là quá lớn vì GAS lẫn BID lại quá bé (đóng góp 0,6 điểm trong khi tạo tới 3,5 điểm ở VNI-Index).
Trái ngược với giao dịch nhàm chán ở nhóm blue-chips, các cổ phiếu vốn hóa nhỏ có một phiên nóng bỏng gợi nhớ lại phiên ngày 15/11, thậm chí ở mức độ cao hơn. Ngày 15/11 cả 3 sàn chỉ có 120 mã kịch trần, hôm nay tới 167 mã.
Thanh khoản ở UpCOM hôm nay không có gì đột biến, chỉ khoảng 2.561 tỷ đồng, còn nhỏ hơn hôm qua một chút, nhưng số lượng mã kịch trần thì kỷ lục. Hầu hết các cổ phiếu kịch trần đều có thanh khoản không nhiều. Tuy vậy cũng có một số thu hút dòng tiền rất ấn tượng như VHG khớp 181 tỷ đồng, KSH khớp 45,1 tỷ, PVX khớp 26,5 tỷ. Các mã này có tiềm năng thanh khoản cao hơn nữa vì đã mất thanh khoản bên mua: PVX dư mua trần gần 13,73 triệu cổ, KSH dư mua trần 1,57 triệu cổ, VHG dư mua trần gần 1,8 triệu cổ. UpCOM cũng có nhiều cổ phiếu thanh khoản rất cao với giá tăng tốt: VGT giao dịch 345,7 tỷ đồng giá tăng 7,39%, BSR giao dịch 257,2 tỷ giá tăng 1,25%, G36 giao dịch 94,4 tỷ giá tăng 1,16%, OIL giao dịch 79,5 tỷ giá tăng 2,69%, SSH giao dịch 56,8 tỷ giá tăng 10%...
Đối với hai sàn niêm yết, HNX-Index tăng 1,85% với 22 mã kịch trần, giao dịch lớn tại L18, DL1, VC7, KLF, SD6, ACM. Sàn HoSE có 32 mã kịch trần, chỉ số VNSmallcap tăng 1,55% với 22 mã trần. Giao dịch lớn tại AMD, HAI, LCG, LDG, QCG, BCG... toàn trên trăm tỷ đồng.
Tuy nhiên tổng thể thanh khoản hai sàn niêm yết hôm nay giảm thanh khoản 10% so với hôm qua, đạt 33.254 tỷ đồng. Nguyên nhân giảm một phần vì giao dịch mất thanh khoản ở các mã trần. Tuy vậy căn bản vẫn là VN30 giảm tới 14% giá trị giao dịch. Dòng tiền tập trung lớn nhất vào Midcap với 39% sàn HoSE. Smallcap chiếm khoảng 19,3% còn VN30 là 29,9%.
Nhà đầu tư nước ngoài có một phiên xả dữ dội blue-chips. Cổ phiếu trong rổ VN30 bị bán ròng 573,1 tỷ đồng trong khi tổng sàn HoSE là 477 tỷ đồng. VRE bị rút tới 266 tỷ đồng ròng, VIC trên 160 tỷ, VNM hơn 125 tỷ, NVL khoảng 122 tỷ... Phía mua có VHM gần 141 tỷ đồng ròng, HPG trên 57 tỷ, GAS 44 tỷ, VCG gần 44 tỷ đồng.