March 03, 2022 | 12:05 GMT+7

Cổ phiếu thép, phân bón, than tiếp tục tăng nóng

Kim Phong -

Diễn biến phục hồi của chứng khoán thế giới đêm qua đã cổ vũ thị trường trong nước sáng nay. Ngoài các nhóm cổ phiếu tâm điểm hưởng lợi từ xung đột Nga – Ukraine, số lớn các mã khác cũng quay đầu hồi lại, kể cả cổ phiếu ngân hàng...

VN-Index lẫn VN30-Index vẫn không có các cổ phiếu dẫn dắt đủ mạnh.
VN-Index lẫn VN30-Index vẫn không có các cổ phiếu dẫn dắt đủ mạnh.

Diễn biến phục hồi của chứng khoán thế giới đêm qua đã cổ vũ thị trường trong nước sáng nay. Ngoài các nhóm cổ phiếu tâm điểm hưởng lợi từ xung đột Nga – Ukraine, số lớn các mã khác cũng quay đầu hồi lại, kể cả cổ phiếu ngân hàng.

Thanh khoản sụt giảm đáng kể do giao dịch chậm lại ở nhiều nhóm cổ phiếu quan trọng, tuy nhiên những mã đang trong xu hướng tăng tốt vẫn hấp dẫn dòng tiền ổn định. Cổ phiếu thép là tâm điểm thanh khoản.

HPG xuất hiện một phiên bùng nổ giao dịch với hơn 2.006,6 tỷ đồng và 41,56 triệu cổ phiếu. Mới phiên sáng mà cổ phiếu này đã đạt thanh khoản cao nhất trong vòng 3 tháng. Giá tăng 3,52% đưa HPG vượt lên trên vùng tích lũy tháng 2. Khối ngoại vẫn bán ròng HPG khoảng 61 tỷ đồng nhưng lượng bán chìm nghỉm trong sức cầu dữ dội từ nhà đầu tư trong nước. Khoảng 3,6 triệu HPG bị bán ra chỉ tương đương 8,6% tổng thanh khoản.

Hai mã thép còn lại cũng có giao dịch rất lớn là HSG với 571,8 tỷ đồng và NKG với 473,4 tỷ đồng. HSG tăng 4,29%, NKG tăng 3,94%. Mới phiên sáng mà hai mã này cũng đã xấp xỉ và lớn hơn cả thanh khoản trọn phiên hôm qua. Ba cổ phiếu thép này cũng là 3 mã thanh khoản lớn nhất thị trường và tiềm năng sẽ còn giao dịch lớn hơn nữa.

Nhóm phân bón thanh khoản không nổi bật bằng nhóm thép nhưng DCM, DPM đều lọt vào Top 15 cổ phiếu giao dịch lớn nhất thị trường. DCM tăng 2,31% lên 39.900 đồng, chính thức quay lại đỉnh cao lịch sử hồi tháng 12 năm ngoái. DPM tăng 1,34%, vẫn đang trong hành trình đi tìm đỉnh mới vì đã vượt đỉnh lịch sử từ đầu tuần.

Nhóm cổ phiếu than hầu hết là không thu hút được dòng tiền lớn so với mặt bằng chung nhưng đều ghi nhận mức giao dịch vượt trội so với bình quân của chính mình. TC6, NBC tăng kịch trần; HLC tăng 8,4%, TDN tăng 8%, TMB tăng 7,8%, TVD tăng 7,6%, THT tăng 6%, CST tăng 5,1%...

Độ rộng sàn HoSE sáng nay khá tốt với 253 mã tăng/181 mã giảm. Như vậy diễn biến tăng giá đã quay lại ở diện rộng, phản ánh một phiên phục hồi khá đều. Thậm chí độ nóng có phần cao với 22 mã tăng kịch trần và khoảng 120 mã khác tăng trên 1%.

Tuy vậy VN-Index lại chỉ tăng nhẹ 5,94 điểm tương đương 0,4%. Nguyên nhân là không có trụ nào xuất sắc cả. HPG tăng 3,52%, GVR tăng 1,69%, PLX tăng 1,95% là các mã mạnh nhất. VIC có tăng tốt trong nửa đầu phiên sáng, lúc đạt đỉnh trên tham chiếu 1,9% nhưng cuối phiên chỉ còn tăng 0,51%. Các cổ phiếu ngân hàng cũng quay đầu xanh khá nhiều sau phiên rơi thảm thiết hôm qua, nhưng mức tăng đa số là yếu với các blue-chips quan trọng: VCB giảm 0,12%, BID tham chiếu, CTG tăng 0,47%, TCB tăng 0,2%, VPB tăng 0,68%... Các trụ khác như VHM, VNM cũng chỉ tham chiếu.

VN-Index đi ngang yếu sáng nay.
VN-Index đi ngang yếu sáng nay.

VN30-Index tăng 0,42% với 16 mã tăng/8 mã giảm cũng đủ thấy đà tăng giá là kém, dù số lượng tương đối nhiều. Nhóm blue-chips vẫn tiếp tục không có động lực dứt khoát, các mã tăng tốt chỉ mang tính chất cá biệt như thép, dầu khí. Sự phục hồi của nhóm cổ phiếu ngân hàng không dứt khoát là một điểm yếu, phần lớn các mã nhóm này tụt giá đáng kể so với đỉnh đầu phiên. Mặt khác dòng tiền vào cổ phiếu ngân hàng hơi đuối, tổng giao dịch ở tất cả các mã nhóm này trên HoSE chỉ chiếm cỡ 13,1% sàn, một tỷ trọng rất thấp.

Nhóm thép, dầu khí, phân bón và vài mã bất động sản là những cổ phiếu “gồng” thanh khoản cho thị trường sáng nay. Tuy vậy tổng giao dịch khớp lệnh hai sàn niêm yết vẫn giảm 13% so với sáng hôm qua, đạt 18.306 tỷ đồng. HoSE giảm 14% giao dịch và VN30 giảm tới 31%.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate