Tâm điểm của nỗ lực này là việc nhiều cấp chính quyền trung ương tăng cường nắm giữ cổ phần tại các công ty tư nhân.
Tỷ lệ cổ phần của các cơ quan Chính phủ đôi khi rất nhỏ, ví dụ chỉ 1% cổ phần mà một quỹ của cơ quan quản lý không gian mạng của Trung Quốc gần đây nằm giữ tại một công ty con về truyền thông kỹ thuật số của tập đoàn Alibaba. Tuy nhiên, cổ phần này thường mang lại cho các cơ quan Chính phủ vị trí trong hội đồng quản trị, quyền biểu quyết và tác động tới các quyết định kinh doanh. Cổ phần này thường được gọi là “cổ phiếu vàng”.
DOANH NGHIỆP KHÔNG CÓ NHIỀU LỰA CHỌN
Về phía doanh nghiệp, họ không có nhiều lựa chọn bởi để có thể tiếp tục duy trì hoạt động kinh doanh, việc bán cổ phần như vậy cho một cơ quan Chính phủ là điều tối quan trọng. Về phía cơ quan nhà nước, “cổ phiếu vàng” đồng nghĩa với sự tham gia trực tiếp hơn vào hoạt động của các doanh nghiệp nổi bật nhất đất nước - “xương sống” của nền kinh tế số tại Trung Quốc, thậm chí một số trường hợp còn là “con cưng” của các nhà đầu tư toàn cầu.
Theo các quan chức và cố vấn Chính phủ tham gia vào các cuộc thảo luận chính sách, ban đầu Chính phủ muốn thâu tóm những cổ phần như vậy với mục đích khác. Trong một kế hoạch cải cách được ban hành vào năm 2013, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nêu ý tưởng về việc Chính phủ nắm giữ một lượng cổ phần nhỏ tại các công ty tư nhân nhằm giảm vai trò của nhà nước trong nền kinh tế.
Theo các tài liệu năm 2013 và những người liên quan, ý tưởng về cổ phiếu vàng - được gọi là “cổ phiếu quản lý đặc biệt” trong tài liệu chính thức - nhằm mục đích để nhà nước dành phần lớn quyền sở hữu tại các doanh nghiệp tư nhân cho nhà đầu tư cá nhân mà không mất hoàn toàn quyền kiểm soát.
Tuy nhiên, đến nay, nhiều người quan ngại rằng sự tham gia của Bắc Kinh vào các doanh nghiệp tư nhân đang làm căng thẳng thêm mối quan hệ giữa Trung Quốc và Mỹ.
Theo các nhà phân tích, kết quả của việc này là ranh giới giữa khu vực tư nhân và các cơ quan nhà nước ngày càng bị xóa nhòa. Điều này đảo ngược xu hướng bắt đầu từ cuối những năm 1970, khi nhà lãnh đạo Trung Quốc Đặng Tiểu Bình yêu cầu nhà nước thu hẹp quyền kiểm soát doanh nghiệp và để các doanh nghiệp tư nhân phát triển.
“Ranh giới đang bị xóa nhòa này đang khiến các nhà hoạch định chính sách ở Mỹ và các quốc gia khác có quan điểm áp đặt hạn chế đối với doanh nghiệp Trung Quốc”, ông Scott Kennedy, chuyên gia về Trung Quốc tại Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS), một nhóm chuyên gia cố vấn của Chính phủ Mỹ tập trung vào các vấn đề quốc tế, nhận xét: “Giờ đây, các doanh nghiệp tư nhân đối mặt gánh nặng chứng minh rằng họ không phải một công ty con của nhà nước”.
Khoảng một thập niên trước, Chính phủ Trung Quốc gần như thả nổi để các doanh nghiệp tư nhân, đặc biệt là công ty công nghệ, phát triển. Tuy nhiên, khi các công ty này phát triển lớn hơn và quyền lực hơn, độ phủ rộng lớn của họ tới các mặt của đời sống xã hội khiến Chính phủ đặc biệt quan tâm.
Cuối năm 2020, Bắc Kinh khởi động chiến dịch siết quản lý đối với các công ty công nghệ và lãnh đạo chủ chốt của công ty. Trường hợp đáng chú ý nhất là tỷ phú Jack Ma và tập đoàn Alibaba với một án phạt kỷ lục vì kinh doanh độc quyền và đình chỉ thương vụ IPO “khủng” của công ty con Ant Group. Riêng ông Jack Ma từ đó gần như ở ẩn và biến mất khỏi truyền thông.
GIA TĂNG VỀ MỨC ĐỘ ĐIỀU TIẾT VÀ CAN THIỆP CỦA NHÀ NƯỚC
Từ năm 2016, các nhà chức trách Trung Quốc đã thảo luận về việc nắm giữ cổ phần tại các công ty truyền thông trực tuyến, đổi lại sẽ cấp phép mở rộng hoạt động. Trong hai năm qua, các giao dịch như thế này ngày càng phổ biến hơn. Bắc Kinh đã quay sang sử dụng cơ chế “cổ phiếu vàng” để tăng sức ảnh hưởng tại các doanh nghiệp có độ phủ và quyền lực lớn đời sống của hơn 1 tỷ dân, đặc biệt là các trang tin và trang nội dung.
Nhiều cơ quan nhà nước của Trung Quốc đã nắm giữ một lượng cổ phần nhỏ tại Sina Weibo, 36kr và Qutoutiao - các công ty đang niêm yết ở Mỹ và Kuaishou Technology - công ty đằng sau ứng dụng video ngắn phổ biến đang niêm yết ở Hồng Kông.
Cổ phần trong các công ty con của Alibaba và ByteDance Ltd. - công ty mẹ của TikTok – cho phép Chính phủ can thiệp và giám sát sự phát triển của các gã khổng lồ công nghệ này. Nguồn tin của Wall Street Journal cho biết cơ quan quản lý không gian mạng Trung Quốc đang thảo luận với tập đoàn công nghệ Tencent về việc việc đầu tư vào một công ty con của tập đoàn này.
“Cổ phiếu vàng” đã trở thành một công cụ hữu ích để đảm bảo các công ty lớn tuân thủ các mục tiêu của nhà nước dù nhà nước không phải là cổ đông lớn.
“Dù thời kỳ của những đợt sóng điều tiết lớn giáng xuống lĩnh vực công nghệ ở Trung Quốc có thể đã qua, giờ đây các doanh nghiệp công nghệ nước này phải đối mặt với sự gia tăng về mức độ điều tiết và sự can thiệp của nhà nước”, ông Martin Chorzempa, thành viên cấp cao tại Viện Kinh tế Quốc tế Peterson, nhận xét.
Theo một nghiên cứu của bà Lauren Yu-Hsin Lin thuộc Trường Luật Đại học Thành phố Hồng Kông và ông Curtis Milhaupt thuộc Trường Luật Stanford, tính tới năm 2022, khoảng 37% công ty niêm yết tại Thượng Hải và Thẩm Quyến đã sửa đổi điều lệ doanh nghiệp để hợp thức hóa vai trò của cơ quan nhà nước trong nội bộ công ty, tăng từ tỷ lệ 6% của năm 2018.
Tuy nhiên, theo một số nhà phân tích, “cổ phiếu vàng” cũng có thể là một phương thức để Bắc Kinh bảo vệ các doanh nghiệp khỏi bị ảnh hưởng bởi căng thẳng trong quan hệ Mỹ-Trung. Sau chính quyền của cựu Tổng thống Donald Trump bất thành trong việc yêu cầu ByteDance từ bỏ hoạt động kinh doanh của TikTok tại Mỹ, các nhà lãnh đạo tại Trung Quốc đã sử dụng cơ chế “cổ phiếu vàng” để ngăn các công nghệ nội địa rơi vào tay nước ngoài - Wall Street Journal dẫn nguồn thân cận cho biết.
Vào tháng 4/2021, một quỹ do cơ quan quản lý không gian mạng Trung Quốc hậu thuẫn đã mua 1% cổ phần của Beijing Douyin Information Service Co. - công ty con chủ chốt của ByteDance tại Trung Quốc, và bổ nhiệm một quan chức vào ban quản trị của công ty này.
Theo nguồn tin trên, động thái này một phần nhằm đảm bảo Chính phủ có tiếng nói về số phận của các thuật toán TikTok - công thức bí mật của ứng dụng chia sẻ video nổi tiếng này dùng để định hướng nội dung cho người dùng. Bắc Kinh muốn ngăn chặn việc bán hoặc chuyển giao các thuật toán đó. Một giám đốc hiện tại của ByteDance được cơ quan quản lý không gian mạng chỉ định là một quan chức từ văn phòng giám sát bảo mật dữ liệu và quản trị thuật toán.
ByteDance cho biết Beijing Douyin Information Service Co. đã phải áp dụng một thỏa thuận về “cổ phần quản lý đặc biệt” để có được giấy phép hoạt động cho các ứng dụng truyền thông xã hội của mình. Công ty này cũng cho biết Beijing Douyin Information Service Co. không tham gia vào các hoạt động trên toàn cầu - trong đó có TikTok - của công ty mẹ.
Tuy nhiên, theo nguồn tin thân cận, vị giám đốc được cơ quan quản lý an ninh mạng bổ nhiệm vào hội đồng quản trị của công ty có quyền phủ quyết đối với nội dung trên các ứng dụng bao gồm Douyin - phiên bản tiếng Trung của TikTok. Người này cũng có quyền biểu quyết với các vấn đề của công ty như nhân sự, chế độ lương thưởng, kế hoạch đầu tư hoặc thoái vốn.
“Ở Trung Quốc, đây là điều bình thường”, nguồn tin thân cận của Wall Street Journal nói.