Khả năng đỡ giá ổn định ở VIC là nhân tố quan trọng giúp VN-Index được neo cao sát ngưỡng 1.500 điểm trong ngày hôm nay. Nhóm cổ phiếu trụ thực ra tăng giá không nhiều, đặc biệt là các mã ngân hàng, nên VN30-Index chỉ may mắn có màu xanh những phút cuối phiên.
Một đợt chốt lời khá mạnh đối với các nhóm cổ phiếu hưởng lợi từ căng thẳng Nga – Ukraine như phân bón, thép, dầu khí, than góp phần khiến thị trường nguội đi một chút. Bù lại số lớn cổ phiếu đầu cơ khác lại tăng, nhất là các mã bất động sản nhỏ.
Khác biệt trong phiên hôm nay là cổ phiếu VIC đã tăng trở lại sau khi rơi xuống “đầu 7” trong ngày hôm qua. Hồi tháng 7 năm ngoái VIC đã một lần điều chỉnh xuống quanh mức giá này, nên có thể xem là vùng hỗ trợ đầu tiên trước khi xuất hiện rủi ro giảm sâu hơn.
Điều quan trọng của VIC hôm nay là khả năng duy trì mức tăng. Đã nhiều lần trong xu hướng giảm hiện tại, VIC có vài nhịp tăng trong ngày, nhưng sau đó đều giảm tiếp. Hôm nay VIC tăng mạnh ngay từ giữa phiên sáng, sau đó tụt giảm tới 2 nhịp, nhưng rồi kết phiên vẫn trên tham chiếu 2,86%.
Đặc biệt trong khoảng 4 phút cuối VIC được đẩy lên khá nhiều. Đó chính là thời điểm VN30-Index đã tụt qua mốc tham chiếu, VN-Index đã co mức tăng lại chỉ còn chưa tới 5 điểm. Nhờ VIC mạnh trở lại nên VN30-Index được đẩy tăng 0,19% và VN-Index tăng 0,58% lúc đóng cửa.
Một phiên đảo chiều tăng của VIC chưa thể xác nhận cổ phiếu này đã chạm đáy, nhưng ít nhất hiệu quả hôm nay là đỡ cho các chỉ số thoát khỏi sức ép. Hôm nay là phiên rất có thể tâm lý bị ảnh hưởng do áp lực chốt lời lớn từ những cổ phiếu đang thu hút dòng tiền như thép, phân bón, dầu khí, than. Nhóm này hầu hết là bị ép đến hết phiên, thậm chí nhiều mã còn giảm giá cuối ngày.
Hai mã tiêu biểu của nhóm phân bón là DCM và DPM đều chốt phiên ở mức đỏ: DCM giảm 0,27% và DPM giảm 1,39%. Các mã như LAS, BFC, CSV, PMB, PSW, PSE, PCE đều “đỏ đậm”. Rieng SFG vẫn kịch trần. Cổ phiếu dầu khí cũng không hơn gì, trừ PVS và PVC còn tăng nhẹ, đa số giảm giá, trong đó GAS giảm 0,25%, PLX giảm 1,61%.
Nhóm cổ phiếu thép cũng chỉ còn HSG và NKG là tăng rõ, tương ứng 1,69% và 2,49%. Tuy vậy cả hai mã này đều yếu hơn buổi sáng: HSG chốt phiên sáng còn tăng 3,39%, NKG tăng 4,08%.
Bù lại chiều nay các cổ phiếu đầu cơ nhỏ giao dịch tốt. HoSE ghi nhận 22 cổ phiếu tăng kịch trần. DQC, YEG, PTC, DIG, HQC, HDC, QBS, TSC, HAG... đều tăng trần. Thống kê riêng sàn này có 94 cổ phiếu tăng trên 2% và 50 cổ phiếu khác tăng trên 1%. Mặt bằng giá như vậy là tốt hơn phiên sáng một chút. Nhóm Smallcap và Midcap cũng tăng thanh khoản nổi bật so với hôm qua, tương ứng 15% và 20% trong khi Vn30 lại giảm khoảng 5%.
Rổ VN30 kết phiên với 17 mã tăng/11 mã giảm, độ rộng không kém, nhưng nhóm ngân hàng lại hơi yếu khiến chỉ số tăng ít. Các mã ngân hàng tăng tốt nhất chỉ là TPB tăng 1,3%, VCB tăng 0,59%, CTG tăng 0,45%, còn lại đa số giảm.
Do các cổ phiếu dẫn dắt không có sự đồng thuận đủ nhiều nên VN-Index không thể vượt qua mốc 1.500 điểm. Khoảng giữa phiên chiều nay, chỉ số thậm chí đã lên 1.501,73 điểm, nhưng lại tụt xuống. Dù vậy chỉ số này cũng tăng được 8,65 điểm, xấp xỉ mức giảm trong ngày đầu tuần. Sự giằng co này vẫn níu giữ hi vọng chỉ số sẽ tiếp tục tìm cách chinh phục trở lại mốc 1.500 điểm.
Thanh khoản hôm nay gia tăng khá tốt gần 12% so với hôm qua tại các giao dịch khớp lệnh trên hai sàn niêm yết, đạt 28.351 tỷ đồng. Đây là tín hiệu tích cực cho thấy dòng tiền vẫn đang tìm kiếm cơ hội giữa khủng hoảng chính trị. Hôm nay cũng là phiên T+3 của lượng hàng bắt đáy tại ngày 24/2 – thời điểm chiến sự Nga – Ukraine nổ ra – về đến tài khoản. Với độ rộng duy trì khá tốt 247 mã tăng/204 mã giảm, lực cầu vẫn đang duy trì được giá đi lên.