Căng thẳng Nga - Ukraine gần đây đã làm chao đảo giới đầu tư khi lo ngại ảnh hưởng tiêu cực tới thị trường tài chính toàn cầu gồm cả Việt Nam. Đặc biệt, sáng ngày 27/2, Mỹ, Anh, Canada và Ủy ban Châu Âu thông báo chặn kết nối của một số ngân hàng Nga khỏi hệ thống thanh toán quốc tế SWIFT.
SWIFT là tên viết tắt của Hiệp hội Viễn thông tài chính liên ngân hàng toàn cầu, được thành lập vào năm 1973 và có trụ sở tại Bỉ. Đây là hệ thống truyền tin nhắn giao dịch toàn cầu, kết nối hơn 11.000 tổ chức tài chính tại hơn 200 quốc gia và vùng lãnh thổ. Việc loại Nga ra khỏi SWIFT sẽ gây ảnh hưởng lớn nền kinh tế Nga. Năm 2012, Iran bị cắt kết nối khỏi SWIFT vì chương trình hạt nhân và nước này đã bị mất 50% doanh thu xuất khẩu dầu mỏ và 30% mậu dịch với nước ngoài.
ẢNH HƯỞNG THẾ NÀO TỚI CÁC DỰ ÁN NGA ĐẦU TƯ TẠI VIỆT NAM?
Số liệu mới nhất từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, tính đến thời điểm cuối tháng 2/2022, Nga đứng vị trí thứ 24 trong các quốc gia vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam với 151 dự án tổng giá trị lên đến 953 triệu USD. Trong khi đó, Ukraine đứng ở vị trí thứ 69 với 26 dự án tổng giá trị 30,03 triệu USD.
Các dự án Nga đầu tư tại Việt Nam chủ yếu tập trung ở lĩnh vực năng lượng. Trong số các dự án đầu tư, Doanh nghiệp Nga-Việt Vietsovpetro là công ty lớn thứ 8 ở Việt Nam và sản xuất 1/3 lượng dầu của cả nước.
Thời điểm giữa năm 2021, tập đoàn Novatek, nhà sản xuất khí đốt độc lập lớn nhất của Nga, đã ký Biên bản ghi nhớ (MoU) với Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Thuận để phát triển một dự án sản xuất năng lượng LNG (khí tự nhiên hóa lỏng trọng tải thấp) tích hợp tại Việt Nam. Chưa kể những tập đoàn dầu khí lớn hàng đầu của Liên bang Nga như Gazprom và Rosneft cũng dự kiến sẽ tham gia vào nhiều dự án nữa ở thềm lục địa của Việt Nam vào năm 2030.
Theo đánh giá mới nhất của VnDirect, việc loại Nga ra khỏi SWIFT sẽ ít ảnh hưởng đến xuất khẩu dầu mỏ, khí đốt của Nga hơn trường hợp của Iran, do thực tế là châu Âu chịu sự phụ thuộc lớn vào nguồn cung dầu và khí đốt từ Nga. Nga là nhà cung cấp khí đốt tự nhiên lớn nhất cho châu Âu, cung cấp tới 35% nguồn cung cho khu vực này. Nếu nguồn cung khí đốt từ Nga bị gián đoạn (do biện pháp trả đũa của Nga) có thể gây thiệt hại lớn đến nền kinh tế của Châu Âu.
Với việc bị loại khỏi SWIFT, Nga có thể sử dụng các công cụ truyền thống trước đây như điện thoại, máy điện tín, email để thực hiện giao dịch liên ngân hàng và có thể thúc đẩy Nga tham gia các nền tảng công nghệ khác, như Hệ thống thanh toán quốc tế xuyên biên giới (CIPS) mà Trung Quốc xây dựng từ năm 2015.
"Chúng tôi cho rằng các lệnh trừng phạt, bao gồm cả việc chặn kết nối SWIFT của hệ thống tài chính Nga sẽ ảnh hưởng đến các dự án đầu tư của Nga tại Việt Nam, phần lớn là các dự án điện và dầu khí", VnDirect nhấn mạnh.
Hiện, dự án Nhiệt Điện Long Phú 1 (tổng công suất 1.200MW) do Power Machines (Nga) là tổng thầu đang chậm kế hoạch 2 năm do vướng lệnh cấm vận. Dự án điện khí Quảng Trị (340MW), mà Gazprom (Nga) tham gia đầu tư cũng đang chậm tiến độ 2 năm so với cam kết ban đầu. Dự án điện gió ngoài khơi Vĩnh Phong (công suất 1.000MW) do liên doanh Zarubezhneft JSC (Nga) và DEME Concessions (Bỉ) đã ký biên bản ghi nhớ vào tháng 4/2021.
Ngoại trừ dự án điện khí Quảng Trị, 2 dự án Long Phú 1 và Vĩnh Phong đều đã đưa được đưa vào Dự thảo Quy hoạch điện 8. Trong khi Vĩnh Phong vẫn chưa được khởi công thì dự án Long Phú 1 đang rơi vào “bế tắc” vì vẫn chưa thể lắp đặt thiết bị.
Ngoài ra, các đối tác Gazprom và Zarubezhneft cũng đang tham gia vào các dự án thăm dò dầu khí như Lô 129-132 (bể Nam Côn Sơn), dự án tích hợp phát triển mỏ Báo Vàng tại các Lô 111/04, 112, 113.
Dẫu vậy, theo đánh giá của VnDirect, những dự án này đều có quy mô nhỏ và đang dừng lại ở giai đoạn thăm dò tìm kiếm và chưa được triển khai tiếp. Do đó việc ngưng trệ khai thác không ảnh hưởng nhiều đến quy mô của của ngành.
GIÁ DẦU CÓ THỂ LÊN 110 USD/THÙNG
Đánh giá chi tiết thêm về căng thẳng Nga - Ukraine lên giá dầu, theo VnDirect, áp lực tăng giá sẽ vẫn tiếp tục duy trì trong một thời gian ngắn sắp tới, dầu Brent có thể đạt đỉnh ở vùng giá quanh 105-110 USD/thùng. Sau đó, giá dầu sẽ dần hạ nhiệt và ổn định quanh mức 90 USD/thùng trong một vài tháng tới nhờ nguồn cung bổ sung tiềm năng đến từ Mỹ, Iran và OPEC.
Dữ liệu lịch sử cũng chỉ ra rằng, giá dầu thường đã phản ảnh trước một phần mối lo về các sự kiện căng thẳng địa chính trị và có thể sẽ duy trì đà tăng trong một thời gian ngắn (2- 3 tuần lễ) trước khi quay trở lại mức cân bằng để phản ánh tình trạng cung cầu thực tế trên thị trường.
VnDirect cũng cho rằng, đà tăng của giá vàng có thể sớm kết thúc. Vàng vốn dĩ được coi là “tài sản trú ẩn an toàn” và dữ liệu lịch sử cho thấy mỗi khi các cuộc xung đột và căng thẳng địa chính trị diễn ra thì giá vàng có xu hướng tăng trong ngắn hạn. Tuy vậy, đà tăng của giá vàng thường không kéo dài và sẽ quay đầu giảm trở lại khi tình hình căng thẳng hạ nhiệt.
Thống kê lịch sử cho thấy, mỗi khi sự kiện xung đột và căng thẳng địa chính trị diễn ra thì giá vàng thường lập đỉnh trong vòng 2-3 tuần sau đó, với mức tăng bình quân khoảng 4,3%. Sau đó, giá vàng có xu hướng quay đầu giảm khi tình hình căng thẳng hạ nhiệt.
Trong khoảng thời gian 3-12 tháng, tác động của sự kiện đến giá vàng sẽ phai nhạt. Động lực khi đó của giá vàng sẽ phụ thuộc vào các số liệu kinh tế và chính sách tiền tệ nhiều hơn. Trong bối cảnh cục dự trữ liên bang Mỹ (FED) có thể bắt đầu tăng lãi suất điều hành trong cuộc họp giữa tháng 3 tới đây thì áp lực đè lên giá vàng sẽ lớn dần. "Chúng tôi cho rằng đà tăng ngắn hạn của giá vàng có thể sớm kết thúc và bước vào một giai đoạn điều chỉnh khi FED đẩy nhanh quá trình bình thường hóa chính sách tiền tệ và tăng lãi suất điều hành trong năm 2022", VnDirect nhấn mạnh.