Sự ổn định của chỉ số nhờ các blue-chips giữ nhịp tốt đang tạo điều kiện để dòng tiền lựa chọn cổ phiếu một cách tự tin hơn. Nhóm vừa và nhỏ sáng nay khởi sắc nổi bật nhờ lợi thế thanh khoản thấp và áp lực bán yếu.
Sau phiên rung lắc biên độ cực lớn và kết thúc khá tích cực hôm qua, thị trường lợi đà tâm lý đáng kể, nhất là khi chứng khoán thế giới cũng khởi sắc, các thông điệp mềm mỏng về thuế quan và xung đột thương mại cũng xuất hiện. Dù vậy đây vẫn là giai đoạn chờ đợi các kết quả thực tế hơn là lời nói.
Giao dịch sáng nay không thực sự mạnh và khá thận trọng. Thị trường mở cửa tăng rất tốt với 18,5 điểm, tương đương gần 1,55%. Đây cũng là biên độ tăng cao nhất của phiên. Sau đó thị trường chậm lại và nhiều cổ phiếu lùi giá xuống nhưng cơ bản vẫn là tăng. VN-Index lùi sâu nhất khoảng 10h10 vẫn tăng hơn 5 điểm với 335 mã tăng/110 mã giảm. Kết phiên chỉ số tăng 12,5 điểm (+1,04%) với 369 mã tăng/114 mã giảm.
Như vậy đa số cổ phiếu vẫn có rung lắc nhẹ sáng nay nhưng bên bán không gây áp lực nhiều. Thực tế chính các blue-chips mới là nhóm tạo rung lắc này. VN30-Index tạo đáy cùng với VN-Index và kết phiên sáng tăng 0,99%, vẫn chưa vượt được đỉnh cao nhất đầu ngày. Trong khi đó Midcap kết phiên tăng 2,02%, Smallcap tăng 1,56% đều đang ở mức cao nhất.
Nhiều trụ đang trượt giá đáng kể dù hiện rổ VN30 chỉ có 2 mã đỏ nhưng tới 27 mã xanh. VIC đạt đỉnh sau 9h30 tăng 2,2% nhưng sau đó rơi trở lại tham chiếu. VCB đang tăng nhẹ 0,34% sau khi tuột mất tới 1,18% so với giá đỉnh ngay sau khi mở cửa. Loạt cổ phiếu ngân hàng rất lớn khác như BID, CTG, TCB cũng tương tự, mở cửa giá cao nhất sau đó tuột xuống, biên đột trượt giảm đều trên 1%.
Bù lại các blue-chips vẫn duy trì được dòng tiền nâng đỡ khá ổn định trên mức giá tham chiếu. Lúc kém nhất rổ VN30 có 11 cổ phiếu đỏ nhưng hiện hầu hết đã phục hồi. FPT giảm 0,63%, SHB giảm 1,52% là hai mã duy nhất chưa lên được. Tuy nhiên FPT cũng đã phục hồi 1,86% so với giá đáy và SHB hồi 1,56%. Thanh khoản rổ VN30 sáng nay tăng gần 39% so với sáng hôm qua, đạt xấp xỉ 5.340 tỷ đồng, cao nhất trong 6 phiên sáng trở lại đây. Đồng thời, rổ này chiếm 56,9% tổng giá trị khớp lệnh sàn HoSE, một tỷ trọng rất cao. Đây là tín hiệu về dòng tiền tập trung giữ ổn định trong nhóm blue-chips.
Tới 16/30 mã của rổ đang tăng trên 1% so với tham chiếu, trong đó 7 mã tăng từ 2% trở lên. Dẫn đầu đang là VRE tăng 5,1%, SAB tăng 3,33%, VJC tăng 2,87%, BVH tăng 2,76%, SSI tăng 2,7%, MWG tăng 2,62%. Có thể thấy không mã nào trong nhóm này lọt được vào Top 10 vốn hóa của VN-Index. Thậm chí cổ phiếu vốn hóa lớn nhất là MWG cung chỉ đứng thứ 16. Sức mạnh không tốt ở nhóm vốn hóa hàng đầu đang hãm đà phục hồi của VN-Index nhưng điều đó không quan trọng vì dòng tiền vẫn đang tập trung vào các cơ hội cụ thể.

Toàn sàn HoSE đang có tới 120 mã tăng từ 2% trở lên, ngoài ra là 60 mã khác tăng hơn 1%. Nhóm tăng xuất sắc này chiếm 60,4% tổng thanh khoản khớp lệnh sàn. Đây là động lực tích cực vì đa số nhà đầu tư sẽ cảm thấy danh mục của mình tăng trưởng mạnh.
Nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ đang có rất nhiều đại diện nổi bật: VTP, DCL, DXS, SGR, CTI, DXG, APG kịch trần với thanh khoản tương đối lớn. Thậm chí DXG khớp 167,1 tỷ đồng. Các mã khác như CTR, BAF, YEG, NTL, TCH, HSG, BMP tăng vượt 5%. Rổ VN30 chỉ có duy nhất VRE lọt vào nhóm hàng đầu này.
Từ góc độ thanh khoản, BAF, DIG, DBC, VIX, GEX, NVL, DGC, TCH, VCG, HCM đều khớp cả trăm tỷ đồng mỗi mã. Nhóm này dù cũng xuất hiện nhịp lùi giá trong phiên nhưng khả năng duy trì thanh khoản cao cho thấy dòng tiền sẵn sàng đón đỡ. Đây là trạng thái giao dịch rất cởi mở.
Phía giảm giá sáng nay không có gì đáng chú ý, hầu hết là thanh khoản rất nhỏ hoặc biên độ không đáng kể. SHB và FPT là hai cổ phiếu có giao dịch lớn nhất ở nhóm này, ngoài ra lác đác vài cổ phiếu khác như GEE giảm 1,29% với 32,7 tỷ; KDC giảm 2,09% với 23,4 tỷ; HAH giảm 0,66% với 31,2 tỷ; PVT giảm 0,49% với 21,5 tỷ; PHR giảm 0,24% với 21,9 tỷ.
Nhà đầu tư nước ngoài đang bán ròng 286,8 tỷ đồng trên HoSE, thấp hơn đáng kể so với sáng hôm qua (523,1 tỷ). Khối này đã giảm bán 12% và tăng mua 8%. FPT đang bị xả nhiều nhất với -137,3 tỷ, SHB -60,2 tỷ, MBB -38,4 tỷ. Phía mua ròng có BAF +49,5 tỷ, VNM +41,5 tỷ, DXG +28,5 tỷ, VRE +24,6 tỷ, TCH +23,8 tỷ.