Mặc dù phải chi một khoản kinh phí lên đến 648 tỷ đồng, song Chính phủ vẫn đề nghị mở rộng đối tượng được cấp thẻ căn cước công dân.
Tại tờ trình dự án Luật Căn cước công dân vừa được gửi đến đại biểu Quốc hội, Chính phủ nêu rõ, Hiến pháp năm 2013 đã quy định quyền tự do đi lại, giao dịch, quyền bất khả xâm phạm về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân và bí mật gia đình là quyền con người, quyền công dân được Nhà nước công nhận, tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm.
Căn cước công dân liên quan trực tiếp đến những quyền này. Vì vậy, cần xây dựng Luật Căn cước công dân để cụ thể hóa quy định của Hiến pháp năm 2013 về quyền con người, quyền công dân liên quan đến căn cước công dân.
Theo dự thảo luật số định danh cá nhân được sử dụng làm số thẻ căn cước công dân. Trường hợp đổi, cấp lại thẻ thì số thẻ vẫn giữ đúng theo số định danh cá nhân đã cấp. Số định danh cá nhân là mã số công dân gồm 12 số tự nhiên, được xác lập từ cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư do Bộ Công an quản lý thống nhất trên toàn quốc, được cấp cho mỗi công dân Việt Nam và không lặp lại ở người khác, dùng để xác định dữ liệu cụ thể của một người trong cơ sở dữ liệu.
Một bước tiến quan trọng so với quy định của pháp luật hiện hành được Chính phủ nhấn mạnh là dự thảo luật quy định cấp thẻ căn cước công dân cho công dân dưới 15 tuổi, ngay từ khi làm thủ tục khai sinh để bảo đảm quyền công dân theo Hiến pháp năm 2013.
Đồng thời, luật không quy định hạn chế người được cấp thẻ Căn cước công dân, kể cả người đang bị tạm giữ, tạm giam, đang chấp hành án phạt tù, đang chấp hành quyết định đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc, đang mắc bệnh tâm thần hoặc một bệnh khác làm mất khả năng nhận thức, khả năng điều khiển hành vi của mình.
Hơn nữa, luật còn quy định cả trường hợp cơ quan quản lý căn cước công dân sẽ đổi thẻ căn cước công dân theo yêu cầu của công dân theo tinh thần Nhà nước phục vụ nhân dân.
Đánh giá tác động bước tiến nói trên so với việc giữ nguyên quy định hiện hành là chỉ cấp thẻ căn cước công dân cho người từ đủ 14 tuổi trở lên, Chính phủ cũng chỉ ra tác động tiêu cực là Nhà nước phải chi một khoản kinh phí lớn để cấp thẻ căn cước công dân cho người dưới 15 tuổi.
Với khoảng 24% dân số là người dưới 15 tuổi và chi phí để cấp mới một thẻ căn cước công dân là 30.000 đồng (tính cả tiền chụp ảnh) thì tổng kinh phí nhà nước phải chi là 648 tỷ đồng, theo tính toán tại báo cáo đánh giá tác động của dự án luật.
Tuy nhiên, tác động tích cực là Nhà nước quản lý được những người dưới 15 tuổi. Đồng thời, với việc quản lý được thông tin về căn cước của tất cả các công dân còn hỗ trợ hiệu quả trong việc hoạch định các chính sách phát triển kinh tế - xã hội, chính sách quản lý và phân bố dân cư.
Mặt khác, người dưới 15 tuổi có thẻ căn cước công dân để phục vụ giao dịch, không mất thời gian, công sức để đi xin xác nhận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về căn cước của mình khi thực hiện các giao dịch.
Cũng liên quan đến chi phí, hồ sơ dự án luật có kèm dự toán kinh phí dự án sản xuất, cấp và quản lý giấy tờ về căn cước công dân với số tiền 467.836 triệu đồng
Dự án khả thi sản xuất, cấp và quản lý giấy tờ về căn cước công dân do Bộ Công an xây dựng đã được Thủ tướng phê duyệt, Chính phủ cho biết.
Tại kỳ họp thứ 7 khai mạc vào ngày 20/5 tới đây, Quốc hội sẽ thảo luận về dự án Luật Căn cước công dân
Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.
VnEconomy is not responsible for the translation.
Google translate