August 04, 2023 | 13:20 GMT+7

Có thể hình dung 30-50% khó khăn, vướng mắc chính được tháo gỡ

Thanh Xuân -

Thị trường bất động sản đã qua giai đoạn khó khăn nhất và dần phục hồi từ tháng 5/2023; quý 2 tốt hơn quý 1; các khu công nghiệp tỉ lệ lấp đầy khoảng 76%. Ngoài ra, theo nhà đầu tư, giá cổ phiếu bất động sản tăng 18%, giá cổ phiếu doanh nghiệp xây dựng tăng 39%... Do đó có thể hình dung, 30-50% vướng mắc chính đã được tháo gỡ…

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa chủ trì Hội nghị trực tuyến đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết 33/NQ-CP của Chính phủ và đề xuất các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho thị trường bất động sản.

QUA ĐƯỢC GIAI ĐOẠN KHÓ KHĂN NHẤT

Tại hội nghị, TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV và thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia đánh giá: Thị trường bất động sản đã qua giai đoạn khó khăn nhất (về tài chính, nhất là trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn; về giao dịch bất động sản; về tháo gỡ vướng mắc đối với dự án bất động sản).

“Nếu cần lượng hóa thì có thể hình dung đâu đó 30-50% khó khăn chính, số dự án bất động sản vướng mắc pháp lý, thủ tục… được tháo gỡ, tùy vào mỗi địa phương”, chuyên gia nhấn mạnh.

Đồng quan điểm, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TP.HCM, cũng cho biết theo nhận xét của Bộ Xây dựng và của TP.HCM, thị trường bất động sản quý 2 đã giảm khó khăn hơn so quý 1. Tại TP.HCM có 180 dự án bị vướng mắc, nhưng vừa rồi thành phố lập Tổ công tác do Chủ tịch UBND Phan Văn Mãi làm Tổ trưởng nhằm gỡ khó cho các dự án, thì đến nay, với các dự án này, thành phố giải quyết, xử lý được 67 dự án, chiếm 37,2%. Đặc biệt, khi tiếp xúc các lãnh đạo của nhiều tập đoàn, họ đều nhận thấy thị trường đang có dấu hiệu dần giảm bớt khó khăn để đi đến giai đoạn phục hồi, tăng trưởng.

Tương tự, GS.TS Hoàng Văn Cường, đại biểu Quốc hội, Phó Hiệu trưởng Trường đại học Kinh tế Quốc dân, cho rằng nếu tại thời điểm tháng 2/2023 khi tổ chức hội nghị toàn quốc liên quan đến bất động sản, thị trường dường như đứng trước nguy cơ sụp đổ, rất nhiều doanh nghiệp tên tuổi gặp khó khăn, doanh nghiệp trên bờ phá sản và không ít dự án dở dang… thì tới này, diện mạo của thị trường bất động sản hoàn toàn thay đổi. Chi tiết thể hiện rõ ràng nhất là chứng khoán - chỉ số đánh giá nhạy cảm nhất với nhiều mã bất động sản đứng đầu danh sách.

Mặc dù có những chuyển biến tích cực nhưng các chuyên gia nhận định sự phục hồi vẫn chậm, chưa phải hoàn toàn vướng mắc được tháo gỡ kịp thời, mặt khác, sức cầu yếu, nhất là trong mua nhà, bất động sản du lịch – nghỉ dưỡng…; phát hành trái phiếu doanh nghiệp cũng còn khó khăn do niềm tin, cầu đầu tư theo hướng an toàn hơn.

THỰC HIỆN NGHIÊM CÁC CƠ CHẾ, CHÍNH SÁCH 

Do đó, ông Lực kiến nghị các Bộ, ban, ngành, địa phương, doanh nghiệp cần thực hiện nghiêm túc, tốt cơ chế, chính sách, cùng các nghị định, thông tư liên quan đến thị trường bất động sản, lĩnh vực xây dựng và đất đai đã ban hành. Bên cạnh đó, đối với các dự án, vấn đề nào tồn đọng lâu nay thì bóc tách để giải quyết, tránh tồn đọng cả cụm vấn đề; việc định giá đất, tiền thuê đất, kiến nghị Chính phủ sớm ban hành sửa đổi Nghị định 44 (2014), Thông tư 36/2014/TNMT tạo điều kiện cho địa phương quyết liệt triển khai thực hiện, cũng là cách giải phóng nhiều dự án bất động sản nhà ở đang chờ bán.

Ngoài ra, liên quan đến nguồn vốn, về tín dụng cần tiếp tục giảm lãi suất như chỉ đạo, định hướng của Chính phủ, Ngân hàng nhà nước; kiên định không hạ chuẩn tín dụng mà có thể xem xét linh hoạt hơn điều kiện tín dụng; cân nhắc thời điểm, lộ trình áp dụng một số điều khoản về hạn chế cho vay để phù hợp hơn. Còn trái phiếu doanh nghiệp, kiến nghị bộ, ngành nhanh chóng giải quyết dứt điểm các vụ việc nổi cộm trong thời gian qua, nhằm củng cố lại niềm tin; khẩn trương có phương án triển khai tiếp Nghị định 65/2022/NĐ-CP khi Nghị định 08/2023/NĐ-CP hết hiệu lực; sớm khuyến khích phát hành trái phiếu doanh nghiệp ra công chúng bằng việc đơn giản hóa, rút ngắn thủ tục, thời gian phê duyệt; nên thành lập Quỹ phát triển nhà ở xã hội, trong đó, vốn ngân sách nhà nước làm vốn mồi, lãi suất cho vay đầu tư, mua nhà ở xã hội bằng khoảng 50% lãi suất thị trường, như Singapore và Hàn Quốc đã làm…

“Đặc biệt, với nguồn cung cần đẩy nhanh việc tháo gỡ pháp lý, cho phép chuyển đổi dự án nhà ở thương mại thành nhà ở xã hội”, chuyên gia nhấn mạnh…

Cũng chia sẻ thêm vấn đề này, ông Cường cho rằng nếu không có biện pháp tăng nguồn cung kịp thời sẽ có thể xảy ra cơn sốt không đáng có. Chính vì vậy, phải thúc đẩy tăng nguồn cung, nhất là nguồn cung ở thị trường có thanh khoản như: nhà ở xã hội, nhà ở cho người thu nhập thấp. “Mà để phát triển được phân khúc này, tôi nghĩ ngoài việc chính sách của gói 120 nghìn tỷ đáp ứng được cả thời hạn cho vay, mức lãi suất, thậm chí có thể dùng thêm một phần hỗ trợ từ ngân sách cho lãi suất của phân khúc nhà ở xã hội… thì về phía phía doanh nghiệp nên tiếp tục triển khai mạnh mẽ việc cơ cấu lại sản phẩm, phân khúc nhà phù hợp thu nhập của người dân và nhu cầu thị trường; đồng thời, xác định lại giá bán...”, chuyên gia lưu ý.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate