May 25, 2015 | 11:58 GMT+7

“Có thể tôi sẽ đề nghị Quốc hội thảo luận về biển Đông”

Nguyên Thảo

Hỏi chuyện vị đại biểu duy nhất đã lên tiếng “đòi” bố trí thời gian để Quốc hội có thể bày tỏ chính kiến về biển Đông

Ông Nguyễn Anh Sơn, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Nam Định.
Ông Nguyễn Anh Sơn, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Nam Định.
“Khi đề nghị bổ sung nội dung biển Đông vào chương trình, tôi có nói rõ một ý là Quốc hội cần tỏ một cách rõ ràng quan điểm của mình về vấn đề này”, đại biểu Nguyễn Anh Sơn, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Nam Định trao đổi với VnEconomy bên hàng lang Quốc hội, sáng 25/5.

Ông Sơn là vị đại biểu duy nhất đã lên tiếng “đòi” bố trí thời gian để Quốc hội có thể bày tỏ chính kiến về tình hình biển Đông tại kỳ họp thứ 9 đang diễn ra.

Tiếp thu ý kiến của ông, Quốc hội đã bố trí họp riêng về tình hình biển Đông từ 16h ngày 5/6/2015. Nhưng cũng có ý kiến đại biểu cho rằng, Quốc hội không nên họp riêng. Vì đã quyết định việc thông báo cho toàn bộ đại biểu Quốc hội về tình hình là nhằm thông báo với dân. Quan điểm của ông thế nào?

Thực ra nếu để cho dân biết là tốt nhất. Khi Quốc hội họp trù bị, tôi phát biểu là không chỉ cả cử tri cả nước, mà cả người Việt Nam ở nước ngoài cũng rất quan tâm lo lắng trước việc làm của Trung Quốc ở biển Đông.

Mà chúng ta cũng thấy, chẳng những Việt Nam quan tâm mà các quốc gia liên quan cũng quan tâm đến tình hình biển Đông, nên nếu bằng cách nào đó mà cử tri có nhiều thông tin một cách sát thực, rõ ràng là điều hết sức tốt.

Quốc hội họp riêng, tôi nghĩ là có những vấn đề trong quan hệ quốc tế cần có sự cân nhắc. Nếu họp công khai, thậm chí có người nói là truyền hình cho cả nước theo dõi thì cũng là cái tốt, nhưng mà có thể có những nội dung không thuận.

Quan trọng là ngay trong quá trình họp Quốc hội thì Quốc hội có đầy đủ thông tin, thấy được quan điểm chính thức của Đảng, Nhà nước ta và của từng đại biểu, cũng như ý chí chung của Quốc hội, để sớm chuyển tải đến ý kiến cử tri, để cử tri thấy rằng đây là việc hết sức hệ trọng.

Không phải đến bây giờ, mà từ nhiều kỳ họp, vấn đề biển Đông đã rất nóng trên nghị trường. Quốc hội luôn họp riêng, dù sau đó có thông báo  nhưng ngoài thông tin thì cử tri còn mong muốn được thấy, được nghe từng vị đại diện cho mình thể hiện thái độ và chính kiến về nội dung hết sức quan trọng này. Vậy theo ông, nếu kỳ này phiên họp về biển Đông vẫn tiến hành theo cách thông thường, thì sẽ không đáp ứng được nhu cầu đó của cử tri?

Có thể là như thế, khi đề nghị bổ sung nội dung biển Đông vào chương trình, tôi có nói rõ một ý là Quốc hội cần tỏ một cách rõ ràng quan điểm của mình về vấn đề này. Chứ không chỉ đơn thuần là thông báo một việc đã nghe, đã biết.

Nhất là từ kinh nghiệm của kỳ họp tháng 5/2014 khi Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan 981, lúc bấy giờ có thể nói không khí của cả nước là sôi sục, cử tri muốn đại biểu Quốc hội phải đại diện cho ý chí nguyện vọng của dân, phải thể hiện được ý kiến mạnh mẽ. Lần này cũng thế, cử tri cũng mong muốn và Quốc hội phải tỏ rõ chính kiến.

Tuy nhiên thì chương trình hiện nay chỉ mới dừng lại ở việc thông báo, để đại biểu nghe trong một tiếng. Tôi cũng chưa biết là hôm đó có đại biểu nào bấm nút đề nghị thảo luận không.

Vì sao không phải là ông bấm nút?

Cũng có thể sẽ là tôi!

Diễn biến trên biển Đông như ông nói khiến cử tri bức xúc. Vậy với tư cách là một người đại diện cho dân, liệu ông có quá lo lắng không ạ?

Vừa rồi tôi đã đi ra Trường Sa, đây là lần thứ hai. Chứng kiến diễn biến ở đây, tôi lo lắng một ngày nào đó, bằng một cách nào đấy, người ta có thể đẩy chúng ta vào thế rất khó khăn, khi mà người ta đã có đầy đủ cơ sở về hậu cần, quân sự như chúng ta đang thấy...

Nhiều cử tri ngoài đảo theo dõi trên các kênh chính thức thấy Trung Quốc làm như thế là không thể chấp nhận được. Họ cũng mong muốn từng đại biểu Quốc hội nói riêng và toàn thể Quốc hội nói chung phải có thái độ rõ ràng, dứt khoát, mạnh mẽ.

Cá nhân ông có mong muốn sau phiên nghe báo cáo Quốc hội sẽ bố trí một phiên thảo luận trong chừng mực nào đó, không ảnh hưởng đến bí mật an ninh quốc phòng, để cử tri có thể theo dõi chính kiến của các vị đại diện cho mình và có thêm thông tin?

Tôi nghĩ rằng bằng cách nào đó cũng phải chuyển tải đến cử tri những nội dung đó. Tôi không nắm được là chúng ta đã có những hình ảnh gì về về các đảo xây trái phép của Trung Quốc hay không, nhưng tôi nghĩ rằng nếu như chúng ta có thì có thể cũng chính thức mạnh dạn đưa ra.

Biển Đông là vấn đề chính trị quốc tế rất phức tạp, liệu các đại biểu có đủ thông tin để thảo luận không, thưa ông?

Đề nghị của tôi là cũng để các đại biểu có thêm thông tin và được thông tin chính thức.
Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate